song
Phát triển sản phẩm báo chí số cần thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số
Ngày xuất bản: 18/08/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5731

 Mục tiêu của chuyển đổi số nền báo chí là báo chí số - loại hình báo chí sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Để triển khai báo chí số cần có tòa soạn số.

Các tòa soạn đang trên con đường chuyển đổi số để hình thành tòa soạn số

Trước đây, mỗi tòa soạn chỉ tổ chức sản xuất một loại hình báo chí - báo in, phát thanh, truyền hình. Đến khi có Internet và xuất hiện báo điện tử, các báo bắt đầu tổ chức mô hình tòa soạn hội tụ để sản xuất đồng thời nhiều loại hình khác nhau, vừa làm báo in vừa làm báo điện tử, vừa sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình, vừa xuất bản các chương trình này lên trang web và mạng xã hội.

Đánh giá về sự thay đổi đó, tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số" được tổ chức 17/8, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho rằng, sự thay đổi này buộc các cơ quan báo chí phải tổ chức lại bộ máy vì cần thêm nhân sự, phòng ban để tổ chức sản xuất các nội dung mới hoặc làm mới các nội dung cũ.

Quy trình vận hành cũng phải thay đổi khi có thêm các nhánh làm sản phẩm điện tử. Có báo chỉ xem sản phẩm điện tử là món phụ nên không đầu tư nhiều, chỉ chế biến lại sản phẩm chính theo phong cách báo điện tử. Có báo sản xuất thêm sản phẩm mới, thậm chí đầu tư cho báo điện tử nhiều hơn các món thế mạnh cũ.

 

Nhà báo Lê Xuân Trung nhận định: "Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, sự phát triển của báo chí cũng mang tính bước ngoặt không chỉ về loại hình báo chí mà còn về quy trình làm báo, tổ chức bộ máy và cách thức truyền tải nội dung đến với bạn đọc". (Ảnh: Sơn Hải)

Đặc biệt là sự xuất hiện các báo thuần điện tử, lập tức khẳng định ưu thế và sự phát triển vượt trội khi tập trung toàn bộ nguồn lực làm báo điện tử, nhanh chóng vượt qua một số báo in về lượng bạn đọc và nguồn thu.

"Thật sự, các loại hình báo chí không khác biệt nhiều về bản chất nội dung tin tức, nhưng khác nhau về cách tư duy và khai thác đề tài báo chí vì về cách thức truyền tải nội dung đến người đọc, người xem hoàn toàn khác nhau. Báo điện tử đến với người dùng quá nhanh, quá tiện lợi khi xuất hiện kịp thời trên màn hình máy tính hay điện thoại trong khi báo in, truyền hình, phát thanh vẫn phát tin bài theo ngày giờ cố định bằng phương thức truyền thống, không thể cập nhật liên tục, không thể tiếp nhận phản hồi của độc giả tức thời…", nhà báo Lê Xuân Trung nhìn nhận.

Thực tế cho thấy, để sản xuất được các loại hình báo chí mới, nhiều tòa soạn đã tổ chức theo mô hình tòa soạn hội tụ, từ hội tụ nguồn lực đến hội tụ quy trình để có thể kiểm soát nội dung từ đầu vào đến đầu ra một cách thông suốt, nhất quán.                                     

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, mô hình này có ưu điểm là đáp ứng được yêu cầu sản xuất đa phương tiện, đặc biệt là loại hình báo điện tử nhưng đồng thời cũng làm cho khối lượng công việc tăng lên trong khi bộ máy nhân sự không thể nở nồi  tương ứng vì sẽ làm tăng chi phí. Mọi người trong tòa soạn cảm thấy áp lực tăng lên, bị cuốn theo dòng thời sự quá nhanh, quá nhiều. 

 

Một toà soạn hiện đại trên thế giới.

Vậy làm thế nào để vẫn bảo đảm năng suất của tòa soạn hội tụ mà không gia tăng áp lực đối với đội ngũ?

"Giải pháp khả thi nhất là tòa soạn phải ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm. Nghĩa là tòa soạn phải chuyển đổi số sao cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Khi đó tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản, hiệu quả hơn. Tòa soạn số cần kết nối và phát huy tối đa 3 trục chính: Trung tâm phát triển nội dung số; Module dữ liệu nội dung số; Module dữ liệu người dùng", nhà báo Lê Xuân Trung cho biết.

Nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh, các tòa soạn ở Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số để hình thành tòa soạn số thông qua việc phát triển và kết nối một cách có hiệu quả giữa các module nội dung với module dữ liệu và module người dùng.

Đó là mô hình hoàn chỉnh từ khâu đầu vào đến đầu ra trong một hệ thống quản trị nội dung được ứng dụng công nghệ tương thích với quy mô, tính chất và mục tiêu của một cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng.

Đáp ứng đúng nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng

Cũng tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số", định nghĩa khái quát về toà soạn số, TS. Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tòa soạn số dựa trên hội tụ công nghệ và nội dung là hệ quả của sự ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm thống nhất về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để cung cấp tiện ích tốt nhất cho công chúng và độc giả.

"Hội tụ công nghệ và nội dung cho phép các cơ quan báo chí truyền thông xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan báo chí truyền thông nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số", TS. Trần Quang Diệu nhấn mạnh.

 

Mô hình tòa soạn số có thể được mô phỏng như thế này, theo TS Trần Quang Diệu chia sẻ tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số" được tổ chức 17/8.

Trên cơ sở tòa soạn số, việc phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện là công việc vô cùng quan trọng. TS. Trần Quang Diệu phân tích, trên cơ sở phát triển các sản phẩm báo chí bằng nhiều phương tiện như viết, nghe, nhìn, trực tuyến và có thể trải nghiệm qua nhiều hình thức trình diễn như nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, ân thanh trên một sản phẩm báo chí, đồng thời phát triển các dòng sản phẩm báo chí truyền thông dựa trên nền tảng số, công cụ số để hình thành báo chí số.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hầu hết dựa vào các nền tảng khác nhau để hỗ trợ các hoạt động của cơ quan báo chí, truyền thông để khai thác tối đa tài nguyên của mình để phục vụ công chúng một cách hiệu quả nhất.

Khi Internet phát triển và tác động mạnh mẽ tới các cơ quan báo chí, truyền thông thì có nhiều nghiên cứu về xu thế của báo chí đa nền tảng dựa trên các hành vi của công chúng. Ban đầu, website được ưu tiên - web-first, sau đó là nội dung số - digital-first để chỉ một chiến lược số cho tòa soạn cụ thể. Gần đây thiết bị di động lại được ưu tiên - mobile-first cũng như ưu tiên phát thông tin tới mạng xã hội - social-first với mục tiêu sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông hướng tới việc phù hợp với thiết bị di động, phù hợp với sự nhanh nhạy của truyền thông xã hội và mạng xã hội.

"Khi thông tin phải tìm tới công chúng thì việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn là cách tốt nhất để các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận đến công chúng một cách nhanh và hiệu quả nhất", TS. Trần Quang Diệu cho hay.

Thực tế cho thấy, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông, thời đại của kết nối Internet vạn vật và trí thông minh nhân tạo. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chuyển đổi số, cách làm báo đã hoàn toàn thay đổi so với môi trường truyền thống. Báo chí, truyền thông Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên báo chí số.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải