song
Phóng viên Nguyễn Hoàng: Thực tế là “chất xúc tác” nuôi dưỡng nghề
Ngày xuất bản: 06/01/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6772

 Là một phóng viên trẻ, khi bước chân vào nghề Nguyễn Hoàng cũng gặp không ít những khó khăn, từ quá trình tập tành làm quen với công việc cho đến việc sáng tạo ra những "đứa con tinh thần". Đó là cả một quá trình dài để thích nghi với công việc. Những lần đi tác nghiệp tại cơ sở, từ những tiếp xúc thực tế, đã có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người xem, người nghe đài. Lúc đó, Nguyễn Hoàng cảm thấy hứng thú và say mê hơn với nghề mà mình đã chọn.

Phóng viên Nguyễn Hoàng

Ngày nhỏ, mỗi lần đến ngày 27/7 – Ngày Thương binh liệt sĩ, nhà Hoàng lại tấp nập khi được đón tiếp các bác, các chú lãnh đạo đến thăm hỏi, bởi cả bố mẹ Hoàng đều là thương binh và theo sát luôn có các cô, chú, anh, chị phóng viên đến đưa tin, chụp ảnh. Nhìn mọi người tay máy, tay bút ghi chép, quay phim Hoàng mê lắm, Hoàng thấy nghề báo thật oai, được tôn vinh và có thể đi rất nhiều nơi. Vậy nên học xong phổ thông Hoàng đăng ký thi Cao đẳng truyền hình, cho đến giờ đó vẫn luôn là lựa chọn đúng.

Rồi Hoàng về công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Văn Chấn. Bỡ ngỡ khi thấy một phóng viên đài huyện rất đa-zi-năng, vừa biết quay, biết viết, biết dựng và cả đọc, cậu cần cả một quá trình dài để thích nghi với công việc.

Khi chuyển về Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Yên Bái, bước vào môi trường làm việc mới với địa bàn công tác rộng hơn, thiết bị máy móc hiện đại hơn, yêu cầu về bài viết cao hơn Hoàng lại phải học để làm quen. Với chút kinh nghiệm của mình cùng với sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của lãnh đạo phòng, đồng nghiệp Hoàng dần làm quen việc trong môi trường mới.

Làm báo ở một Đài miền núi đã có khó khăn đã để để lại trong Hoàng nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Lần đầu chứng kiến một cơn mưa ở vùng cao mà Hoàng thấy… hoảng hốt. Trời đang nắng chang chang, không khí đặc quánh, ngột ngạt, không có lấy một ngọn gió. Vậy mà chỉ trong phút chốc trời đã tối sầm lại, gió ào ào, rồi mưa sầm sập. Nhớ lại chuyến đi tặng quà cùng đoàn thiện nguyện ở Hà Nội tại xã Chế Tạo, từ trung tâm huyện vào xã 40km nhưng phải đi hơn 4 tiếng đồng hồ, đến nơi thì trời mưa, mà trên những cung đường bốn bề là cây và núi, gặp mưa thì bùn đất nhão nhoẹt chỉ có ngủ lại chờ đường khô mới đi được.

Bên cạnh đó những chuyến tác nghiệp của Hoàng và đồng nghiệp luôn tiềm ẩn những khó khăn, bởi khoảng cách địa lý quá xa mà chủ yếu đi bằng xe máy, với máy móc thiết bị, tư trang hành lý nhiều, có những chuyến công tác dòng dã bằng xe máy cả đi và về gần 480km.

Hoàng nhớ lại chuyến công tác đến 2 huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải để thực hiện phóng sự “Người Mông Yên Bái làm du lịch”, cùng đi có 2 phóng viên Hảng A Chua và Giàng Dủ. Xuất phát ở cơ quan lúc 5h sáng, ngay sau khi vừa lên xe trời đổ mưa rất to, suốt cả chặng đường đi trời mưa mỗi lúc một to không có dấu hiệu dừng lại, nhìn sang hai anh chị đồng nghiệp thấy ai cũng lo lắng, Hoàng lại càng sốt ruột và nghĩ thời tiết này có khi chờ cả ngày cũng không quay được. Vậy nhưng khi đặt chân đến xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn vào đầu giờ chiều bỗng trời bừng nắng và thời tiết đẹp trong mấy ngày công tác, mọi việc đều ra diễn suôn sẻ và tác phẩm “Người Mông Yên Bái làm du lịch” dành được Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm 2018.

Sau nhiều chuyến đi như vậy Hoàng cũng quen dần với cái nắng, cái gió và những trận mưa rừng dù có quất rát mặt nhưng có manh áo mưa cũng phải dành để bọc máy quay.

Địa bàn tác nghiệp của phóng viên Nguyễn Hoàng cũng như phóng viên Phòng Tiếng Dân tộc chủ yếu là vùng sâu vùng xa

Đi và chứng kiến nhiều vùng nghèo khó, tận mắt thấy nhiều hoàn cảnh thương tâm, Hoàng cũng học được cách sẻ chia. Hoàng kể vể chuyến tác nghiệp tại vùng rốn lũ Sơn Lương, huyện Văn Chấn trong trận lũ lụt năm 2018, chứng kiến cảnh tượng đổ nát sau lũ, Hoàng không khỏi bất ngờ bởi những ngôi trường trước đây khang trang là thế mà giờ hết sức hoang tàn, phóng sự “Ngành giáo dục Văn Chấn, khó khăn sau lũ” được thực hiện ngay trước ngày tựu trường năm học mới đã nhận được sự chia sẻ đồng cảm của rất nhiều người, nhiều nhà hảo tâm đã đến tặng quà học sinh, nhà trường, còn Hoàng cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại cảm ơn của các thầy, cô giáo Trường Tiểu Học Sơn Lương, huyện Văn Chấn.

 Phóng viên Nguyễn Hoàng chia sẻ “Thời gian làm nghề tuy ngắn nhưng em cũng đã đặt chân đến rất nhiều địa bàn các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua mỗi chuyến đi công tác bản thân em và đồng nghiệp luôn có suy nghĩ, trăn trở vì những tác phẩm báo chí của mình chủ yếu phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, em và đồng nghiệp thường xuyên bám sát cơ sở, ghi lại những diễn biến thực tiễn cuộc sống xã hội ở địa phương cho việc tuyên truyền về vùng cao không xa rời thực tế”.

Những kỷ niệm buồn, vui trong nghề báo không thể nào nói hết, cũng như những khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp không mấy ai thấu hiểu, nhưng với Hoàng điều đó cũng chẳng sao, bởi nghề báo là những chuyến đi và thực tế là chất xúc tác để nuôi dưỡng nghề, thành quả mà Hoàng quan tâm nhất chính là những tác phẩm mang lại hiệu quả tích cực, được khán, thính giả đón nhận.    

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải