song
Phóng viên Nguyễn Thư - Nghề báo không chỉ có hào quang
Ngày xuất bản: 24/04/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 891

 14 năm qua, cùng với chiếc máy quay, máy ảnh và máy ghi âm, phóng viên Anh Thư, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên không ngại “xung trận” khắp các xã, thôn, bản nơi mình công tác để kịp thời đưa tin các sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội.

 

Phóng viên Nguyễn Thư

Vốn là người năng động, thích đi đây đó khám phá để trải nghiệm cuộc sống nên từ nhỏ Nguyễn Thư đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà báo. Cô chọn Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1, Khoa Báo Chí Phát thanh Truyền hình để bắt đầu cho ước mơ của mình. Ra trường Nguyễn Thư về Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Văn Chấn, rồi về Đài Truyền thanh – Truyền hình thị xã Nghĩa Lộ công tác.  Bước chân vào nghề với bao bỡ ngỡ, cô phóng viên trẻ ấy đã nhận được sự giúp đỡ chân tình của những anh chị đồng nghiệp đi trước, với Nguyễn Thư đó vừa là nguồn động viên, truyền lửa đam mê, vừa khơi gợi nguồn sáng tạo vào nghề.

Đối với những huyện vùng cao Yên Bái, đường về các xã xa xôi, dốc đá, vô cùng gian nan, lại là cô bé có vóc dáng khiêm tốn nên mỗi lần đi cơ sở là cả một hành trình vất vả và té ngã, trầy xước là "chuyện thường ngày ở huyện". Nhất là vào ngày mưa, có những thôn bản nằm cách xa trung tâm huyện, đi lại phải mất cả buổi mới tới. Nguyễn Thư nhớ lại chuyến công tác đưa tin về Hội thi ATGT tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, cách trung tâm huyện hơn 50km. Hội thi diễn ra vào buổi chiều, vậy là Thư một mình đi xe máy lên đường với lỉnh kỉnh máy quay, máy ảnh, máy tính, máy ghi âm. Tác nghiệp xong thì sẩm tối, đường về vắng vẻ, thưa thớt nhà, đã vậy trời đổ mưa rất to khiến cho tầm nhìn bị hạn chế, xe máy loạng choạng, trơn trượt không thể di chuyển tiếp, Thư phải dừng lại giữa đường, quần áo, mặt mũi ướt nhèm nhưng bằng mọi giá phải bảo vệ máy móc không để hư hỏng, ngấm nước nên khi đó chỉ có duy nhất một chiếc áo mưa Nguyễn Thư dùng để bọc máy quay, máy ảnh. Chờ cho cơn mưa rừng ngớt cô tiếp tục đi, về đến nhà khoảng 21h, mẹ Thư đã khóc khi thấy con gái như vậy.

 

Nguyễn Thư nhận giải Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ở đài huyện ít phóng viên, nhưng phải thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của toàn huyện, trung bình mỗi phóng viên được phân công phụ trách nhiều mảng, nhiều lĩnh vực khác nhau nên đòi hỏi phải có sức khỏe, đồng thời còn phải tự học hỏi những điều cơ bản về mỗi lĩnh vực để bài viết sâu hơn. Chưa kể những khi sức khỏe ko tốt, mang bầu, con ốm thì vẫn phải đi xã, viết tin, bài gửi cộng tác về Đài tỉnh. Kể lại khi mang bầu bé thứ nhất được gần 8 tháng, lúc đó đồng nghiệp trong tổ đang đi học, trời mùa đông rét buốt và dù bụng to vượt mặt Thư vẫn xách máy đi làm phóng sự cho Trang Truyền hình địa phương, rồi còn lội ruộng cùng bà con để quay hình. Cũng may được các chị các cô thương, hỗ trợ Thư rất nhiệt tình.

Rồi cái cảm giác háo hức ngóng chờ “đứa con tinh thần” của mình được phát sóng, những đón  nhận, phản hồi tích cực từ phía cơ sở, rồi được mọi người quen mặt, biết tên, cảm nhận sự sâu lắng ân tình của những người dân ở những nơi Thư đến, cô bảo tất cả những điều đó trở thành gia vị cho cuộc sống của mình.

Giờ Nguyễn Thư đang là 1 trong 3 phóng viên truyền hình, phụ trách chuyên mục an ninh trật tự và thuế thuộc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên, dù là nữ nhưng Thư cũng như các đồng nghiệp nam phải đi khắp 21 xã, thị trấn tác nghiệp nên nhiều khi không có ngày nghỉ cuối tuần. Thế nhưng, nghề báo vẫn có một sức lôi cuốn kỳ lạ để Thư vượt qua mọi khó khăn, những con đường dốc treo leo sỏi đá, những địa bàn gọi là cổng trời chạm tay tới mây bay, được thức trắng đêm trong Lễ cấp sắc của đồng bào Dao ở Văn Chấn, hay những đợt mở đường tình nguyện ăn cơm nắm muối vừng hay được tự tay trồng những gốc măng tre Bát Độ trên đồi rừng... đó đã thành kỷ niệm, thành vốn sống, vốn nghề của một cô gái sinh ra ở phố phường như Nguyễn Thư.

Nguyễn Thư chia sẻ “14 năm theo nghề, em nhận thấy nghề báo không phải là quả ngọt dễ hái, cái nghề đi và viết có lắm vui buồn, vất vả. Nhưng chính những chuyến đi, được tìm hiểu, khám phá, nhận được sự yêu quý của bà con, tình cảm trân quý sẻ chia từ những anh, chị đồng nghiệp các báo, đài của tỉnh và Trung ương em như được “nạp” thêm năng lượng. Từ đó những chuyến đi nối tiếp chuyến đi và tình yêu nghề báo cũng thấm dần như thế”.

Nguyễn Thư không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao mà còn tích cực tham gia các giải báo chí của Trung ương, của tỉnh, các kỳ Liên hoan Phát thanh - Truyền hình của tỉnh và đã đạt rất nhiều giải thưởng ở các cuộc thi như “ Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống, giai đoạn 2019 – 2020”, Giải Báo chí tỉnh Yên Bái, Giải thưởng sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, Báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc thi viết về Trấn Yên xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc…

Dẫu biết rằng còn muôn vàn gian khổ phía trước, nhưng Nguyễn Thư vẫn có thể đeo đuổi niềm đam mê với nghề báo một cách tự tin và trân trọng. Nghề báo luôn đòi hỏi sự nỗ lực, sự hy sinh và Nguyễn Thư yêu nghề báo không chỉ bởi những hào quang mà còn bởi những giá trị, ý nghĩa mà nghề báo mang lại.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải