song
Podcast - cách tiếp cận thân thiện của độc giả và hướng đi trở thành một sản phẩm đa phương tiện
Ngày xuất bản: 22/08/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 907

 Podcast - hình thức "nghe báo" đã không còn xa lạ với phần đông độc giả Việt Nam, rất nhiều trang báo điện tử đã mở chuyên mục riêng về Podcast. Ngày nay, các sản phẩm phát thanh dạng podcast đã mở rộng hình thức ra khỏi khuôn khổ truyền thống chỉ bao gồm âm thanh...

Như một người bạn

Phó nghiên cứu cấp cao Nic Newman của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters chỉ ra rằng podcast tin tức "vẫn là một điểm sáng đối với các nhà xuất bản báo chí, thu hút khán giả trẻ có trình độ học vấn cao". Podcast được các toà soạn coi là một lĩnh vực tăng trưởng, với cuộc khảo sát tháng 1/2024 của Viện Reuters cho thấy các nhà xuất bản báo chí "sẽ ưu tiên video, podcast và bản tin làm lĩnh vực tăng trưởng".

 

Podcast là một điểm sáng đối với các nhà xuất bản. (Ảnh: GT)

Kênh podcast của báo Tuổi trẻ ra mắt vào tháng 6/2022 - đến nay kênh thông tin âm thanh này đang phát triển rất nhanh và thu hút được nhiều người nghe. Theo nhà báo Lê Xuân Trung - Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, podcast là kênh quan trọng trong hệ sinh thái số của Báo Tuổi trẻ. Báo Tuổi trẻ không những cung cấp nội dung tin tức thời sự nhanh nhạy cho công chúng mà còn giới thiệu chia sẻ, kể cho họ nghe nhiều câu chuyện chuyên đề về nghề nghiệp, gia đình, sức khoẻ, thể thao hay những món ăn đặc sản ở các địa phương thông qua podcast.

Nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, trong một xã hội có rất nhiều chuyển biến như hiện nay, podcast đóng vai trò như một người bạn tạo ra một cảm giác gần gũi. Âm thanh, giọng nói, và cách thể hiện cảm xúc qua lời nói giúp tăng cường sự thân thiết. Podcast thường được nghe một mình, qua tai nghe hoặc trong không gian cá nhân như xe hơi, tạo ra một không gian riêng tư mà không cần nhìn chăm chú vào màn hình.

Tính tiện dụng của phát thanh là một trong những thế mạnh phù hợp với đặc trưng của công chúng truyền thông hiện đại, những công chúng có rất ít thời gian để theo dõi tin tức nhưng lại muốn cập nhật nhanh và nhiều thông tin. Xã hội ngày càng giàu có và phát triển, con người ngày càng có nhiều việc phải quan tâm và giải quyết trong quỹ thời gian một ngày. Bởi vậy, thời gian dành cho việc tiếp nhận các thông tin mới cũng bị ảnh hưởng. 

"Đến với kênh Podcast của Báo Tuổi trẻ, độc giả sẽ nắm bắt được tất cả các tin tức đáng chú ý trong ngày của Việt Nam cũng như thế giới mà không cần phải "đọc"", nhà báo Lê Xuân Trung cho hay.

Để tạo ra một podcast hấp dẫn, thu hút thính giả, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ lưu ý đến việc đặt tiêu đề. Tiêu đề của một Podcast phải làm nổi bật chủ đề, không giống như tiêu đề một bài báo ngắn thông thường, tiêu đề podcast có thể phong phú hơn về chi tiết.

"Bên cạnh đó, việc khai thác tin tức xu hướng cần được chú trọng. Chúng tôi phân công nhân sự làm podcast là những người trẻ để hướng đến độc giả, thính giả trẻ, phục vụ và thu hút công chúng trẻ. Họ sẽ theo dõi các chủ đề thịnh hành như một cách để tiếp cận nhóm đối tượng khán giả rộng hơn", Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ nói.

 

Trang mới của báo Tuổi Trẻ tại địa chỉ podcast.tuoitre.vn được ra mắt vào 6/2022 nhằm đa dạng hóa nội dung và đa dạng hóa kênh phân phối đến với công chúng trên không gian mạng.

Báo điện tử Tuyên Quang - một tờ báo địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và làm báo cũng đã và đang sử dụng Podcast như một kênh thông tin chủ lực trong việc thu hút và kết nối với độc giả. Nhà báo Việt Hoà - Trưởng phòng Điện tử, Báo Tuyên Quang cho biết, từ việc thay đổi hoàn cảnh, nhu cầu, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng trong thời đại số, truyền thông sẽ phải nỗ lực thay đổi mình trong cả phương thức truyền tin cũng như quy trình truyền thông để đáp ứng tối đa nhu cầu của công chúng hiện đại. Sự “lên ngôi” của phát thanh trong bối cảnh hiện đại này là một minh chứng. 

Để bắt kịp xu hướng và thu hút độc giả, kênh Podcast của Báo điện tử Tuyên Quang ra đời với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới đông đảo thính giả, bổ sung thêm một kênh để tiếp cận với tờ báo Đảng địa phương. Bên cạnh đó, Báo Tuyên Quang cũng thực hiện những chuyên đề về các câu chuyện xung quanh cuộc sống.

"Chúng tôi làm podcast không đi theo cách làm phóng sự bình thường, mà lựa chọn những chủ đề lắng đọng, cảm xúc về những vấn đề mang hơi thở cuộc sống, mang âm thanh cuộc sống xung quanh ta, giản dị gần gũi với con người", nhà báo Việt Hoà chia sẻ.

Tăng lượt xem cho podcast bằng cách kết hợp cùng lúc với video

Các sản phẩm phát thanh dạng podcast hiện nay đã mở rộng hình thức ra khỏi khuôn khổ truyền thống chỉ bao gồm âm thanh, mà trở thành một sản phẩm đa phương tiện, được gọi là video podcast. Video podcast, hay còn được biết đến với tên gọi “vodcast”, kết hợp cả hình ảnh và âm thanh trong nội dung của mình, cho phép người xem không chỉ nghe mà còn xem nội dung được sản xuất.

Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters 2024 chỉ ra rằng, nhiều podcast phổ biến nhất hiện được quay và phân phối thông qua các nền tảng video như YouTube và TikTok, "làm mờ thêm ranh giới giữa podcast và video". 

Nói về vodcast, Ths. Phan Văn Tú - Chủ nhiệm bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí truyền thông, Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết, nhiều đài phát thanh - truyền hình địa phương đã khai thác hình thức này trong việc sản xuất các chương trình đối thoại dài hàng tiếng đồng hồ trên các nền tảng số.

Với vodcast, công chúng truyền thông nhìn thấy người dẫn chương trình, khách mời, và thậm chí là các hiệu ứng hình ảnh, biểu đồ hoặc slide được sử dụng trong quá trình trình bày nhưng nội dung chính của sản phẩm vẫn là một chương trình phát thanh.

"Vodcast mang đến một lớp trải nghiệm thêm cho người nghe/xem, giúp họ có thể tiếp nhận thông tin qua cả thị giác lẫn thính giác. Với vodcast, một số đối tượng mục tiêu của những chương trình phát thanh truyền thống được mở rộng. Video podcast cho phép truyền đạt nội dung phức tạp một cách dễ hiểu hơn, qua đó tăng giá trị cho thông điệp muốn gửi gắm", Ths. Phan Văn Tú cho hay.

Vodcast đã thay đổi cách khán giả xem nội dung bằng cách kết hợp những gì tốt nhất giữa video và âm thanh. (Ảnh: podcastrocket)

Để làm tốt hình thức này, theo ông Phan Văn Tú, phóng viên, biên tập viên cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng truyền hình trong sản xuất cũng như kỹ năng quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. 

Làm phát thanh giờ đây không chỉ có máy ghi âm là công cụ sản xuất chính mà là thiết bị đa phương tiện. Năng lực đa phương tiện bao gồm khả năng tạo ra, biên tập, và phát hành nội dung qua nhiều hình thức và kênh truyền thông khác nhau, từ âm thanh, văn bản, hình ảnh, đến video và nội dung tương tác. Nội dung đa phương tiện thu hút sự chú ý và khuyến khích người nghe tham gia tương tác, từ đó tăng cường mối quan hệ giữa nhà báo và khán giả.

Ths. Phan Văn Tú nhấn mạnh đến việc đặt tiêu đề: "Khi chúng ta sản xuất một phóng sự phát thanh công phu, hấp dẫn nhưng đặt tiêu đề không thu hút, ảnh đại diện cho bài viết kém lôi cuốn thì chúng ta vô tình “đuổi” thính giả của mình, họ sẽ không nhấp vào để nghe/phát nội dung, họ sẽ lướt qua tác phẩm ấy bởi họ có quá nhiều lựa chọn trên không gian mạng hiện nay", và cho biết, kỹ năng viết tiêu đề tốt cũng góp phần tối ưu hóa nội dung cho SEO. Nói cách khác, những tiêu đề hấp dẫn, lời dẫn chất lượng cao giúp tối ưu hóa nội dung cho công cụ tìm kiếm, từ đó tăng lượt xem và lan tỏa thông tin.

Hình ảnh hoặc đồ họa là thumbnail - ảnh đại diện cho tác phẩm không chỉ làm cho nội dung trực quan hơn, giúp truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng và mạnh mẽ mà còn có vai trò thu hút thính giả trong lần lướt mắt đầu tiên trên các nền tảng số.

Bên cạnh đó, Ths. Phan Văn Tú cho rằng, phóng viên, biên tập viên hiện đại cũng cần rèn luyện viral - kỹ năng lan toả thông tin trên mạng, biết áp dụng các chiến thuật và kỹ thuật tiếp thị số để lan tỏa nội dung một cách rộng rãi, bao gồm việc sử dụng hashtag, tương tác với người nghe qua bình luận, và chia sẻ nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải