Ngày 10/6, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Tư pháp tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí...
Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.
Quang cảnh buổi hội thảo.
"Hôm nay tôi rất vui mừng khi có một hội thảo tầm cỡ xứng đáng với vấn đề này. Có mặt ở đây là những chuyên gia đại diện của những cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí; đại diện những cơ quan từ giới học thuật đến lãnh đạo cơ quan báo chí đang trực tiếp tiếp xúc với câu chuyện báo chí dưới góc nhìn chuyển đổi số, đổi mới nội dung báo chí, kinh tế báo chí. Hội thảo sẽ lắng nghe những ý kiến góp ý chất lượng trong vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật báo chí nói riêng nhưng về bản chất là đưa ra những quan điểm, tầm nhìn, hướng đến kế hoạch dài hơi và khó khăn hơn nữa là xây dựng nền báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục phát triển xứng đáng với vai trò và sự kỳ vọng của xã hội", Thứ trưởng Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, đích đến của chuyển đổi số báo chí là báo chí số. Báo chí số mang đặc tính của báo chí trên nền tảng số và báo chí đa phương tiện, bao gồm: tính thời gian thực, tính tương tác, tính đồng bộ trên nền tảng số và trong hệ sinh thái số. Đặc tính này tạo ra sự khác biệt giữa báo chí số và các loại hình báo chí truyền thống, trọng tâm là công nghệ số - công cụ số - công chúng số.
Luật Báo chí 2016 chưa bao quát hết các mô hình, vấn đề của báo chí số. Việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn số, nhà báo số, nền tảng số, công cụ số, nhiều khái niệm công cụ của báo chí số, hội tụ các thành tố của báo chí số, các nền tảng số mới chưa được đề cập tới trong Luật Báo chí. Ngoài 4 loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí, loại hình báo chí số với các thể loại cơ bản như báo chí tự động, báo chí dữ liệu, còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như: Mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình...); mặt khác với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng; đồng thời có sự tương tác.
"Công cụ pháp lý trong quản trị nội dung, quản trị toà soạn số trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo đang là những thách thức lớn, nhất là vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông và vấn đề sở hữu trí tuệ, khi ChatGPT, trí tuệ nhân tạo phát triển tạo nguy cơ sản xuất và phát tán tin giả bằng báo chí tự động. Công cụ pháp lý kinh doanh báo chí số, đặc biệt là công cụ pháp lý cho quản trị tài chính đang là khúc mắc lớn cần có giải pháp tháo gỡ. Luật Báo chí 2016 chưa đề cập tới những mảng nội dung này", PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi Luật Báo chí 2016.
Bàn về một số nội dung cần quan tâm khi xây dựng đề xuất sửa đổi Luật báo chí 2016 trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) chia sẻ, đến nay, Luật Báo chí 2016 đã chính thức có hiệu lực và vận hành được hơn 6 năm, là thời gian đủ dài để đánh giá, rà soát về sự cần thiết bổ sung, sửa đổi một số quy định của Luật. Hơn 6 năm qua, với hành lang pháp lý của Luật Báo chí 2016, lĩnh vực phát thanh, truyền hình đã ghi nhận những bước chuyển biến tích cực cả về lượng và chất.
"Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, giờ đây, một số bất cập, hạn chế đã bắt đầu bộc lộ, đặc biệt khi xu thế chuyển đổi số ngày càng lan toả và tác động mạnh trong mọi mặt đời sống xã hội", ông Yên nói.
Theo ông Nguyễn Hà Yên, trong bối cảnh không gian mạng intermet đã trở thành phương thức cung cấp thông tin vô cùng quan trọng, cần cụ thể hoá quy định để các Đài có thể phổ biến các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình hấp dẫn, có tính thờisự đến khán thính giả một cách nhanh chóng và tin cậy. Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ số phát triển vượt bậc tác động mạnh đến lĩnh vực báo chí, cần xem xét việc phân loại các loại hình báo chí sát với thực tiễn để bảo đảm các cơ quan báo chí có phạm vi hoạt động phù hợp với xu thế hội tụ về công nghệ và dịch vụ.
Cần định vị rõ vị trí, vai trò của các sản phẩm báo chí thiết yếu để có quy định ứng xử riêng, phân biệt với các sản phẩm thông tin giải trí có tính chất báo chí khác. Làm được việc này, việc huy động nguồn lực xã hội trong việc đa dạng hoá nội dung thông tin giải trí sẽ dễ dàng hơn và tạo đột phá trong việc giải quyết vấn đề kinh tế báo chí, trong khi hiện nay, cơ quan báo chí chủ yếu chỉ trông vào nguồn thu quảng cáo.
Tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo cùng các chuyên gia đã cùng trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, cơ quan báo chí có hai vai trò. Một là vai trò của đội ngũ tham gia bảo vệ chế độ. Nhưng bên cạnh đó, báo chí cũng là những cơ quan cung cấp dịch vụ công là thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Vậy cơ sở khoa học nào để làm rõ và làm sòng phẳng mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và bên chủ quản, cao hơn là Nhà nước trong vai khách hàng lớn của báo chí. Cần có cơ sở khoa học để khi trình bày có thể thuyết phục được các cấp, ngành, thuyết phục được xã hội, khi câu chuyện của báo chí và kinh tế báo chí còn là vấn đề nhức nhối.
"Bộ TT&TT sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến quý báu của các chuyên gia, đồng nghiệp để tiếp tục hoàn thiện các văn bản có liên quan lập đề nghị xin ý kiến Chính phủ về những vấn đề cần sửa đổi trong Luật báo chí 2016", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Theo Nhà báo và Công luận
CÁC TIN KHÁC