song
Sức xuân của Đảng
Ngày xuất bản: 03/02/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 17456

 Đảng của chúng ta thêm tuổi mới. Dân tộc ta hơn chín thập niên có Đảng. 92 mùa xuân Đảng gánh vác sứ mệnh dẫn lối soi đường, làm giàu thêm trang sử nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Không bao lâu nữa chúng ta sẽ đón chào tròn một thế kỷ Đảng ra đời. Vậy mà mỗi khi Tết đến, Xuân về vẫn nao nức một niềm vui, niềm tin, niềm tự hào khi nghĩ về sức xuân của Đảng.

Sức xuân ấy thể hiện trong tư duy đổi mới, trong những quyết sách chính trị, trong sự gắn bó lâu bền, máu thịt với dân tộc, với nhân dân. Nhưng có lẽ một trong những điều khiến cơ thể Đảng luôn khỏe khoắn, thanh tân là bởi mỗi đảng viên và tổ chức Đảng luôn tự làm mới mình. Khi nói, Đảng ta luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn chính là quá trình tiếp thu những giá trị mới, loại bỏ những gì không còn phù hợp, trong đó có những điều từng có lúc giúp ta thắng trong một giải pháp tình thế. Kế thừa luôn gắn với phát triển và sáng tạo. Trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng luôn tôn trọng quy luật khách quan, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại. Điều đó đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã thể hiện sự mới mẻ ấy. Sau khi chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt, Cương lĩnh toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó, tầm nhìn xa đó, cho đến hôm nay, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định con đường đi tới vì một đất nước hùng cường, dân giàu, nước mạnh, người dân có chỉ số hạnh phúc ngày càng cao. Cái chỉ số ấy đòi hỏi sự kiên trì, liên tục loại trừ, xóa bỏ những gì cũ kỹ, xơ cứng. Bác Hồ của chúng ta ngay từ khi nước nhà giành độc lập đã nêu lên chân lý: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (“Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” - Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945).

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khi cách mạng còn trong trứng nước hay khi đã thành công, Đảng nghĩ rộng, nghĩ xa về những chặng đường sắp tới. Cùng với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, luôn chăm lo giữ gìn cơ thể Đảng khỏe mạnh, cường tráng, để gánh trên vai sứ mệnh vẻ vang của dân tộc. Cuối năm 1947, sau hai năm chính thể Việt Nam mới non trẻ, Bác Hồ đã thấy đây đó tệ lạm dụng quyền lực. Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào tháng 10 năm ấy, lần đầu tiên Bác dùng từ “chỉnh đốn Đảng”. Cho đến trước khi đi về “Thế giới Người hiền”, Bác vẫn đau đáu về việc làm sao để Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Trong đoạn văn ngắn chỉ có 57 từ của “Di chúc”, Bác đã dùng tới bốn chữ “thật”: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hội nghị lần thứ Tư (Khóa XIII) Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Không phải ngẫu nhiên cả ba nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII, Trung ương đều ra Nghị quyết về vấn đề hệ trọng này ngay từ năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội. Giờ đây, theo nhiều đồng chí cán bộ lão thành, con số 4 đã trở thành một ấn tượng, một mặc khải của tinh thần dấn thân, dũng cảm. Suy cho cùng, nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, tự soi, tự sửa mình chính là thể hiện văn hóa trong Đảng.

Nghị quyết 4 của Trung ương lần này có nhiều điểm mới, nhưng bao trùm vẫn là trả lời câu hỏi làm thế nào để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân? Làm sao đây để chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống? Một điều cứ trở đi trở lại trong nhiều năm, vì sao chúng ta đã kiên trì, kiên quyết xây và chống thế nhưng tệ tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa bị diệt trừ tận gốc, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn? Nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được bàn thảo kể cũng đã nhiều. Khi còn có bộ máy chính quyền, còn cơ chế xin cho với những dự án béo bở, còn lợi ích nhóm thì còn có tham nhũng, từ tham nhũng to đến tham nhũng vặt.

Tham nhũng to như 11 vị tướng cảnh sát biển vừa bị kỷ luật, bị xem xét truy tố trước pháp luật. Họ đã lợi dụng cương vị được giao để tiếp tay cho buôn lậu, mua bán nguyên liệu, vật tư, thiết bị, chia nhau tiền tỷ. Tham nhũng nhỏ như mấy nhân viên ở quận huyện, đóng dấu bộ hồ sơ dự án cũng phải nộp tiền triệu. Một người bán rong ở chợ cũng phải “nộp” mấy chục ngàn đồng cho anh đeo băng đỏ lượn lờ quanh chợ. Rồi ngay cả trong làng báo, thật xót xa khi có những hiện tượng “nhà báo đếm tầng” ra giá, nhà báo rủ rê “đánh hội đồng” để đòi “tài trợ”.

 

Đó là nguyên nhân trực tiếp, cái mà nhiều người thường đổ riệt cho cơ chế, cho “quy luật” “trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Nhưng cái sâu xa, cái mặt trái của con người ở bên trong thường ngọt nhạt xui lủi, mách nước mới là nguy hiểm. Tham bao giờ cũng gắn với sân, si. Giống như tham nhũng gắn với tiêu cực. Tiêu cực là mảnh đất tốt để mọc cây tham nhũng. Và tham nhũng khiến cho các biểu hiện tiêu cực trở nên trầm trọng hơn. Lòng tham lại không có điểm dừng. Nếu ai cũng biết dừng, biết đủ và biết biến thì xã hội lành mạnh biết bao nhiêu, con người lương thiện biết bao nhiêu.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói những điều gan ruột: Sao có người tham tiền đến thế, tiền nhiều để làm gì, chết có mang đi được đâu, danh dự mới là điều quan trọng nhất! Phải diệt “giặc” từ trong lòng mình. Trong các chiến thắng thì thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Điều này V.I Lênin từng căn dặn: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”.

Vì những điều ngáng trở như thế mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực càng không dễ dàng. Càng không thể cứ ra xong nghị quyết là thở phào nhẹ nhõm. Thế nên Đại hội XIII và nhất là Nghị quyết Trung ương 4 mới đây tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng. Trung ương ban hành các quy chế, quy định chi tiết để chống tham nhũng, chống tha hóa quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, để những người tham lam không muốn, không dám, không thể tham nhũng. Sự thống nhất, quan hệ biện chứng giữa các quy định mới của Đảng là xây gắn với chống, bám sát thực tiễn.

Không chỉ chú ý xem xét, xử lý nghiêm túc mà chú ý cơ chế “chuông cứu hỏa”, cảnh tỉnh, cảnh báo từ xa. “Cứu” bằng cơ chế rõ ràng, minh bạch, bằng việc thường xuyên kiểm tra, giám sát. Cán bộ kiểm tra xuống cơ sở không phải để vạch vòi, bắt lỗi, sẵn trong cặp da những quyết định kỷ luật, mà cần thiết hơn: phát hiện, “nghĩ cách làm hay” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Dịp này Trung ương ban hành nhiều quy định liên quan chặt chẽ với nhau để phát huy, ràng buộc trách nhiệm và tạo hành lang rộng cho cán bộ, đảng viên làm tốt nhất công việc của mình. Cùng với quy định về sự nêu gương là sửa đổi, bổ sung những quy định mới về những điều đảng viên không được làm; quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ… Đây là những cơ sở, những căn cứ để xem xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, cũng là căn cứ để sàng lọc, loại bỏ những người không còn xứng đáng ngồi ghế quá cao, mặc áo quá rộng.

Ngày xuân nói về những tiêu cực có phần kém vui. Nhưng khi ta chuyên cần vun trồng đạo đức cách mạng, loại bỏ những cây hỏng, cành sâu thì lại là chuyện nên làm và nhắc nhau cùng làm. Chỉnh đốn không tách rời xây dựng, không đứng riêng mà gắn với đổi mới.  Như hai mặt của một tờ giấy, như bầu khí quyển trong lành tự nó xua tan sương mù, ô nhiễm. Sức xuân của Đảng không chỉ ở tầm tư tưởng, ở trí tuệ, bản lĩnh mà bắt nguồn từ mỗi việc làm hằng ngày, từ mỗi đảng viên, mỗi chi bộ. Từ cánh én phương trời xa đã báo tin xuân.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải