song
Tháng 6 - còn có điều để nhớ !
Ngày xuất bản: 14/06/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 13859

 YNăm nào cũng vậy, gần đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mấy anh bạn một thời làm báo gọi điện thoại cho nhau. Năm thì anh Vũ Duy Thiệu ở Hà Nội, năm thì anh Hoàng Kim ở thành phố Hồ Chí Minh, năm thì anh Đỗ Vĩnh Bảo ở Thái Bình... Năm nay, người gọi điện đầu tiên là nhà văn, nhà báo Đỗ Vĩnh Bảo, giọng nói của anh hơi khang khác, nghe đục hơn và chậm rãi hơn, có lẽ do tuổi tác, một lúc sau tôi mới nhận ra.

 Đoàn nhà báo quốc tế và Báo Hoàng Liên Sơn tại mặt trận Tả Phời (phía Tây thị xã Lào Cai) tháng 2/1979

Tôi hỏi anh: 

- Từ Thái Bình gọi lên đấy à?

Anh trả lời: 

- Mình lên Hà Nội rồi.

Tôi cười to: 

- Thế là mừng rồi, không cần phải hỏi giàu nghèo gì nữa.

Tôi nói với anh như thế là vì nhiều lần nói chuyện với nhau anh hay hỏi: "Có giàu không? Ở quê hay lên thành phố rồi? Thời bây giờ không giàu là không được đâu, người ta cười cho đấy, mà giàu là làm ăn chính đáng kia”. Anh nói thế nhưng khi tôi bảo cứ lên Hà Nội thì biết là giàu rồi. Anh đáp lời tôi bằng một câu rất cô đọng không cần phải nói gì thêm.

- Lên Hà Nội là lên theo con! Làm báo, làm văn thời chúng mình không nghèo rớt mồng tơi là tốt rồi. Bài viết được đăng báo hoặc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam là mừng, làm gì có nhuận bút như bây giờ. Cứ đăng, cứ phát, có tên trên báo, trên đài là sướng rồi. Có buổi tối, hai tay anh vỗ thình thình vào cái cánh tủ đánh thức anh em cùng phòng dậy nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát tác phẩm của mình trong buổi "Đọc truyện đêm khuya”.

Nghe xong, xem xong những tác phẩm của mình được đăng, được phát những ngày sau lại lao đi viết. Bây giờ có nhuận bút khá cao, có tuổi rồi, viết lách sáng tác gì cũng chỉ là cho vui, cho nó thỏa cái khát vọng làm nghề thôi chứ có phải ham hố giàu có gì nữa đâu.

Tôi cười, nói cho vui thế thôi. Cái thời "oanh liệt” trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác đi làm báo nó thuộc ngày xưa rồi. Nghe tôi tâm sự, Đỗ Vĩnh Bảo cười và thổ lộ rằng, chả biết thế nào sắp đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tự dưng mình lại nhớ đến những ngày lang thang làm báo ở Tây Bắc.

Chợt nhớ nên viết cái ký "Lang thang trên miệt rừng Tây Bắc”. Lâu rồi, có thể có những chi tiết không được chính xác. Nếu có chi tiết nào như vậy là do trí nhớ của mình kém thôi, chứ không có ý gì đâu. Về cơ bản là nhớ lại những gì đáng nhớ hay nói khác đi là những gì không thể nào quên của cuộc đời làm báo. 

Chẳng hạn trong bài viết mình nói: Ông là người viết rất nhanh, tác phẩm nào cũng có chi tiết hấp dẫn, văn phong thì chau chuốt. Cái tài nữa mà mình nể phục là ông viết ngay trên cái máy chữ cổ lỗ sĩ ngày ấy, mình thì gõ mổ cò mãi không lần ra một chữ. Ông cũng gõ mổ cò nhưng gõ được năm, sáu ngón trông cứ như mưa rơi trên hàng chữ. 

Nhớ chứ, nó cổ đến mức không còn nhìn rõ nhãn mác của nó là gì và là loại máy không có dấu. Gõ xong bài rồi ngồi mà điền dấu vất vả hơn cả viết tay, được có mỗi một lợi ích là mỗi lần đánh được cả một tệp ba bốn tờ muốn gửi cho báo nào thì gửi. 

Cỗ máy cổ lỗ sĩ như thế cũng phải chờ cho đến khi tòa soạn có được chiếc Ốp-ty-ma của Đức to hơn, các hàng ký tự sắc nét hơn, đánh được cả dấu thì chiếc máy không dấu kia mới trao cho phóng viên dùng. Gần chục phóng viên có mỗi một chiếc máy cổ ấy, anh nào lọ mọ gõ được một vài chữ mới dùng đến nó còn không thì lảng ra hết.

Bây giờ ngồi gõ tin, bài trên bàn phím của chiếc máy tính hoặc kết nối với mạng Internet, đôi khi chợt nhớ đến cái máy chữ không có dấu ngày xưa. Thương cho nó, nhưng cũng tự hào cho nó vì hình như chính nó đã đặt nền móng cho chiếc máy tính bây giờ. Cơ bản giống hệt như nhau, chỉ khác là cái máy chữ đánh ngay chữ vào tờ giấy, còn cái máy tính bây giờ đánh ký tự nào nó hiện lên màn hình ký tự đó và được ghi vào bộ nhớ rất hiện đại, có sửa chữa gì thì tùy ý không phải gạch xóa lem nhem như viết tay hoặc đánh bằng cái máy chữ.

Tôi có người cháu làm ở một tờ báo nọ khoe với tôi, chúng cháu làm báo bây giờ hiện đại lắm, tất cả tư liệu, tài liệu, tác phẩm được ghi vào các ổ trong máy tính khi cần là lấy ra, ấy là chưa nói đến cần tra cứu gì vào mạng là tìm thấy ngay, rất tiện lợi. Tôi nói với cháu, ừ hiện đại thật, nó nối dài vô tận cánh tay cho các nhà báo khi tác nghiệp, nhưng xét cho cùng nó cũng vẫn chỉ là phương tiện, cái quyết định vẫn là con người, vẫn ở tài năng của mỗi nhà báo, có phải thế không?

Thuở làm báo cùng Đỗ Vĩnh Bảo, Vũ Duy Thiệu, Hoàng Kim... cực lắm, mỗi tác phẩm viết ra đều phải chuyển bằng tay hoặc qua đường thư bưu điện. Có những tác phẩm về đến tòa soạn đành phải vứt bỏ vì mất tính thời sự rồi. Nhớ lần tôi và nhà văn I Điêng Đài Tiếng nói Việt Nam đi Điện Biên đón trận đánh của Phòng không không quân ta với chiến đấu cơ của Mỹ trên bầu trời Điện Biên Phủ. Chúng tôi ở nhà của Huyện ủy. Nhà của Huyện ủy ở ngay gần chân đồi A1. Trận địa pháo của bộ đội ta ở trên đỉnh đồi A1. Sáng hôm ấy, trời lắc rắc mưa, pháo cao xạ còn phải phủ bạt. Từ nhà Huyện ủy nhìn lên rõ mồn một. Nhận được lệnh báo động, bộ đội ta nhanh như chớp kéo bạt xuống vào vị trí chiến đấu. Trận chiến đấu ấy, bộ đội ta bắn trúng máy bay địch. 

Còn gì có ý nghĩa hơn, nơi đây quân và dân ta đã đập tan tập đoàn quân sự của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng lừng lẫy địa cầu, nay bộ đội ta lại đập tan cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ trên bầu trời Điện Biên Phủ. Rất nhanh, ít phút sau, chúng tôi viết xong tường thuật. Nhưng làm thế nào gửi nhanh nhất bài viết về Đài. Duy nhất lúc bấy giờ là gửi bằng điện tín qua bưu điện. Được hưởng cước báo chí nhưng một bài tường thuật mất quá nhiều tiền mà phóng viên thì đã cạn tiền trong túi. 

Anh I Điêng lúc nào cũng phải có điếu thuốc lá trên môi, mấy ngày trực chiến đấu tiêu hết tiền không có thuốc để hút, anh phải đúc nắm ngô rang vào túi thỉnh thoảng nhai, vừa là để chống đói vừa là chống thèm thuốc. Chúng tôi đành phải nói khó với Văn phòng Huyện ủy vay tạm tiền ăn để đánh điện. Thế là bài viết được chuyển về cơ quan khá kịp thời. Tiền vay là tiền chi tiêu hàng ngày của Huyện ủy. Chúng tôi phải cầu xin cơ quan năm lần, bảy lượt mới giải cứu được cho chúng tôi vì chưa có trường hợp nào chi tiêu cho một bài báo tốn kém đến như thế.

 Lại nói về công cụ, phương tiện đi lại của nhà báo, những năm tháng ấy chủ yếu là cuốc bộ. Anh nào sang lắm mới có được cái xe đạp Thống nhất. Nếu có cái xe đạp cũng phải tự tháo bỏ một vài bộ phận để trở thành cái xe không phanh, không gác-đờ-bu (cái chắn bùn). Phải như thế cái xe mới đi được ở đường rừng khi trời mưa, trời gió. Cái phanh, nhà sản xuất lắp sẵn không dùng được vì gặp mưa bùn đất kẹt vào. Khi đi cần là ghé luôn cái đế dép lốp vào vừa chắc chắn vừa không sợ mòn, sợ bỏng má phanh. Cho nên có xe đạp mà nhiều khi lại cuốc bộ là vì thế.

Tháng 6 năm nay, gặp nhau trên điện thoại, Đỗ Vĩnh Bảo nhắc lại chuyến cùng nhau đi công tác ở Thuận Châu ngày chiến tranh phá hoại. Mải mê đi lấy tài liệu khi trở về thì trời đã tối. Ba bề, bốn bên nhìn mãi không thấy có ánh đèn nào le lói, thì ra chiều hôm ấy máy bay Mỹ đã ném bom vào bản. Nhà cửa của dân tan hoang, cháy rụi. Nhưng chiếc cột nhà vẫn âm ỉ cháy, thỉnh thoảng lại bùng lên ánh lửa đỏ mỗi khi có gió thổi qua. Không còn biết tìm đâu ra chỗ nghỉ. Vừa đói vừa mệt vì hàng quán sơ tán hết. Đỗ Vĩnh Bảo đau dạ dày, càng đói càng đau, nhìn mặt anh nhăn nhó tôi biết nhưng chả có cách nào hơn là bảo nhau tìm chỗ ngủ cho quên đi cái đói, cái đau. 

Hai người lần mò trong cái bản cháy, chúng tôi phát hiện ra một ngôi nhà đổ sập nhưng còn sót một gian, lại có cầu thang. Hai chúng tôi trèo lên mắc màn ngủ, khi ấy đi đâu trong ba lô của phóng viên bao giờ cũng có cái màn cá nhân, bộ quần áo, một bi đông đựng nước và một gói thuốc phòng. Căn nhà đổ toang hoác, ánh trăng suông rọi vào chiếc màn cá nhân mãi không ngủ được dù rất đói và mệt.

Chẳng biết chợp mắt được bao lâu, tinh mơ đã nghe tiếng lục cục ở cầu thang, một ông già bản bước lên nhìn thấy người ngủ kêu toáng lên. Ai thế này, ai dám lên đây để ngủ, nó vừa ném bom lúc chiều, người chết ở ngay chỗ này đấy. Biết chúng tôi là nhà báo, ông già rơi nước mắt khi biết chúng tôi đói bụng suốt cả ngày hôm qua. Ông già bản mời chúng tôi một câu rất xúc động: "Nhà sơ tán cách đây xa lắm, có vào để làm cơm ăn được không. Hàng quán họ phải đi sơ tán cả, không có cái gì mà ăn đâu”.

Tháng 6, nhớ lại những chuyện làm báo ngày xưa và cả những năm tháng không xa đây lắm, chúng tôi vẫn không lý giải được vì sao những ngày ấy mình lại sống và làm việc được như thế. Say mê nghề làm báo ư? Trọng trách của người cầm bút ư? Có lẽ là tất cả. Nhưng chưa đủ mà còn vì một cái gì đó lớn hơn, đẹp hơn, không thể nói hết được bằng lời. Để mỗi năm, tháng 6 về ta còn có điều để nhớ, để nói về nhau.

 

Theo Báo Yên Bái

 

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải