song
Tính định hướng của tác phẩm báo chí chính luận
Ngày xuất bản: 14/02/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 14809

 Chính luận là loại tác phẩm báo chí hình thành khá lâu, nhưng tên gọi của nó cho đến nay vẫn chưa được thống nhất. Bởi những thuật ngữ khác nhau như: Ngôn luận, nghị luận, bình luận, chính luận, bàn luận, bút chiến. Sự khác nhau về tên gọi là một tất yếu khách quan. Vì sao? Bởi vì thời gian định danh để chỉ ra một thuật ngữ chuẩn mực cho một loại tác phẩm báo chí còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà phải bắt đầu từ các công trình nghiên cứu khoa học, giữ một vị trí quan trọng. Trong sự khác nhau về tên gọi còn có một nét chung đó là yếu tố, “Luận”. Tính chất luận bàn, tranh luận, trao đổi khác với các thể loại Phóng sự, Điều tra, Tường thuật, Ghi nhanh. Đặc trưng của thể loại chính luận là phản ánh hiện thực bằng phương thức luận bàn, lý giải, nhằm giải quyết những vấn đề bằng lý lẽ.

Một lớp tập huấn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Yên Bái tổ chức

Tiếp thu lịch sử văn hóa thế giới, trước khi có chính luận tồn tại như một tác phẩm báo chí trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, đã có một quá trình hình thành và phát triển phương thức thể hiện này. Đó là “Hịch Tướng sỹ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Hải ngoại Huyết thư” của Phan Bội Châu.

Do nhu cầu giao tiếp, sự phát triển về tâm lý của con người trong những biến đổi xã hội, văn xuôi phát triển là tiền đề cho báo chí Việt Nam hình thành. Mở đầu là “Gia định báo” để rồi sang đầu thế kỷ XX trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động (thực dân Pháp xâm lược nước ta) chính là cơ sở cho phương thức chính luận nói chung và chính luận báo chí nói riêng. Người đóng góp quan trọng cho bước phát triển mới của phong cách chính luận giai đoạn này là nhà thơ, nhà báo Ngô Đức Kế. Tác phẩm nổi tiếng của ông là: “Luận về chánh học cùng tà thuyết”. Thực sự là một mẫu mực, một cột mốc trong lịch sử chính luận Việt Nam.

Bước sang những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước, đấu tranh với thực dân Pháp xâm lược đòi độc lập, tự do của dân tộc ta như dòng thác lũ. Ngọn cờ cách mạng dần chuyển sang tay những chiến sỹ cộng sản. Báo chí cách mạng đã trở thành vũ khí sắc bén đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Tờ báo Tiếng Việt đầu tiên là tờ: “Thanh Niên” do nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc sáng lập và xuất bản năm 1925 mang quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Tờ báo thực sự là linh hồn, là ngọn lửa thiêng liêng soi sáng con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Văn bản chính luận cách mạng hiện đại đầu tiên của nước ta là tác phẩm: “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây là một văn bản có tính định hướng chiến lược cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.

Mười năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1940) thời kỳ Tiền khởi nghĩa, báo chí đã giữ một vị trí quan trọng trên mặt trận tư tưởng chống thù trong giặc ngoài. Hàng loạt các bài xã luận, bình luận được đăng tải trên các báo cách mạng. Nội dung đã phân tích lý giải giúp cho nhân dân hiểu biết một cách đúng đắn tình thế cách mạng, thời cơ giành độc lập. Thời kỳ này trên diễn đàn báo chí cách mạng xuất hiện tên tuổi một nhà cách mạng, một nhà báo chính luận xuất sắc. Đó là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Trường Chinh. Đúng vào thời điểm bọn phát xít Hít le đầu hàng quân đồng minh. Nắm bắt kịp thời sự kiện  này đồng chí Trường Chinh đã có bài “Phát xít Đức tắc thở” đăng trên báo “Cờ giải phóng” số ra ngày 16/6/1945. Phạm vi định hướng của bài báo thể hiện ở chỗ tác giả đã chỉ ra sự thất bại của bọn Đức quốc xã là một tất yếu. Đồng thời khẳng định thời cơ giải phóng đất nước của nhân dân ta. Tác giả đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng ta. Đó là động lực thúc đẩy phong trào cách mạng của dân tộc ta tiến tới giành thắng lợi, mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta. Một dân tộc sau 80 năm bị thực dân Pháp xâm lược đã đứng lên giành độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cùng với sự kiện này là sự ra đời bản “Tuyên ngôn độc lập” một văn kiện chính luận, hiện đại đến trình độ mẫu mực.

Bản “Tuyên ngôn độc lập” được viết ra với cách lập luận chặt chẽ, mẫu mực của văn phong chính luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa phương thức thể hiện chính luận lên đến đỉnh cao của nghệ thuật thuyết phục. Nội dung của bản “Tuyên ngôn độc lập” là một thông điệp đối với thế giới về quyền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam có quyền đem cả tinh thần, lực lượng, tình cảm, của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Từ sau cách mạng tháng Tám đến nay, chính luận nói chung và chính luận báo chí nói riêng đã trở thành vũ khí ngôn ngữ và đã phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của nó. Ngày nay chính luận phát triển mạnh mẽ, nó thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống, tinh thần của con người như: Triết học, Chính trị, Tư tưởng, Kinh tế, Văn hóa giáo dục. Chính luận đã trở thành công cụ sắc bén giúp con người nhận thức đúng đắn sự vật, hiện tượng, diễn biến muôn hình nghìn vẻ của đời sống xã hội hiện tại, thúc đẩy hoạt động thực tiễn của con người giúp cho công chúng có khả năng nhận thức những mối quan hệ phức tạp, tiếp cận bản chất của các vấn đề đó. Về phương diện này, tác phẩm chính luận báo chí đáp ứng mọi nhu cầu thông tin không thể thiếu được của xã hội hiện thời như: “Lời kêu gọi” toàn dân kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946).

Trước bước ngoặt chuyển giai đoạn, báo chí nước ta cũng đã và đang trên tiến trình đổi mới, song song với các thể loại báo chí khác thì chính luận chậm hơn. Bởi vì chính luận là sản phẩm của tư duy logic, tư duy hình tượng và khái quát cao. Nhưng cuộc sống hàng ngày, hàng giờ nảy sinh những vấn đề cần được lý giải, phân tích, thẩm định, xã hội cần báo chí không chỉ ở thông tin sự kiện mà còn ở thông tin lý lẽ. Tính thông tin lý lẽ tạo nên vị trí không thể thiếu được của chính luận báo chí. Ngày nay nhìn lại kho tàng báo chí cách mạng từ năm 1975 trở về trước, ta dễ dàng nhận thấy loại tác phẩm chính luận báo chí chiếm vị trí quan trọng với một số lượng đáng kể, có thể nói đấy là loại thể chủ lực của báo chí trước đây và cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Điều này có thể lý giải được bằng nhu cầu của cuộc cách mạng lúc bấy giờ cần giáo dục tập hợp quần chúng, cần liên tục lý giải phân tích các sự kiện để nhanh chóng có hành động thực tiễn trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù và chính trong điều kiện thực tiễn ấy, báo chí cách mạng đã sản sinh ra rất nhiều cây bút chính luận tầm cỡ. Nội dung thông tin trong tác phẩm chính luận báo chí là thông tin thời sự, sự kiện là quyền cơ bản của con người trong xã hội hiện đại, con người có quyền thông tin cho người khác và nhận thông tin từ người khác. Đối với chủ thể sáng tạo (nhà báo), anh ta có quyền dùng thông tin những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, nhưng phải bày tỏ được chính kiến, bộc lộ công khai quan điểm tư tưởng, chính trị của tác giả về những vấn đề mà tác giả đưa đến cho công chúng tiếp nhận thông tin phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo và cả một nền báo chí. Nội dung thông tin không chỉ nhằm thỏa mãn nhận thức hiện thực mà phải bày tỏ được quan điểm về một chiều hướng giải quyết hiện thực. Bởi vì một tác phẩm báo chí khi đến với công chúng là một đơn vị hoàn chỉnh, một đứa con tinh thần của nhà báo.

Mỗi tờ báo đều có một công chúng. Mỗi đối tượng công chúng tiếp nhận là một vấn đề lớn cần được quan tâm, có như vậy hoạt động báo chí mới có hiệu quả. Đối với công chúng tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin trong tác phẩm chính luận báo chí nó có phạm vi ảnh hưởng rất rộng và phức tạp trong và ngoài nước. Do đó, người viết phải thể hiện được lập trường quan điểm, bằng luận điểm, luận cứ, luận chứng chặt chẽ giúp người đọc nhận ra được lý lẽ, cảm nhận được chân lý để rồi tự họ hành động một cách hơp lý trong đời sống. Định hướng của chính luận báo chí trong mỗi tác phẩm phải có chất lượng cao, hấp dẫn bạn đọc, hướng dẫn người đọc đến những giá trị tiến bộ đích thực./.

Trọng Bài

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải