song
Trải nghiệm của nhà báo là độc bản, không thể sao chép, "AI không thể ngụy tạo"
Ngày xuất bản: 18/03/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6489

 Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà báo trải nghiệm kể ra được câu chuyện tốt nhất của mình thì luôn có giá trị với thế giới vì đó là thứ độc bản, không sao chép, không có trí tuệ nhân tạo (AI) ngụy tạo. Đây có thể là hướng mới trong tác nghiệp báo chí.

Sáng 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Hội Nhà báo Việt Nam kết hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và Quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn.

Chủ trì Hội thảo có: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt  Nam; Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); TS. Nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

 

AI viết được bài báo còn hay hơn Nhà báo, có cấp thẻ Nhà báo cho AI?

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, về câu chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) có 2 lựa chọn trước một sự kiện: Một là tương tác, "bắt trend" với AI và chúng ta đã làm rất tốt. "Thế giới vừa rồi cũng nói rất nhiều về AI và tại đây, chúng ta cũng đang bàn về trí tuệ nhân tạo"- ông Lâm nói. 

Thứ hai, ông Lâm cho rằng, vì công nghệ, trí tuệ nhân tạo luôn luôn thay đổi nên vừa nói ra có thể đã lạc hậu. Cho nên chúng ta có thể tiếp tục chiêm nghiệm và sự chiêm nghiệm này luôn bổ ích trong quá trình suy nghĩ, ngẫm nghĩ về vấn đề đó.

 

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu rõ, những việc trí tuệ nhân tạo làm được cho thấy rằng các toà soạn đang phí sức và phí lực lượng trong tác nghiệp hằng ngày để tạo ra những thứ giống nhau.

Ông Lâm lấy ví dụ: "Đếm trong phòng này có 20 camera cùng quay về hội thảo, về tôi đang phát biểu thì không khác nhau về con người mà có chăng chỉ khác nhau về góc máy. Xong chúng ta về đưa tin. Chúng ta tốn 1 bạn quay phim, 1 E-kip, 1 bạn edit, 1 bạn làm ở nhà, còn 1 đội đẩy tin bài lên nữa. Chúng ta đang làm 2 việc giống nhau nhưng giá trị gia tăng của bạn này và bạn khác thì khó đo đếm được. Tức là hệ thống để tạo nên giá trị thực sự cho một sản phẩm chỉ phụ thuộc một phần vào người có mặt ở hiện trường, còn quy trình công nghệ làm ra cái đó, tạo ra giá trị lại tuân theo những luật chơi khác".

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, năm nay, Bộ TT&TT sẽ làm và trình kế hoạch sửa đổi Luật Báo chí. "Trong đó, đồng chí Bộ trưởng đề nghị chúng tôi phải suy nghĩ về những vấn đề rất lớn, phải trả lời được câu hỏi trước khi làm bất cứ kế hoạch gì là không gian của lĩnh vực này sẽ mở rộng đến mức nào? Bây giờ chúng ta biết thế nào là nhà báo rồi, nhưng ngày mai chúng ta định nghĩa con AI viết được bài báo còn hay hơn nhà báo là con gì? Mình có cấp thẻ cho nó không?", ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ và đặt thêm vấn đề: Thuật toán có phải báo chí hay không? 

Đi sâu vào phân tích, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, con người đừng nghĩ sẽ quyết định mà chúng ta đang chịu ảnh hưởng của thuật toán. Thực tế thuật toán đã nắm được hành vi của con người. "Nó nguy hiểm ở chỗ, một thời gian dài chúng ta sống với mạng xã hội, chúng ta có định kiến về một việc trước khi hiểu rõ bản chất của việc đấy. Và quá trình tác nghiệp của chúng ta trở thành hành trình chứng minh định kiến ấy là đúng chứ không phải quá trình đi tìm sự thật", ông Lâm nhấn mạnh và cho biết, sự nguy hiểm của công nghệ ở chỗ nó cung cấp cho con người mọi thứ theo cách: nhanh, nhiều, tốt, rẻ.

Và cuối cùng, ông Lâm cho biết, con người đang rơi vào cuộc chơi của những nhà quảng cáo bán hàng. "Họ muốn mình nghĩ như thế, muốn mình thuộc về một cộng đồng, một phân khúc khách hàng, một phân khúc độc giả, khán giả cùng sở thích để sau đó tạo ra những sản phẩm dịch vụ vào phân khúc ấy", ông Lâm nói.

 

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Hội thảo.

Báo chí có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên sự chú ý của người xem

Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ, qua quá trình làm công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (trong đó có các mạng xã hội) về vấn đề nội dung xấu độc, hoặc những vấn đề khác liên quan đến mô hình kinh doanh của họ, ông nhận thấy: Hiện nay, báo chí nước ta có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên sự chú ý của người xem - hay gọi là nền kinh tế dựa trên sự chú ý của người xem.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, điều mà các nền tảng mạng xã hội không nói với mình là ở chỗ: "Mình đưa ra những chính sách mà họ phải tuân theo nhưng không có lợi cho họ hoặc là họ không thích thì họ hay nói là: Chính sách này đi ngược với xu thế, cam kết của Việt Nam hay thế giới; truyền đi thông điệp theo hướng không tích cực cho môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam… rồi đi ngược xu thế của nền kinh tế số.

Họ truyền bá cho mình, đưa vào đầu mình những thông điệp như chúng tôi rất tin tưởng kinh tế số Việt Nam những năm tới phát triển rất tốt, quy mô nền kinh tế khoảng 100 tỷ USD, nhưng họ không nói và mình cũng quên hỏi một điều rất quan trọng là 100 tỷ USD vào túi ai?". Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh: "Chưa chắc Việt Nam được hưởng lợi trong chuỗi giá trị ấy hoặc được hưởng lợi nhưng thấp nhất, chỉ là người tiêu dùng hay như một thị trường mà thôi". 

"Công nghệ có thể 4.0, 5.0, nhưng có một thứ luôn luôn 1.0 đó là lợi ích, lợi ích thuộc về ai? Nếu không tỉnh táo, mình sẽ không được hưởng lợi trong câu chuyện này", ông Lâm nói. 

 

Đông đảo đại diện các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên tham dự Hội thảo.

Không vào hùa với công nghệ để làm mất đi bản thể của mình

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, trong nghề báo, AI cho các toà soạn cơ hội là hãy dần dần gạt bỏ bớt những công đoạn, lao động, kĩ năng cơ bản mà máy có thể làm tốt hơn con người, đừng làm những công việc thừa.

"Trước những vấn đề thay đổi của thế giới, chúng ta nghĩ phải học thêm, đào tạo, bỏ thêm tiền, tuyển thêm người… cái đấy cũng là cách tiếp cận đúng nhưng không đúng với tất cả mọi người, chúng ta không có nguồn lực để làm việc ấy", ông Lâm nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, con người thấy sự choáng ngợp vô tận của thế giới, mà quên mất rằng thế giới bên trong của mình cũng vô tận, sâu vô cùng, điều mà đến giờ máy móc chưa can thiệp được vào nhiều.

"Trải nghiệm của chính chúng ta và chúng ta biến trải nghiệm của mình thành cái gì đó, lấy ra được điều tốt nhất của nó, kể ra được câu chuyện tốt nhất của mình, hoặc để những người khác trong quá trình đi tác nghiệp kể được câu chuyện ở bên trong ra, cái đó luôn có giá trị với thế giới. Bởi vì cái đó là đơn nhất, là thứ độc bản, không sao chép, không có AI để ngụy tạo. Cái đấy có thể là hướng mới trong tác nghiệp báo chí", ông Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Lâm, câu chuyện này thoát ly ra khỏi phạm vi công nghệ, chỉ dùng công nghệ ở chỗ có lợi, không vào hùa những thứ cho là công nghệ nhưng làm mất đi bản thể của mình. Báo chí hãy chỉ coi công nghệ là công cụ.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT,  "Mô hình kinh doanh dựa trên sự chú ý xã hội" đang khiến nhân loại mệt mỏi và con người đang đi tìm những mô hình kinh doanh khác, sản phẩm kinh doanh khác, những thị trường ngách khác, mà không nhất thiết để cả xã hội tung hô nhưng vẫn có chỗ đứng với một loại khán giả nào đấy.

"Mình nói về công nghệ nhưng mình không làm ra công nghệ, mình chỉ ứng dụng thôi, hiện nay mới chỉ ở mức ứng dụng nên hãy làm tốt nhất với nó, hãy gạt bỏ những thứ thừa thãi, không cần thiết. Thời buổi này, công nghệ tốt nhất là cho mình có sự lựa chọn, đòi hỏi khả năng của mỗi người, đặc biệt là người ra quyết định, người đang tác nghiệp phải biết mình cần gì, phải có một phông nền kiến thức, hệ giá trị bản thân tương đối vững vàng để từ đó đưa ra quyết định tốt nhất cho mình", ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Theo Nhà báo và Công luận

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải