song
Trăm năm sau nhớ mãi Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một nhà báo cách mạng đa tài
Ngày xuất bản: 22/12/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 10887

  - Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), toàn Đảng, toàn quân và nhân dân mọi miền đất nước đều đang ngước vọng về hình ảnh vị Đại tướng kính yêu, tài đức vẹn tròn.

Gắn với Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021), 32 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22/12/1989-22/12/2021), Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra tại Quảng Bình vào ngày 22/12/2021, để Nhân dân cả nước ôn lại câu chuyện về một huyền thoại quân sự, vị đại tướng trong lòng dân, cũng biết đến hình ảnh một nhà báo cách mạng đặt bút vì nước, vì dân.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên các chiến sỹ trước giờ ra trận. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc khi trong lòng nhân dân là một nhà chiến lược, thiên tài chỉ huy quân sự lỗi lạc, tài đức vẹn toàn, gần gũi với Nhân dân. Trong mắt bạn bè quốc tế, vị Đại tướng được kính trọng, nể phục. Nhưng cũng ít ai biết đến vị Đại tướng kính yêu với vai trò là một nhà báo cách mạng sôi nổi trước Cách mạng Tháng Tám.

Nhà báo làm cách mạng, đặt bút viết vì dân

Bắt đầu sự nghiệp cầm bút tại Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư do đồng chí Đào Duy Anh sáng lập, rồi tham gia viết báo Tiếng Dân của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại Huế, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xây dựng lập trường của mình trên các tác phẩm chính luận về xã hội, khoa học,…

Năm 1936, Đại tướng bước vào công việc làm báo cách mạng trong phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương Đại hội sôi nổi những năm 1936-1939. Thời gian này, ông chủ yếu làm thầy giáo tại trường Thằng Long, vừa dạy Lịch sử, Địa lý, cũng đồng thời theo học trường Luật. Thời gian còn lại Đại tướng dành cho hoạt động báo chí. Lựa thời cơ thuận lợi, Đại tướng bàn bạc với đồng chí Đặng Thai Mai và các giáo sư trường Thăng Long, cùng nhau góp tiền để xây dựng tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh với nội dung hoàn toàn mới. Ngày 6/6/1936, Tờ Hồn trẻ tập mới ra đời, được bạn trẻ hoan nghênh đón nhận. Học sinh Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ tòa soạn.

Tuy nhiên, in đến số thứ 5 thì báo bị đình bản, phải đóng cửa do lệnh cấm của Pháp. Nhưng tờ báo cũng đã hoàn thành phần nào sứ mệnh của mình khi lên tiếng và hiệu triệu những trái tim cách mạng cùng phong trào hoạt động báo chí công khai của Mặt trận dân chủ Đông Dương.

Tiếp tục con đường làm báo, 3 tháng sau, Đại tướng cùng bạn bè phát hành tờ báo bằng tiếng Pháp, nhằm tinh gọn thủ tục, với tên gọi Le Travaill (La động), ra số đầu tiên. Lúc bấy giờ, ông là biên tập viên chính, phụ trách các đề tài như cổ vũ Đông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân…

Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn rút kinh nghiệm từ những bài học về làm báo từ Người. Năm 1941, khi Bác Hồ về nước chuẩn bị thành lập Mặt trận Việt Minh và ra mắt tờ báo Việt Nam Độc Lập do chính Người làm Tổng Biên tập, Tướng Giáp lúc bấy giờ đã được giao viết một bài về vấn đề phụ nữ. Khi ấy, Bác đã trả lại bài viết và căn dặn: “Bác trả lại cho chú. […] Khi viết cần nhớ: Viết cho ai đọc, viết sao cho người đọc hiểu, hiểu rồi để làm”.

Vị Tướng lĩnh “thao lược” câu từ

Bàn về nghề, Đại tướng từng cho biết: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. […] Tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì”.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời

Cũng từ quan niệm đúc rút đó, những bài viết của Đại tướng luôn được trau chuốt để mang đến hiệu quả truyền thông, tác động tới đông đảo nhân dân. “Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định”, Đại tướng chia sẻ trong bài báo “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám”.

Trong thời gian sau này khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nắm giữ nhiều vị trí và quản lý nhiều công việc, trong đó có tham mưu, xây dựng chính quyền cách mạng, đồng thời quản lý lĩnh vực xuất bản báo chí. Dù bận rộn, Đại tướng vẫn nhiệt tình tham gia chắp bút, chỉ đạo biên tập các số xuất bản với nhiều bút danh như Trí Dũng, Vân Đình,… Đại tướng có nhiều tác phẩm báo chí bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, nhiều tác phẩm đã xuất bản ở trong và ngoài nước như Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân (1959); Từ nhân dân mà ra (1964); Điện Biên Phủ (1964),…

Là một người làm báo đa tài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường viết chính luận, phân tích, bình luận tình hình thời sự - chính trị quốc tế, kinh tế chính trị học. Từ những ngày đầu làm nhà báo cách mạng cho đến khi là Tổng tư lệnh của một đội quân, Đại tướng đã kinh qua toàn bộ vị trí của một tòa soạn.

“Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”, lời nhắn gửi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là lời động viên ý nghĩa, khích lệ thế hệ phóng viên, nhà báo đặt bút vì sự nghiệp phát triển của đất nước.

Ngày 22/12/2021, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra tại Quảng Bình. Đây cũng là dịp để Nhân dân nhìn lại cuộc đời, hoạt động cách mạng; công lao  cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và những đóng góp của Đại tướng đối với phong trào cách mạng thế giới; tuyên truyền về tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người chiến sỹ cách mạng trung kiên, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đang hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân tộc; về truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Theo Tạp chí Điện tử Người làm báo Việt Nam

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải