- Những ngày gần đây, cái tên “Tà Chì Nhù” trở nên “hot” rần rần trên các trang mạng xã hội và trang báo chí Trung ương và địa phương. Bởi Tà Chì Nhù (huyện Trạm Tấu) - ngọn núi cao thứ 7 trong tốp 10 ngọn núi cao nhất của Việt Nam được gần 100 nhà báo công tác tại các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước chinh phục trong mùa giải lần đầu tiên được tổ chức - Giải leo núi “Bước chân trên mây” - chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù.
Các vận động viên trên đường chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù.
Vượt lên chính mình
Giải leo núi "Bước chân trên mây” đầu tiên đã qua được gần một tuần, song "sức nóng" của Giải thì chưa hề giảm khi các bài viết, bài thơ về cung đường lên đỉnh Tà Chì Nhù ngay sau đó liên tục "chảy tràn" trên các trang báo cập nhật, đăng tải với cảm xúc mãnh liệt nhất của những bước chân "trên mây" khám phá điều mới mẻ, đầy thử thách, vượt qua giới hạn bản thân để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù - miền cổ tích giữa trời mây.
Tọa lạc ở vị trí thuận lợi ngay tại bản Xà Hồ, Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tà Chì Nhù - đỉnh núi cao 2.979m, được mệnh danh "nóc nhà Yên Bái" nổi tiếng với biển mây bát ngát lưng chừng trời. Nơi đây cũng là "vương quốc của nắng - gió" và đặc biệt nổi tiếng với loài hoa Chi Pâu tím ngắt các triền núi - điểm đặc biệt của ngọn núi mỗi độ thu về cuốn hút du khách, nhất là những người yêu thích trải nghiệm du lịch khám phá, mạo hiểm.
Tà Chì Nhù được đánh giá là cung đường trekking khó với địa hình nhiều núi đá và những con dốc liên tục.
Đường lên "thiên đường mây” Tà Chì Nhù được đánh giá là cung đường trekking khó với địa hình nhiều núi đá và những con dốc liên tục, hùng vĩ, hiểm trở. Do đó, các vận động viên tham gia Giải ai cũng chuẩn bị thật kỹ về tinh thần, tâm lý, sức khỏe và các vật dụng cần thiết để sẵn sàng cho hành trình.
Dù đã chuẩn bị tinh thần khá tốt song gặp cung đường bắt đầu bằng dốc cao, thẳng đứng là thử thách đầu tiên với các nhà leo núi không chuyên. Song sự háo hức về những gì sắp được trải nghiệm đã không làm chùn chân các nhà báo.
Trên những con đường mòn dốc, từng tốp khi đi trong rừng già nguyên sinh, lúc lại qua suối đi xuyên rừng già tán thấp. Càng đi, những con dốc cứ nối tiếp nhau tạo thử thách thực sự cho những nhà leo núi. Những con dốc đất này nếu gặp trời mưa sẽ cực kỳ trơn trượt, vô cùng khó đi.
Rất may, trước đó vài ngày, trời có mưa rất to nhưng khi chúng tôi đến thì ơn trời, đã tạnh ráo, mát mẻ để các nhà báo trước khi chinh phục được đỉnh Tà Chì Nhù cũng kịp thu vào ống kính rất nhiều khuôn hình đẹp "còn hơn cả kỹ xảo", như cảm nhận của một đồng nghiệp báo bạn cùng đi. Trên cung đường trekking, vì thế, nhìn đâu cũng là cảnh đẹp. Chỉ một cái cây cô đơn, một mỏm đá, rừng trúc, biển mây hay cạnh biển chỉ dẫn…, tạo dáng và biết canh góc một chút thôi là mỗi người đã có vô vàn bức ảnh "thần thái".
"Team" Yên Bái tham gia Giải leo núi "Bước chân trên mây".
Lần đầu tiên một giải leo núi Tà Chì Nhù được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp có sự đồng hành, phối hợp của Báo Pháp luật Việt Nam, UBND huyện Trạm Tấu, Công ty Thương mại và Du lịch Hưng Việt đã mang đến cho gần 100 nhà báo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương những trải nghiệm khó quên.
Ở 5 điểm nghỉ, có sự hỗ trợ về y tế, nước uống, ăn trưa cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các porter bản địa san sẻ gánh nặng hành lý và dẫn đường khiến những vận động viên đều thấy rất thoải mái, có đủ sức vượt qua các cung đường khó.
Chị Phạm Đỗ Thùy Dương - Báo Diễn đàn doanh nghiệp phấn khởi: "Đây là lần đầu tiên mình tham gia leo núi nên cảm thấy vô cùng háo hức. Trải qua các cung đường khó khăn lúc đầu mình cũng khá hoài nghi, không biết có leo nổi tới đỉnh để chạm vào mây như dự định ban đầu không. Song khi qua được 1/3 chặng đầu, đôi chân quen dần với địa hình khiến mình càng cảm thấy muốn đi. Bởi, cung bậc cảm xúc của mình liên tục thay đổi trước những cảnh sắc đa dạng của thiên nhiên với vẻ đẹp đầy mê hoặc. Không gian núi rừng, không khí tuyệt vời, những tầng mây trắng bồng bềnh ôm lấy núi khiến mình có cảm giác được đắm chìm trong một thế giới khác yên bình… Đó chính là động lực để mình quyết tâm chinh phục, vượt qua giới hạn bản thân chạm vào cột mốc Tà Chì Nhù”.
Chủ yếu để thử thách vượt qua các giới hạn của bản thân nên các vận động viên cũng giãn tốp, lần lượt lên tới đỉnh Tà Chì Nhù ở các khung giờ khác nhau. Người chạm tay sớm nhất vào cột mốc 2.979 m với thời gian 2 giờ 9 phút - kỷ lục lên đỉnh Tà Chì Nhù từ trước đến nay, có người thì ở thời gian 8 tiếng, thậm chí 12 tiếng. Nhưng thời gian hay thành tích đâu có quan trọng bởi ai cũng vỡ òa hạnh phúc khi đã chiến thắng chính mình. Và điều quan trọng hơn cả là những nhà báo được giao lưu, hòa mình cùng thiên nhiên, chạm tay vào miền cổ tích hoa Chi Pâu và đắm say những cung bậc của trời mây bồng bềnh phiêu lãng, để rồi có cảm giác được bay lên giữa chốn bồng lai tiên cảnh.
Cảm nhận điều tuyệt vời đến từ thiên nhiên.
"Mỗi lần đến như một lần hẹn hò"
Đã là lần thứ 4 chạm tay tới đỉnh Tà Chì Nhù nhưng với nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền đến từ Báo Yên Bái thì mỗi lần đi là một lần trải nghiệm mới. Máy ảnh, flycam, Thanh Miền như muốn ôm trọn những khung cảnh đẹp nhất của núi rừng, sắc hoa Chi Pâu, âm thanh của đất trời hay lời thì thầm của biển mây vào ống kính để rồi tự hào, hãnh diện quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với một Tà Chì Nhù đẹp mê hoặc.
Anh Thanh Miền chia sẻ: "Tôi coi mỗi lần đến với vùng đất này giống như một lần hẹn hò, còn yêu thì còn đến. Trong cả 4 lần lên với Tà Chì Nhù đều cho tôi những cảm xúc không giống nhau bởi nơi này lạ lắm, vừa mưa đấy rồi nắng lên ngay, đang sương giăng bỗng biển mây hiện ra khiến tôi luôn vội vã để chớp lấy các cung bậc huyền ảo ấy. Càng đi, tôi càng thấy quê hương, đất nước mình thật đẹp. Đi để mở lòng, chia sẻ nhiều hơn về thiên nhiên, vùng đất mình tới và những người dân ở nơi mình qua, để rồi, những hình ảnh về một vương quốc của nắng, của gió, của mây và hoa Chi Pâu phủ tím các đỉnh núi mỗi độ thu về sẽ theo tôi xuống núi và lan tỏa đến bạn bè, du khách”.
Trên đỉnh Tà Chì Nhù, cảnh tượng hùng vĩ ngoài sức tưởng tượng, cứ như một thước phim phong cảnh quay chậm lần lượt trải ra trước mắt. Mưa! Gió! Rồi chỉ một lúc là nắng lên, biển mây bồng bềnh phủ một màu trắng lên những ngọn núi xanh. Các nhà leo núi ngẩn ngơ trước bức tranh thiên nhiên đẹp như tiên cảnh, rồi không ai kìm nén được cảm xúc bên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, chạm bàn tay vào cột mốc Tà Chì Nhù. "Giây phút đặt chân đến đỉnh, mình có cảm giác của người chiến thắng" - chị Hoàng Lan Hương đến từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái nhớ lại giây phút khó quên.
Các nhà báo tự hào khi chạm tay vào cột mốc Tà Chì Nhù 2.979 m.
Rồi ở phía xa kia, cả triền núi hoa Chi Pâu hiện ra trước mắt, bạt ngàn tím, trắng. Bao nhiêu mệt nhọc bỗng dưng tan biến trước sự mềm mại, duyên dáng mà rất nên thơ, mang bản sắc rất riêng của Tà Chì Nhù. Những người bạn trong đoàn nhanh chóng check-in với nhiều góc, để ghi dấu mình đã đặt chân tới đỉnh núi của thiên đường mây, lãng đãng cùng miền cổ tích Chi Pâu và chạm tay vào giấc mơ có thật. Có một đồng nghiệp nữ đã thốt lên với tôi: "Thật mê hoặc! Đúng là không đi đến tận nơi thì không thể cảm nhận được thiên nhiên lại tuyệt vời đến thế”.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy - Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì trải lòng: "Mình cũng đã từng leo nhiều ngọn núi, mỗi cung đường đều có những ấn tượng và cảm xúc riêng. Với Tà Chì Nhù - "chàng trai" thứ bảy trong gia đình hùng cường "mười anh em" thì đặc biệt hơn bởi bên cạnh sự hùng vĩ, hiểm trở thì Tà Chì Nhù còn đằm thắm, dịu dàng bởi một lưng trời tím Chi Pâu khiến người một lần được chạm tay vào sẽ chênh chao, mãi vấn vương, thương nhớ để rồi lại chực trào ham muốn quay lại đây thêm lần nữa, lần nữa”.
View "triệu đô” và săn hình "triệu like”
Sau khi đã thỏa sức ngắm thiên đường mây và hoa Chi Pâu, các vận động viên lại trở về lán nghỉ ở độ cao 2.400 m. Đây là địa điểm lý tưởng để mọi người nghỉ qua đêm và ngắm bình minh buổi sớm. Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, đêm trên đỉnh Tà Chì Nhù đã để lại những ấn tượng tuyệt vời với lửa trại và các điệu khèn của các chàng trai người Mông. Không gian, thời gian như ngưng lại nhường chỗ cho khúc nhạc thiên nhiên êm đềm cũng như sự ấm áp của tình người - những người chưa từng gặp nhưng cùng đến đây tay trong tay kết đoàn trong vòng xòe, để rồi lạ thành quen…
Buổi sáng sớm, khung cảnh nơi này thật đẹp với sương mây, đồi núi trập trùng ngút tầm mắt. Đã mường tượng cảnh đón bình minh trên núi vô cùng tuyệt vời, một bạn trẻ đồng nghiệp đã chuẩn bị sẵn một cốc mỳ tôm và ca uống cà phê thật đẹp để check in với view "triệu đô” và săn hình "triệu like”. "Một cảm giác cực chill mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm, chị ạ!” - một bạn trẻ hào hứng.
Cứ như vậy, hành trình leo núi của chúng tôi kết thúc trong những cảm xúc không giống nhau. Những câu chuyện về mây, gió, về núi rừng, về hoa Chi Pâu được nhắc suốt chặng đường xuống núi. Dù có mệt, có mỏi nhưng tất cả những nhà leo núi đều cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện bởi đang mang trong mình một sức khỏe bền bỉ, một ý chí kiên cường để thử thách bản thân, cùng nhau chạm đến giấc mơ nơi thiên đường hạ giới mà không một phương tiện nào có thể thay thế được ngoài bằng đôi chân của chính mình.
Giấc mơ về một loài hoa mang tên Chi Pâu mà ai cũng muốn một lần được khám phá.
Sẽ còn "Đạp mây, rẽ gió trên miền núi cao"
Có đồng nghiệp đã ứng khẩu thành thơ: "…Lần đầu lên đỉnh thành tiên/ Đạp mây, rẽ gió trên miền núi cao/ "Bước chân trên mây" tuyệt sao/ Tà Chì Nhù ấy xiết bao chân tình/ Trạm Tấu nho nhỏ xinh xinh/ Ẩn mình ấm đượm nặng tình Chi Pâu/ Đúng là lên đỉnh lần đầu/ Cùng trăm "báo thủ" quá ngầu, Giàng ơi/ Dù cho thân xác rã rời/ Mà tim ấm nóng trên trời bay bay/ Cảm ơn "Bước chân trên mây”/ Cảm ơn tất cả đời này không quên/ Để cho ta thấy yêu thêm/ Những giây phút ngọt êm đềm đã qua”.
Và với tôi, hạnh phúc không phải đích đến mà là cả một hành trình. Tôi sẽ nhớ mãi hành trình này với những người đang lạ thành quen, những porter hiền lành, cần mẫn, nhớ sương núi, biển mây, hoa Chi Pâu… và hứa với lòng mình, có dịp sẽ quay trở lại để khám phá thêm nhiều điều tuyệt vời nữa.
Giải leo núi "Bước chân trên mây" - Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù lần đầu tiên được tổ chức tạo ra cơ hội để những người làm nghề báo có thể kết nối với thiên nhiên và giao lưu, chia sẻ với nhau qua niềm đam mê chung. Cuộc chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù không chỉ là một cuộc phiêu lưu cá nhân, mà còn là một hành trình đại diện cho tinh thần của nghề báo và sự dũng cảm của con người trong việc khám phá thế giới tự nhiên xung quanh ta. |
CÁC TIN KHÁC