song
Trường học Yên Bái tăng hiệu quả từ hoạt động trải nghiệm
Ngày xuất bản: 11/03/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 3814

  - Hoạt động trải nghiệm là một trong những hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hoạt động này được thiết kế nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các hoạt động này không chỉ mang lại hiệu quả trong việc nắm vững kiến thức mà còn khuyến khích sự sáng tạo, phát triển kỹ năng sống và tạo ra một môi trường học tập tích cực.

 

Các nghệ nhân trình diễn Nghệ thuật Khèn Mông trong chương trình tổ chức nội dung giáo dục địa phương của Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái.

Trường Mầm non Hồng Ca, huyện Trấn Yên có đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày và Mông. Năm học 2023 - 2024, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhà trường rất chú trọng và đã có kế hoạch triển khai khôi phục lại các điệu xòe then của dân tộc Tày, điệu múa khăn, múa ô, múa khèn của dân tộc Mông vào các hoạt động trong ngày của trẻ. 

Theo đó, nhà trường đã tổ chức các trò chơi dân gian đặc trưng của dân tộc Tày, dân tộc Mông ở không gian sân trường. Đồng thời, cải tạo sân chơi, tạo điều kiện về cơ sở vật chất giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động cho trẻ; tổ chức nhiều hoạt động để trẻ được trải nghiệm qua các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, góp phần phát triển thể chất, thẩm mỹ và giáo dục trẻ biết bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như cảm nhận, lưu giữ sâu sắc về các nét đẹp đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đến nay, với sự đồng thuận cao từ phụ huynh, 100% học sinh đã có trang phục theo dân tộc của mình; 100% giáo viên là người dân tộc Tày, Dao, Thái, Kinh có trang phục truyền thống.

Việc mặc trang phục dân tộc được quy định vào thứ 4 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Các giáo viên trong trường đều khẳng định, đây là một cách giáo dục hiệu quả cho học sinh về nét đẹp văn hóa, biết bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Chị Lý Kim Thanh - phụ huynh học sinh cho biết: "Nhờ các hoạt động trải nghiệm trong trường, con tôi hiểu thêm nhiều giá trị văn hoá truyền thống, từ đó bồi đắp tình yêu với văn hoá truyền thống của dân tộc”.

Trước Tết Nguyên đán 2024, Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái tổ chức hoạt động, nội dung giáo dục địa phương "Sắc màu quê hương” dưới hình thức hoạt động trải nghiệm chung. Thông qua hoạt động, các em học sinh được trang bị cho mình những kiến thức phong phú về ý nghĩa của các lễ hội trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Yên Bái.

Thú vị nhất là phần thực hành vận dụng của học sinh, khi các em được trải nghiệm làm các sản phẩm STEM để giới thiệu về phong tục tập quán, ẩm thực của các dân tộc trên quê hương và trực tiếp thực hiện làm các món ăn đặc sản của các dân tộc tại các gian hàng. Trong chuỗi hoạt động trải nghiệm, nhà trường cũng đã phát động chương trình "Tết vì bạn nghèo”, khơi gợi được tinh thần tương thân, tương ái trong học sinh toàn trường. Chương trình văn nghệ không chỉ có các em học sinh biểu diễn mà nhà trường còn mời các nghệ nhân người Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn trình diễn nghệ thuật khèn Mông.

Em Vương Khánh - học sinh lớp 8 chia sẻ: "Hoạt động rất ý nghĩa. Những tri thức cụ thể, sống động không chỉ mở mang hiểu biết cho chúng em về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, giáo dục ý thức bảo vệ, trân quý, tự hào về văn hóa địa phương; ý thức lan tỏa, quảng bá những giá trị đẹp đẽ của quê hương đến bạn bè gần xa, có ý thức vun đắp và xây dựng quê hương mình ngày một giàu đẹp hơn”.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang dần hoàn thiện ở các cấp học. Theo đó, giáo dục đã thay đổi từ học sinh thụ động sang chủ động tiếp nhận kiến thức. Do đó, thay vì chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức qua giảng dạy truyền thống, giáo viên ở Yên Bái đã tạo ra môi trường học tập sáng tạo và thú vị.

Trong một hoạt động ngoại khóa, học sinh được đưa ra một nhiệm vụ thực tế như tổ chức một sự kiện, xây dựng mô hình kinh doanh hoặc thực hiện một dự án nghiên cứu. Qua đó, học sinh được khuyến khích tư duy sáng tạo, học cách làm việc nhóm và trải nghiệm quá trình học tập một cách thực tế. Phụ huynh cũng đã cảm nhận được sự thay đổi tích cực từ các hoạt động trải nghiệm trong trường học.

Ông Bùi Thanh Tùng - phụ huynh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi thấy con trở nên tự tin và có khả năng giải quyết vấn đề một cách chủ động hơn sau khi tham gia vào các hoạt động trải nghiệm trong trường học. Con tôi giờ đây không chỉ biết cách học mà còn biết cách áp dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày”.

Hiệu quả từ các hoạt động trải nghiệm trong trường học ở Yên Bái không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn khuyến khích sự sáng tạo, phát triển kỹ năng sống và tạo ra một môi trường học tập tích cực. Trải nghiệm không chỉ đến từ việc ngồi trong lớp học và nghe giảng. Các hoạt động trải nghiệm trong trường học ở Yên Bái đã chứng minh rằng, việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và kỹ năng là một cách hiệu quả để giáo dục học sinh.

Nhờ vào những hoạt động này, học sinh không chỉ học được kiến thức mà còn trở nên tự tin, sáng tạo và có khả năng giải quyết vấn đề. Đây là những yếu tố quan trọng để xây dựng một thế hệ trẻ tài năng và sẵn sàng đối mặt với thử thách của tương lai.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải