song
Văn nghệ sĩ với trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày xuất bản: 07/06/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 1238

 Chính bằng các tác phẩm xuất sắc, đậm đà bản sắc dân tộc đó, văn nghệ sĩ đã góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời gián tiếp tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

 

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái phát động Cuộc thi Sáng tác ảnh nghệ thuật năm 2024 chủ đề Ảnh đẹp du lịch Yên Bái

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự kỳ vọng và mong muốn của Nhân dân ta về một cuộc sống hòa bình, độc lập,  tự do, ấm no, hạnh phúc. Xuất phát từ bản chất chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng đang thực hiện mưu đồ và thủ đoạn thâm độc là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của Nhà nước cũng như tính ưu việt của chế độ. Nhiều phương thức, thủ đoạn được sử dụng trong đó tập trung vào một số phương thức hoạt động cơ bản như: Thông qua internet, mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Và trong các lĩnh vực chống phá, chúng xác định văn học - nghệ thuật là mũi tiến công hiệu quả bởi văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.  Nghĩa là chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để bôi xấu và tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê nin. Rồi chúng cũng triệt để lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót trong thực hiện quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và các vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự lãnh đạo của Ðảng; là nhân tố bảo đảm thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Muốn vậy phải xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên phải là hạt nhân đoàn kết, là niềm tin, gương sáng để quần chúng noi theo. Và việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là trách nhiệm của đảng viên mà còn là của toàn dân trong đó có văn nghệ sĩ. Là một hình thái xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, cũng như bất kỳ một hình thái ý thức nào khác, Văn học nghệ thuật có tác dụng tích cực trở lại đời sống xã hội. Với các chức năng nhận thức, thẩm mĩ và giáo dục, văn học nghệ thuật trở thành công cụ để giáo dục con người hướng tới những tư tưởng, tình cảm lành mạnh, cao quý; là phương tiện đấu tranh cách mạng đắc lực, vừa phản ánh đời sống hiện thực xã hội, vừa truyền bá cách mạng. Nói về tác dụng của văn học nghệ thuật và vai trò của văn nghệ sĩ, trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951) ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” . Nhìn vào quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước trong hòa bình, các văn nghệ sĩ thực sự đã có sự dấn thân. Những Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân…; những Tô Ngọc Vân, Lưu Công nhân, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân… cùng bao tên tuổi khác đã góp phần làm nên “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”, khắc họa “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”. Văn học nghệ thuật cũng là “Tiếng hát át tiếng bom” trong chống Mỹ cứu nước, “Bài ca xây dựng” khi đất nước hòa bình và mãi là khúc tráng ca “ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta”. Bên cạnh phát hiện và đề cao những nhân tố mới, những điền hình tiên tiến thì việc đấu tranh, phê phán cái xấu, cái tiêu cực cũng được quan tâm. Chính bằng các tác phẩm xuất sắc, đậm đà bản sắc dân tộc đó, văn nghệ sĩ đã góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời gián tiếp tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Cũng trong lộ trình diễn biến hòa bình, các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách lôi kéo các phần tử trí thức, văn nghệ sĩ ngộ nhận về nền dân chủ phương Tây, ảo tưởng về cuộc sống tự do trong thế giới tư bản chạy ra nước ngoài rồi có những hành động chống phá đất nước. Họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm, uốn cong ngòi bút cho ra đời những ấn phẩm xuyên tạc, nói xấu chế độ; bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Một số văn nghệ sĩ, trí thức trong nước do thiếu kiên định lập trường hoặc khúc mắc chút ít đời tư đã sớm quên những thành quả cách mạng mang lại, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” mà có những sáng tác phẩm thể hiện bức xúc, định kiến cá nhân thiếu khách quan, thậm chí nhai lại luận điệu của những kẻ phản quốc. Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách có trách nhiệm, hiệu quả, mỗi văn nghệ sĩ cần trau giồi nâng cao nhận thức đầy đủ và sâu sắc những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Đồng thời phải thường xuyên học tập, quán triệt Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Có như vậy mới có thể thông qua hoạt động văn học nghệ thuật mà “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần tuyên truyền làm cho người dân hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực thông qua lăng kính chủ quan của chủ thể sáng tạo, vậy nên văn nghệ sĩ lại càng cần tỉnh táo, nhạy cảm, sắc bén trong việc nhìn nhận cuộc sống, phân biệt rõ đúng sai, tốt xấu. Khi các thế lực thù địch nhiều âm mưu xảo quyệt, không ít người còn mơ hồ thì sự tỉnh táo nhận diện đúng bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội là sự thuyết phục, tạo niềm tin và đoàn kết toàn dân tộc. Phát biểu cùng các văn nghệ sĩ, tại Lễ kỉ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam  (25/7/1948 – 25/7/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “phát huy giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng; tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.Và để nâng cao vai trò, đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cùng hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh vẻ vang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa thì mỗi chủ thể sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, tích cực sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ. Mục đích cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của mình, nghệ sĩ  nào cũng phấn đấu có được tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Những đứa con tinh thần đó phải phản ánh được điệu tâm hồn con người Việt Nam; phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước và dự báo cho cả tương lai. Như vậy cũng có nghĩa là yêu cầu chiến sĩ văn nghệ phải thật sự hòa mình với cuộc sống. Nguồn nhựa sống sáng tác của văn nghệ sĩ là từ Nhân dân vì “Nhân dân là bể/Văn nghệ là thuyền/Thuyền xô sóng đẩy/Sóng đẩy thuyền lên/Thuyền ra khơi xa/Gió căng buồm lộng /Thuyền là Lao động/Gió là Đảng ta” (Gió lộng - Tố Hữu). Không thiếu những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống lao động, chiến đấu, sinh hoạt văn hóa… ở mọi vùng miền của Tổ quốc. Đó là người công nhân trên các công trường xây dựng, trong xí nghiệp sản xuất; là nông dân trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, ngư dân trên các ngư trường; là trí thức trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, chăm lo đời sống sức khỏe nhân dân; là chiến sĩ công an, bộ đội đang ngày đêm không quản hi sinh gian khổ giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương, biển đảo… Văn học nghệ thuật phản ánh và hướng thực tiễn ấy phát triển theo quy luật của cái đẹp. Đồng thời cũng tạo ra sự hoàn thiện của con người góp phần xây dựng nên hệ giá trị con người Việt Nam. Với các kết quả đã đạt được, văn học nghệ thuật thực sự  góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

                                                                                         Nam Hà

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải