song
Vui hội Gầu Tào
Ngày xuất bản: 13/02/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8218

 Những ngày đầu xuân Giáp Thìn năm 2024, du khách trong và ngoài tỉnh lại lên vùng cao Trạm Tấu để dự Lễ hội Gầu Tào: Lễ hội được huyện Trạm Tấu phục dựng, tổ chức từ năm 2019, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Mông, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và quảng bá hình ảnh, nét đặc sắc của người Mông Trạm Tấu nói riêng.

 

Nghệ nhân Giàng A Su thực hành nghi lễ theo phong tục dân tộc Mông.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào năm nay, dự kiến tổ chức ngày 18/2/2024 (tức ngày 9 tháng Giêng, năm giáp Thìn), huyện giao cho xã Bản Mù chủ trì chuẩn bị lễ vật cúng và cây nêu, đội múa khèn... biểu diễn tại Lễ hội. 

Đồng chí Giàng A Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù phấn khởi: "Rất vinh dự cho xã Bản Mù năm nay được huyện giao cho chủ trì chuẩn bị lễ vật cúng theo phong tục; thực hiện nghi lễ chọn, chặt cây nêu chuyển ra sân vận động huyện dựng cây nêu. UBND xã đã giao cho Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với nghệ nhân Giàng A Su tìm và chọn loại cây tô hạp thẳng cao từ 15 - 20 m. 

Trước khi chặt cây nêu, nghệ nhân Giàng A Su đã đi xem cây và chọn ngày, giờ để chặt cây. Khi nghệ nhân chọn ngày, giờ xong mới tiến hành chặt, không được để cây chạm đất mà phải hạ cây nêu từ từ xuống và phân công người thay nhau khênh, vác ra sân vận động, không được chở bằng ô tô và phương tiện khác. 

Dự kiến, cây nêu sẽ được khênh, vác ra sân vận động huyện vào chiều ngày 17/2 để nghệ nhân Giàng A Su làm lễ dựng cây nêu xong trong buổi chiều hôm trước tổ chức Lễ hội. 

Cùng với chuẩn bị cây nêu, xã đã phối hợp với nghệ nhân khèn, hướng dẫn luyện tập cho đội khèn gồm 10 diễn viên của xã để tham gia biểu diễn tại Lễ hội; chuẩn bị lễ vật cúng theo truyền thống gồm: 1 con gà trống to, 1 chai đựng rượu bằng ống nứa, 4 chén đựng rượu bằng ống nước, 12 bó hương, nước, giấy cúng và một số vật dụng khác để nghệ nhân Giàng A Su cúng trước khi tổ chức Lễ hội...”. 

Lễ hội Gầu Tào năm nay, sẽ chính thức được huyện Trạm Tấu tổ chức vào 8 giờ, ngày 18/2, tại sân vận động huyện. Mở đầu Lễ hội là lễ cúng được thực hiện theo phong tục dân tộc Mông do nghệ nhân Giàng A Su thực hiện, với nội dung: "Tạ ơn thần núi, thần đất, thần trời, thần suối đã cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm có nhiều điều tốt lành, mùa màng bội thu và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm mới nhiều may mắn...”. 

Sau khi nghệ nhân Giàng A Su làm lễ cúng xong, đơn vị chủ trì (UBND xã Bản Mù), cử người cắt tiết gà, rồi dùng giấy cúng chấm vào tiết gà đốt hóa vàng để thần linh nhận được lễ vật con gà trống, hương, giấy tượng trưng cho vàng, bạc để thần linh phù hộ cho nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu... 

Kết thúc phần lễ được tổ chức trang nghiêm mang màu sắc tâm linh, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục múa khèn Mông của 10 diễn viên đội khèn xã Bản Mù biểu diễn vòng quanh cây nêu; xem các tiết mục văn nghệ múa, hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông và xem thi đấu các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, đánh quay (tù lu), bắn nỏ, lẩy pao, đánh cầu lông gà và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông, thi giã bánh dày của các đội ở các xã trong huyện với nhau. Ban Tổ chức sẽ trao giải nhất, nhì, ba cho các đội, các vận động viên đạt giải trong các môn thi đấu; trao phần quà cho các cá nhân tham gia nội dung trình diễn... Lễ hội dự kiến sẽ kết thúc vào 11 giờ 30 ngày 18/2/2024, nghệ nhân Giàng A Su làm lễ hạ cây nêu; buổi chiều du khách và người dân cùng giao lưu văn nghệ và chơi các trò chơi dân gian. 

Việc huyện Trạm Tấu phục dựng, tổ chức Lễ hội Gầu Tào hàng năm đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và quảng bá hình ảnh, nét đặc sắc của người Mông Trạm Tấu nói riêng đến với du khách trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy phát triển du lịch, tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương. 

Anh Mùa A Ly ở chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ chia sẻ niềm vui của mình trong quá trình kinh doanh du lịch cộng đồng: "Mình rất vui, dịp đầu năm 2019, được đi xem huyện phục dựng, tổ chức Lễ hội Gầu Tào tại xã Bản Công. Khi về nhà mình nảy ra ý tưởng sẽ cùng với một số hộ trong thôn mở dịch vụ du lịch cộng đồng để đón khách trong và ngoài tỉnh, nước ngoài đến với Trạm Tấu, tăng thu nhập cho gia đình và bà con trong thôn. Song, do dịch bệnh Covid -19, phải đến đầu năm 2022, mình mới thực hiện được. 

Mình đầu tư sửa sang nhà ở, mua giường, làm công trình phụ khép kín, đảm bảo chỗ ăn, ở sinh hoạt cho 15 người lưu trú một lần. Năm đầu, nhà mình đón được gần 200 khách du lịch lưu trú từ 1 - 2 ngày, thu nhập được khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đi. Năm 2023, thì vui hơn, ngay sau Lễ hội Gầu Tào huyện tổ chức, tháng đầu năm mình đã đón được 3 đoàn khách, trong 3 tháng hè và những tháng cuối năm nhà mình đón thêm khoảng hơn 20 đoàn khách nữa, tổng số khách đến lưu trú cả năm được gần 300 người, thu nhập của gia đình cũng cao hơn năm trước. Mình và các hộ làm du lịch trong thôn sẽ cố gắng sưu tầm những món ăn đặc sắc của dân tộc Mông và thành lập các đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách tốt hơn...”. 

Người dân và du khách tham dự Lễ hội Gầu Tào. 

Còn gần hai tuần nữa Lễ hội mới được tổ chức, nhưng các chàng trai, thiếu nữ Mông ở 11 xã, thị trấn trong huyện đã sẵn sàng chuẩn bị cho mình trang phục đẹp nhất để múa khèn, đánh quay, lảy pao, giao lưu văn nghệ, thi giã bánh dày... Em Trang Thị Sáy - học sinh lớp 9, ở thôn Giàng La Pán, xã Bản Mù phấn khởi khoe: " Năm nay là năm thứ hai em được đi xem Lễ hội Gầu Tào tại sân vận động huyện. Em và các chị trong thôn sẽ chọn, chuẩn bị cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc Mông si màu sắc đỏ, vàng, vòng bạc đeo cổ, tay để sáng sớm ngày 18/02/2024, xuống sân vận động huyện dự Lễ hội. Em rất vui và tự hào, vì mình là người trẻ tuổi được tham gia Lễ hội, năm nay Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn, em và các bạn trẻ trong thôn, xã sẽ sắp xếp thời gian tham gia Lễ hội hàng năm để giữ gìn bản sắc của dân tộc mình”. 

Huyện Trạm Tấu hiện có 11 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 77%. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào hàng năm không chỉ bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Mông mà còn góp phần quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của huyện đến với du khách trong và ngoài tỉnh; thức dậy tiềm năng du lịch của huyện; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại huyện ngày càng nhiều hơn. 

 Lễ hội Gầu Tào năm nay được huyện Trạm Tấu tổ chức đúng vào đầu xuân mới năm 2024 (mùng 9 tháng Giêng), cũng là thời điểm huyện Trạm Tấu chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân. Đón xuân mới, người dân Trạm Tấu tham gia Lễ hội càng vui hơn, cùng thi đua lao động, sản xuất giành được kết quả cao hơn năm trước để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để mỗi mùa xuân về du khách thập phương lại trở về huyện vùng cao Trạm Tấu dự Lễ hội Gầu Tào với quy mô lớn hơn, vui hơn.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải