song
Xúc động với gần 100 tài liệu quý "Bác Hồ với Yên Bái" lần đầu tiên công bố
Ngày xuất bản: 21/09/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4569

 Gần 100 tài liệu, hình ảnh, hiện vật mới liên quan Bác Hồ với nhân dân Yên Bái lần đầu tiên được Bảo tàng tỉnh Yên Bái công bố; trong đó có trên 30 tài liệu, hình ảnh liên quan tới Bác Hồ với nhân dân Yên Bái và trên 60 tài liệu, hình ảnh là tình cảm của nhân dân Yên Bái với Bác Hồ.

 

Một trong những tư liệu mới có thông tin về cá nhân tại Yên Bái được Bác Hồ khen thưởng.

Lần đầu tiên, Bảo tàng tỉnh Yên Bái công bố gần 100 tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan Bác Hồ với nhân dân Yên Bái. Từ nguồn tư liệu này, Bảo tàng đã hoàn thành xây dựng đề cương, gấp rút chuẩn bị các gian trưng bày chuyên đề "Bác Hồ với quê hương Yên Bái” tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thị xã Nghĩa Lộ) sẽ diễn ra từ ngày 23/9.

Anh Trần Hùng Anh - cán bộ Bảo tàng tỉnh tham gia công tác nghiên cứu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu trữ tỉnh, Thư viện tỉnh để tìm kiếm tư liệu về Bác Hồ cho biết: Sau một thời gian tìm kiếm, nghiên cứu, anh đã sưu tầm được gần 100 tài liệu, hình ảnh, hiện vật mới, trong đó có trên 30 tài liệu, hình ảnh liên quan tới Bác Hồ với nhân dân Yên Bái và trên 60 tài liệu, hình ảnh là tình cảm của nhân dân Yên Bái với Bác Hồ. 

Tôi đã vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được tiếp cận những tư liệu mới "Bác Hồ với Yên Bái" gồm các bản thảo là những bức thư, bài nói chuyện và những thông tin về tặng huy hiệu, tặng bằng khen, thư khen của Bác gửi cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương, các cá nhân có thành tích xuất sắc được in trên Báo Nhân dân, Báo Lao động trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. 

Những tài liệu "Bác Hồ với Yên Bái" gồm tập hợp những bài báo ghi nhận tâm tư, tình cảm, những việc tốt, hành động đáng ngợi khen của cán bộ, nhân dân trong tỉnh được đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương, địa phương cùng rất nhiều lá thư chúc thọ, thư báo công của Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể và của các cá nhân tự viết và gửi cho Bác vào các dịp sinh nhật Bác từ những năm 1959 đến năm 1966. 

 

Một trong những hoạt động trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Nghiên cứu sâu về những tư liệu mới liên quan đến những tấm gương được tặng Huy hiệu của Bác Hồ, ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Chúng tôi quan tâm nhất đến những bài báo viết về những tấm gương "người tốt, việc tốt” được Bác đọc qua và phát hiện những tấm gương nào đáng biểu dương, Bác dùng những ký hiệu như khoanh tròn là thưởng Huy hiệu, gạch chân là tuyên dương và đôi khi Bác viết vắn tắt vài ba dòng bên cạnh bài báo để những người giúp việc cho Bác biết để làm rõ hơn sự việc mà thực hiện. 

Chẳng hạn như, Bác Hồ đọc bài báo - "Người vận động bà con đọc sách đầu tiên ở Yên Bái”, có nội dung tuyên truyền, cổ động tấm gương ông Mật ở xã Xuân Ái, huyện Văn Yên có nhiều giải pháp, cách thức vận động, thúc đẩy phong trào đọc sách tại địa phương, Bác đã có bút tích trao tặng Huy hiệu. 

Hay bài viết về em Bàn Triệu Ton, học sinh Trường Nậm Lành, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, được Bác Hồ trực tiếp phê vào bên cạnh bài báo: "Em Bàn Triệu Ton (Mán -tức dân tộc Dao- PV) đã nêu cao gương tốt của một học sinh làm chủ trường lớp và chống tham của nhặt được” (theo báo Nhân dân ngày 14/9/1962), được Bác Hồ thưởng một Huy hiệu. 

Có thể kể đến nữa là tấm gương thầy giáo Vin, cứu sống một em bé dân tộc Mèo (dân tộc Mông- PV) ở Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. Bút tích của Bác phê ở bên cạnh bài báo là: "Anh Vin giáo viên đã cõng một em người Mèo ốm nặng băng qua 05 cây số, lội suối, lội ngòi đưa về phòng y tế cứu sống” (theo tờ Tin tức Tây Bắc ngày 19/01/1961), cũng được Bác Hồ thưởng một Huy hiệu... 

Ông Khoa chia sẻ: "Những tấm gương "Người tốt, việc tốt” được thưởng Huy hiệu là một trong nhiều hình thức khen, thưởng kịp thời của Bác. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để mỗi cá nhân, tập thể trong thời kỳ đó đều có được cảm giác được quan tâm, cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết với Bác để rồi tiếp tục thi đua, lao động sản xuất, bảo vệ quê hương, đất nước. Đối với chúng ta hôm nay, được đón nhận những tư liệu mới về Bác sẽ hiểu thêm về điều kiện, hoàn cảnh và tình cảm của Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ, sẽ càng quyết tâm thực hiện việc học tập và làm theo Bác…”. 

Cũng mới được tiếp cận với 100 tư liệu mới về Bác Hồ, ông Nông Thụy Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, nguyên Tổng biên tập Báo Yên Bái chia sẻ: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sự kiện công bố và tổ chức trưng bày gần 100 tài liệu mới về Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, phản biện, tổng kết các tư liệu sự kiện lịch sử nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng; phục vụ cho nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương trong thời gian tới”. 

So sánh nguồn tư liệu mới được công bố với nguồn tư liệu về Bác Hồ với Yên Bái, ông Sỹ chia sẻ: "Những tư liệu Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ trước đây vô cùng khan hiếm, nguyên nhân có thể là quá trình lưu trữ bị thất lạc, khả năng nghiên cứu, sưu tầm hạn chế. Việc tìm kiếm được gần 100 tư liệu mới như hiện nay là một điều vô cùng đáng quý. Qua tìm hiểu, hầu hết địa phương, các sở, ban, ngành đều nhận được Huy hiệu của Bác, Thư của Bác và cũng có Điện văn mừng thọ Bác Hồ. Dưới góc độ khoa học lịch sử, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá về những tư liệu mới này để phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, học tập tại địa phương”. 

Hoạt động trưng bày những hình ảnh Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ sẽ được Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức từ ngày 23/9 đến hết tháng 9 tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thị xã Nghĩa Lộ) theo chuyên đề "Bác Hồ với quê hương Yên Bái” - kỷ niệm 40 năm khánh thành và phát huy giá trị Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ (3/9/1983 – 3/9/2023) và tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái với chuyên đề "Bác Hồ với quê hương Yên Bái”, kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 – 25/9/2023). 

Ông Hoàng Tiến Long – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết; Đây là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động trưng bày có nhiều cơ quan, các bảo tàng, di tích trên toàn quốc tham gia như: Khu di tích Kim Liên – Nghệ An, Khu di tích Pác Bó – Cao Bằng, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, Bảo tàng Hồ Chí Minh; đồng thời có sự phối hợp giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch với ngành nội vụ trong việc khai thác, công bố, trưng bày tư liệu mới cho nhân dân. 

Nội dung các cuộc trưng bày bằng hình ảnh, hiện vật theo kết cấu 3 phần để người xem hiểu được rõ thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nắm bắt những thông tin mới, những bức ảnh gốc, tư liệu quý của Bác Hồ với nhân dân Yên Bái và Yên Bái học tập và làm theo Bác đến ngày hôm nay. 

Với ý nghĩa lịch sử của những tư liệu, hiện vật về Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ cùng với sự chuẩn bị chu đáo, trang trọng cho sự kiện trưng bày "Bác Hồ với quê hương Yên Bái” hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn, cung cấp nguồn thông tin, tri thức, tài liệu quý lần đầu tiên công bố đến mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân càng tiếp thêm niềm tự hào "luôn có Bác ở bên" thấm sâu trong suy nghĩ, hành động để tiếp tục lan tỏa việc học và làm theo Bác. 

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải