song
Yên Bái: Chú trọng công tác giảm nghèo đảm bảo, thực chất và bền vững
Ngày xuất bản: 24/08/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5293

 Nhằm quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững năm 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo đã được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái.

Trên 278 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái được giao 278,3 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 127 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 151,3 tỷ đồng.

Từ các nguồn vốn của Chương trình, tỉnh đã đầu tư cho 23 công trình chuyển tiếp, đầu tư mới 7 công trình phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

 

Từ các nguồn vốn hỗ trợ, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được tham gia các lớp tập huấn, các lớp đào tạo nghề để nâng cao năng lực trong công tác giảm nghèo.

Hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, Trường Cao đẳng Yên Bái; Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Lục Yên và 2 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải.

Đồng thời, từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình, tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề thuộc dự án phát triển giáo dục, việc làm bền vững; triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Đối với Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2023, toàn tỉnh được hỗ trợ 1.598 nhà (làm mới 1.305 nhà và sửa chữa 293 nhà); trong đó có 828 nhà thuộc hộ nghèo người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 177 hộ nghèo, hộ cận nghèo là người Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Huy động trên 10.490 tỷ đồng phục vụ công tác giảm nghèo bền vững

Đặc biệt, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, tỉnh Yên Bái đã huy động được trên 10.490 tỷ đồng để đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững.

Trong đó, từ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 2.225 tỷ đồng; từ ngân sách Trung ương thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo 2.321 tỷ đồng; vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 3.550 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1.144 tỷ đồng, từ các nguồn xã hội hóa 127 tỷ đồng, vốn vay ODA 1.123 tỷ đồng.

 

Tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thực hiện chương trình giảm nghèo.

Các nguồn vốn huy động được sử dụng đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả trong thực tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,28% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), đạt 117,6% kế hoạch; năm 2022 là 5,15%, đạt 127,5% kế hoạch. Trong 2 năm 2021 và 2022, tính bền vững trong giảm nghèo được cải thiện, số lượng hộ tái nghèo được duy trì ở mức thấp (năm 2021 có 18 hộ, năm 2022 là 26 hộ).

Ngoài ra, tỷ lệ thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ trong kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 so với cuối năm 2021. Theo đó, tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo thiếu hụt về việc làm giảm 2,68%; tỉ lệ hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở giảm 2,35%, không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh giảm 9,17%, không được tiếp cận nhà vệ sinh đạt chuẩn giảm 4,83%...

Đặt mục tiêu giảm 3,5% hộ nghèo năm 2023

Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu giảm 3,5% hộ nghèo so với năm 2022, tương đương giảm 7.662 hộ. Ngoài những thành tích đã đạt được trong nửa đầu năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã nêu cao tinh thần tiếp tục phấn đấu để đạt mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2023.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã sớm xây dựng và kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Một trong những nội dung trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

 

Đồng bào Mông huyện Trạm Tấu đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc để nâng cao thu nhập.

Vì vậy, việc phổ biến, quán triệt, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”, Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ được đặc biệt quan tâm, nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đi đôi với công tác lãnh chỉ đạo, tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cần rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ nghèo; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo để phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp, thiết thực với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ các mô hình sinh kế... nhằm cải thiện thu nhập và mức sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động vì người nghèo để huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho công tác giảm nghèo.

Cùng với tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện các chương trình, dự án và chính sách giảm nghèo, các cấp lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công tác giảm nghèo; kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nghiêm các sai phạm.

Tỉnh cũng yêu cầu 52 sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 947 hộ nghèo tại 64 xã thoát nghèo trong năm; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững năm 2023 theo Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải