song
Yên Bái đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày xuất bản: 24/08/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 7059

 Chị Giàng Thị Dở, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải lấy chồng năm 2010 khi vừa tròn 16 tuổi. Hiện tại, chị đã là mẹ của 3 con. Kết hôn sớm, lại sinh con ngay khi tuổi đời còn trẻ, chồng làm thuê kiếm ăn từng bữa, chị ở nhà chăm con nhỏ, nên gia đình luôn trong cảnh túng thiếu, cuộc sống cứ mãi quẩn quanh với đói nghèo. Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) đã tồn tại như một tập quán cố hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Yên Bái.

 

Đoàn Thanh niên huyện Văn Chấn tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn về hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không những vi phạm pháp luật, mà còn gây ra hậu quả đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Dù chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng TH&HNCHT nhưng đến nay thực trạng này vẫn tồn tại gây ra nhiều hệ lụy.

Chị Giàng Thị Dở, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải lấy chồng năm 2010 khi vừa tròn 16 tuổi. Hiện tại, chị đã là mẹ của 3 con. Vì kết hôn sớm, lại sinh con ngay khi tuổi đời còn trẻ, chồng đi làm thuê kiếm ăn từng bữa, chị ở nhà chăm con nhỏ, nên gia đình luôn trong cảnh túng thiếu, cuộc sống cứ mãi quẩn quanh với đói nghèo. 

Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có 169 cặp tảo hôn, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn đều đông con và có cuộc sống đói nghèo… Những hệ lụy của  TH&HNCHT làm người dân mất đi cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm tốt, cải thiện điều kiện sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, làm suy giảm giống nòi và là một trong những lực cản của phát triển xã hội. 

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do trình độ dân trí không đồng đều, các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong vùng đồng bào DTTS. 

Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính trong vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình tại cơ sở chưa thật tốt; công tác tuyên truyền về hệ lụy TH&HNCHT tại các trường học còn hạn chế, học sinh từ cấp THCS yêu sớm, dẫn đến tảo hôn; còn có cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến tình trạng, hệ lụy của việc  TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS…

Trước tình trạng trên, năm 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 191-KH/TU ngày 18/4/2020 về thí điểm việc đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn.

Sau 2 năm triển khai kế hoạch, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở, các thôn bản, góp phần từng bước đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào DTTS về tác hại của vấn đề TH&HNCHT và xuất, nhập cảnh trái phép. 

Nếu như năm 2019, tại 3 huyện thí điểm có 277 trường hợp tảo hôn, thì năm 2020 đã giảm còn 190 trường hợp, tỷ lệ tảo hôn giảm 31,40% so với năm 2019, theo đó huyện Mù Cang Chải 47 trường hợp, Trạm Tấu 55 trường hợp, Văn Chấn 88 trường hợp thì đến năm 2021 còn 102 trường hợp tảo hôn, giảm 46,31% so với năm 2020 và đến quý I/2022 trên địa bàn có 29 trường hợp. 

Tình trạng HNCHT tại 3 huyện vùng cao thực hiện thí điểm có những chuyển biến: nếu như năm 2020 có 3 trường hợp thì trong năm 2021 và đến quý I/2022 không có trường hợp nào. 

Kế hoạch số 191 được triển khai tại Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tình trạng tảo hôn đã từng bước được đẩy lùi so với những năm trước, hôn nhân cận huyết thống không xảy ra, xuất nhập cảnh trái phép giảm. Song thực tế cho thấy, kết quả chưa thật sự bền vững, nguy cơ tảo hôn còn cao, tình trạng tảo hôn còn xảy ra ở độ tuổi thấp hơn nhiều so với quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn; xuất, nhập cảnh trái phép tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Việc đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT và xuất nhập cảnh trái phép là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, từng tổ chức đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, năng động, sáng tạo quyết liệt trong công tác chỉ đạo và thực hiện. 

Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thống nhất hành động giữa chính quyền các ban, ngành và đoàn thể các cấp nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống TH&HNCHT. 

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Quan tâm tới công tác đào tạo và đào tạo đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở. 

Hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình đồng bào DTTS, gia đình nghèo, gia đình khó khăn nhằm nỗ lực xóa dần sự chênh lệch giữa các vùng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xóa bỏ tư tưởng, phong tục lạc hậu về vấn đề tảo hôn…

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải