song
Yên Bái đổi mới và phát triển sau 30 năm tái lập tỉnh
Ngày xuất bản: 01/10/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 11622

 Tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh: Yên Bái, Lao Cai, Nghĩa lộ. Sau 16 năm hoạt động, ngày 12/8/1991 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá VIII  đã ra nghị quyết tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái  và tỉnh Lào Cai. Ngày 01/10/1991 chính thức tái lập tỉnh Yên Bái.

 Trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái hôm nay

Yên Bái là tỉnh nghèo, hầu hết cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật bị hư hại nặng nề do bị không quân Mỹ ném bom tàn phá, lại chịu ảnh hưởng của chiến tranh biên giới phía Bắc, nên sau khi tái lập tỉnh, Yên Bái phải tập trung giải quyết nhiều khó khăn. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (sau này đổi là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII) đã tiến hành từ ngày 15-17/01/1992. Nghị quyết Đại hội đã tập trung vào đẩy mạnh phát triển kinh tế và xã hội, từng bước đưa tỉnh ta ra khỏi nền kinh tế tự cung, tự cấp, chuyển dần sang sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường. Trong các kỳ đại hội tiếp theo đều tập trung chỉ đạo quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên  cơ sở thế mạnh của từng vùng, như vùng lúa, cây ăn quả ở Văn Chấn, Văn Yên; trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc và khai thác khoáng sản ở Lục Yên;  thuỷ sản ở Yên Bình. Để tạo cho kinh tế phát triển và thu hút đầu tư, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, cùng với hàng loạt chính sách ưu đãi và hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, như: Tập đoàn SUNGROUP, Công ty cổ phần EUOWINDOW HOLDING, Tập đoàn FLC, tập đoàn APEC GROW, công ty cổ phần VIGLCERA… Với sự cố gắng bền bỉ, liên tục, sau 30 năm tái lập, diện mạo tỉnh ta đã  biến đổi sâu sắc, vươn lên thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Tây Bắc.

Năm 2020, Yên Bái cũng như các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng  nề của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn  đạt 5,41%, đứng thứ 4/14 các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Giá trị tổng sản phẩm xã hội năm 2020 (giá hiện hành) đạt 31.865,60 tỷ đồng, tăng  gấp 50 lần năm 1991. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40,142 triệu đồng, tăng gấp gần 50 lần năm 1991. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.100 tỷ đồng, tăng gấp 115 lần năm 1991 (thu cân đối năm 1991 đạt  26,521 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư trên địa bàn năm 2020 đạt 16.173,6 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2019.

 Lĩnh vực nông nghiệp được tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh uỷ đã ra nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đưa nhanh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Do vậy nền nông nghiệp tỉnh ta đã  chuyển mạnh từ độc canh lúa sang đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, gắn với phát triển ngành nghề trong nông thôn. Sau 30 năm tái lập tỉnh  kinh tế nông nghiệp đã có bước tiến vượt bậc. Sản lượng lương thực quy thóc (tính cả xèo, mạch, sắn, khoai) năm 1991 đạt 136.021 tấn, riêng thóc đạt 80.472 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 224kg . Đến năm 2020, sản lượng lương thực cây có hạt (lúa và ngô) đạt 319.780 tấn, tăng 2,35 lần so với năm 1991; thóc đạt 217.726 tấn, tăng hơn 2,7 lần; lương thực bình quân đầu người đạt 385 kg, tăng 170% so với năm 1991.

 Bằng đổi mới cơ cấu giống chè, đưa các giống chè có giá trị kinh tế cao vào trồng, như LDP2, Bát Tiên, chè Shan tuyết và đầu tư thâm canh cao, đến năm 2020, diện tích chè do tỉnh quản lý đạt 7.619 ha. Diện tích chè năm 1991 (cả diện tích chè Trung ương và địa phương) là 6.791 ha; sản lượng chè búp tươi năm 2020 đạt 74.010 tấn (trong đó có 20.000 tấn chè chất lượng cao), tăng 4,6 lần so với năm 1991. Nhiều vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được đầu tư phát triển; năm 2020 diện tích cây ăn quả các loại đạt 9.754 ha, tăng gấp 4,25 lần năm 1991, riêng sản lượng cam, quýt năm 2020 đạt 14.032 tấn, tăng 11 lần lượng cam quýt 1991. Chăn nuôi được tỉnh xác định là thế mạnh, nhất là chăn nuôi đại gia súc.  Tổng đàn trâu năm 2020 đạt 93.748 con, tăng 144%; đàn bò 32.225 con, tăng 130%; đàn lợn 463.808 con, tăng hơn 2 lần; đàn gia cầm đạt 6.389700 con, tăng 3 lần so với năm 1991  

Yên Bái là tỉnh miền núi nên kinh tế đồi rừng luôn là một thế mạnh. Tỉnh đã có nhiều chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế nhận đất trống, đồi trọc để trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng. Tổng diện tích rừng toàn tỉnh hiện nay đạt hơn 433.586 ha (trong đó diện tích rừng tự nhiên là 245.583 ha, rừng trồng là 188.000 ha ), tăng 2,7 lần so với năm 1992. Độ che phủ của rừng từ 23,3% năm 1992 lên 63% năm 2020, đứng thứ 4 toàn quốc về độ che phủ của rừng. Sản lựơng gỗ rừng trồng năm 2020 đạt 540.883 m3, gấp 4,7 lần năm 1991; nguyên liệu giấy đạt 344.505 tấn, tăng hơn 100 lần năm 1991. Diện tích quế năm 1991 có 7.144 ha; năm 2020 đạt 78.261 ha, tăng 10,9 lần so với 1991.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Trung ương và Quyết định của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, với sự tập trung cao trong lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt sự cố gắng của nông dân, đến hết năm 2020, tỉnh ta đã có 76 xã đạt xã chuẩn nông thôn mới; huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên của vùng Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về CNH, HĐH đất nước, tỉnh đã tập trung vào phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 11.787 tỷ đồng, tăng 700  lần so với năm 1991. Năm 1992 toàn tỉnh còn 71/159 xã chưa có điện lưới quốc gia và 117/159 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm xã. Đến năm 2012 có 100% số xã có điện lưới quốc gia và năm 2004, Yên Bái là tỉnh đầu tiên của vùng Tây Bắc có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Yên Bái đã xây dựng 7 cầu lớn vượt sông Hồng, giúp khai thác có hiệu quả kinh tế phía hữu ngạn sông Hồng. Toàn tỉnh hiện có 24 nhà máy thuỷ điện nhỏ, sản lượng điện hàng năm đạt 1,8 tỷ kwh.

 Ngành công thương những năm qua, ngoài khai thác thị trường trong và ngoài nước, đã thực hiện tốt khai thác thị trường nội tỉnh. Các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại đã làm tốt việc gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 18.971,43 tỷ đồng, tăng 182 lần so với năm 1991. Giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 164,2 triệu USD, tăng 35 lần so với năm 1991.

Đảng bộ luôn xác định gắn phát triển kinh tế phải đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Trong đó xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng: Văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, tỉnh đã  tập trung xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; nhiều lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức, nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá, nét đẹp của quê hương và con người Yên Bái, như lễ hội văn hoá Mường Lò, Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, lễ hội đền Đông Cuông… Trong lĩnh vực y tế có bước phát triển nhanh, tập trung vào chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện xã hội hoá lĩnh vực y tế. Năm 2020 toàn tỉnh có 409 cơ sở y tế (193 cơ sở của Nhà nước, 216 cơ sở tư nhân), tăng 2,35 lần; có 58,1 giường bệnh trên 1 vạn dân, tăng 3,2 lần; lực lượng ngành y có 2.634 người, tăng 174%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 16,1%, giảm 35% so với năm 1991.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về giáo dục - đào tạo thể hiện tại Hội nghị lần thứ hai, khoá VIII:  Thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư cho phát triển. Tỉnh uỷ đã có nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo duc - đào tạo; tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống trường và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Năm học 1991 - 1992, toàn tỉnh có 286 trường các loại, với 3.483 giáo viên. Đến năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 443 trường các loại với 7.477 giáo viên.

Với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vì con người, nên trong những năm qua tỉnh ta có nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết nhiều việc làm,  nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đầu những năm 1990, số hộ nghèo bình quân toàn tỉnh chiếm khoảng 35 - 40%, riêng hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải số hộ nghèo chiếm trên 60%. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh còn 7,04%, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Hàng năm giải quyết việc làm mới cho 15.000 lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã và đang thực hiện có hiệu quả trong xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, thân thiện và nhân văn.

Trần Thi

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải