song
Yên Bái nỗ lực đưa nước hợp vệ sinh về nông thôn
Ngày xuất bản: 31/10/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 7701

 Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu đưa nước hợp vệ sinh đến từng hộ dân ở nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 có 98% người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

 

Tổ tự quản, vận hành công trình cấp nước tập trung xã Cát Thịnh (Văn Chấn) bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung.

Xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn có 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Sau trận lũ năm 2018, một vài công trình, hạng mục bị hỏng hóc, xuống cấp trầm trọng. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, xã đã được tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung, kéo nước hợp vệ sinh đến các khu tái định cư. 

Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: Năm 2021, 51 hộ dân sinh sống tại khu tái định cư Noong My, thôn Bản Tủ và khu tái định cư thủy lợi 2, thôn Bản Dõng đã có nước sạch được kéo đến tận nhà. Đến nay, các công trình cấp nước tập trung đều đã hoàn thành nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng, cung cấp nước ổn định cho hơn 2.000 người dân, người dân rất phấn khởi, nhanh chóng ổn định sản xuất. 

Xã cũng chỉ đạo thành lập các tổ tự quản bảo dưỡng, bảo trì công trình, định kỳ khơi thông dòng chảy, rào chắn đầu nguồn, thường xuyên theo dõi, kiểm tra không để trâu bò đến đằm và xả chất thải ảnh hưởng đến nguồn nước. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) trên địa bàn xã đạt 90,5%. 

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tận dụng có hiệu quả Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, tạo cơ sở pháp lý, khuyến khích sự tham gia của nhân dân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội để đầu tư xây dựng, sửa chữa, quản lý, vận hành các công trình cấp nước. 

 

Đối với các công trình cấp nước hộ gia đình, tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn ưu đãi từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua ủy thác từ các tổ chức chính trị xã hội. 

Để các công trình cấp nước tập trung phát huy hiệu quả lâu dài, ngay sau khi hoàn thành các hạng mục của công trình, tỉnh đã bàn giao cho chính quyền các xã đưa vào sử dụng. Đồng thời ký cam kết, hiệp đồng đảm bảo về chất lượng công trình giữa nhà thầu và đơn vị tham gia giám sát; xây dựng kế hoạch duy tu hệ thống bể chứa và bảo dưỡng đường ống dẫn nước hàng tháng. 

Đặc biệt, vào thời điểm mùa mưa, đơn vị thụ hưởng chủ động tổ chức gia cố những điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới công trình. 

Song song với đó là tăng cường điều tra, đánh giá hiện trạng để có phương án sử dụng hợp lý, lâu dài và tiết kiệm; đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tập huấn công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình, công tác thông tin truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và tập quán sử dụng nước sinh hoạt của người dân nông thôn, tránh thất thoát, lãng phí nước...

Dự kiến tổng kinh phí xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, xử lý sự cố các công trình cấp nước tập trung giai đoạn 2021-2025 là 300 tỷ đồng với 84 danh mục công trình.

16 năm thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đã có hơn 92.000 hộ dân ở khu vực nông thôn được vay 959,7 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa 147.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 358 công trình cấp nước tập trung, khoảng 100.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ đang hoạt động, cung cấp nước HVS cho 92,4% dân số nông thôn sử dụng, đạt 94% kế hoạch năm 2022. 

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải