song
Yên Bái xây dựng môi trường sống xanh từ rừng
Ngày xuất bản: 09/04/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 3589

 Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

 

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Với đặc thù địa hình đồi núi dốc, phức tạp, nằm trong lưu vực của hồ Thác Bà, lượng mưa hàng năm lớn ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, những năm qua, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình luôn chú trọng trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững. Hiện, toàn xã có trên 1.800 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên sản xuất 415 ha, rừng trồng hộ gia đình trên 1.424 ha.

Bà Bùi Thị Hoa, thôn Tiến Minh chia sẻ: "Gia đình tôi trồng rừng nhiều năm nay. Tích lũy được quỹ đất, chúng tôi đã chuyển dần sang trồng cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nhẹ khí nhà kính. Hiện, gia đình có tổng diện tích 80 ha rừng thì đã có gần 10 ha trồng cây gỗ lớn như vù hương, dổi, lát, keo. Để chuyển đổi diện tích rừng gỗ lớn, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cấp HND thông qua Chương trình FFF II”. 

Qua Chương trình FFF II, HND tỉnh đã hỗ trợ xã Tân Nguyên phân bón để thực hiện chuyển hóa 5ha rừng gỗ lớn theo quy trình kỹ thuật; 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tạo sinh kế dưới tán rừng; hỗ trợ trên 200 ha rừng giao khoán bảo vệ gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư và trao Quỹ tín dụng xanh cho hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên và tổ hợp tác thôn Đông Ké… 

Ông Sạch Văn Mùi - Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết: Năm 2024, toàn xã phấn đấu trồng mới 300 ha rừng. Xã cũng gắn việc nâng cao chất lượng, hiệu quả với bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên sản xuất, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép. 

Là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, huyện Yên Bình luôn tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, người dân tham gia trồng rừng gắn với đổi mới công nghệ chế biến. Trung bình mỗi năm, Yên Bình trồng mới trên 3.000 ha rừng. Cụ thể, năm 2023, toàn huyện đã trồng mới trên 3.144 ha, trên 1.779 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,8%. 

"3.100 ha rừng trồng mới cũng là mục tiêu phấn đấu của huyện năm 2024. Để đạt mục tiêu, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho huyện Đề án phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2025, theo Nghị quyếtĐại hội Đảng bộ huyện, đảm bảo có trên 12 nghìn ha rừng gỗ lớn và trên 9 nghìn ha đạt tín chỉ Carbon (tín chỉ Carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng). Đồng thời tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích từ rừng mang lại để họ đồng thuận thực hiện” - ông Dương Anh Tuấn - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết.

Không chỉ Yên Bình, năm 2024, huyện Trấn Yên cũng phấn đấu trồng mới 2.700 ha rừng với cơ cấu chủ yếu là quế, tre măng Bát Độ, cây nguyên liệu giấy, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 70%. Để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch đất rừng để trồng tre Bát Độ; đã làm tốt công tác chuẩn bị quỹ đất, phát dọn thực bì và nguồn cây giống. Ngay trong vụ xuân, huyện đã trồng thay thế 1.200 ha rừng, trong đó có 800 ha rừng tập trung; các loại cây trồng chính là quế, keo và măng tre Bát Độ…

Ông Hà Chí Nguyện - thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho hay: "Triển khai Chương trình FFF II tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, HND tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lâm sinh, Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (Dự án ITTO) hỗ trợ gia đình tôi 1.100 cây giống, một phần phân bón và một phần công làm đất để xây dựng mô hình. Gia đình tôi sẽ trồng và chăm sóc tốt diện tích rừng này, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm hữu cơ, có giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường sống”. 

Xác định rừng là "lá phổi xanh" đóng vai trò quan trọng trong sự sống của con người và hệ sinh thái toàn cầu, HND tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao độ che phủ rừng của vùng lên 45% - 47%". Đồng thời, Hội cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 và chiến dịch truyền thông về trồng rừng, phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính để triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên ND trồng rừng.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 23, đồng thời triển khai kế hoạch của tỉnh về phát triển rừng gỗ lớn, với mục tiêu phát triển 10.000 ha rừng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025 và đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển diện tích rừng hiện có, thông qua Chương trình FFF II, HND tỉnh đã phối hợp hỗ trợ 16.390 cây giống vù hương, dổi, tếch... cho các hộ hội viên ND trên địa bàn các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải để xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. 

Đồng thời, Hội cũng lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng địa phương, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng… Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống xanh cho người dân.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải