song
100 năm báo Le Paria xuất bản số đầu (1/4/1922-1/4/2022): Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - linh hồn của Le Paria
Ngày xuất bản: 16/03/2022 3:31:01 SA
Lượt đọc: 13195

 Le Paria (Người cùng khổ), tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập, xuất bản số đầu tiên ngày 1/4/1922, cách nay đúng 100 năm.

Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của Le Paria. Tờ báo do Hội Liên hiệp thuộc địa chủ trương xuất bản. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926) và xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa.

 

Măng sét số 1, báo Le Paria.

“Lời kêu gọi” đăng trên số báo đầu tiên đã chỉ rõ: “Trong lịch sử phong trào quần chúng bản xứ ở các thuộc địa của Pháp, chưa bao giờ có một tờ báo được lập ra để nói lên nỗi đau khổ và tình trạng cùng khốn chung của họ, bất kể là họ thuộc đất nước và giống nòi nào. Le Paria ra đời do sự đồng cảm sâu sắc của các đồng chí ở Bắc Phi, Tây Phi thuộc Pháp, Mađagátxca, Đông Dương, Ăngtiơ và Guyan”.   

Tố cáo bản chất chủ nghĩa thực dân Pháp, Le Paria phê phán sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại của Pháp đang là nạn nhân.

Báo kêu gọi những người bị áp bức đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ.

“Và bây giờ, đội ngũ đã sẵn sàng, các bạn da vàng, da trắng và da đen, hãy đặt mua báo của chúng tôi; hãy gửi cho chúng tôi tài liệu; hãy đứng bên cạnh chúng tôi; hãy ra sức ủng hộ chúng tôi, dù cho chúng tôi có gặp phải những luồng bão táp ngược chiều thế nào chăng nữa,” Tờ báo nhấn mạnh.

Le Paria khẳng định tôn chỉ, mục đích của mình là “sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu” với sứ mạng “giải phóng con người”.

Thời gian đầu xuất bản, cho dù có nhiều kẻ thù đe dọa, rình rập xung quanh, nhưng Nguyễn Ái Quốc trực tiếp viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm xã luận, bình luận, truyện ngắn, tin tức…. và vẽ cả tranh châm biếm, đả kích. Những bài viết của Người có lối văn giản dị, trong sáng và sinh động, nội dung súc tích, phong phú, có tính chiến đấu cao và gần gũi với quần chúng.

 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là linh hồn của báo Le Paria.

Bên cạnh đó, Nguyễn Ái Quốc còn in truyền đơn cổ động dân chúng mua báo của mình:

“Báo “Le Paria” là tờ báo của bạn! Báo dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra…, bạn đừng đợi gì mà không mua báo…, báo giúp bạn thoát khỏi nô lệ, báo sẽ phát hành sang các nước thuộc địa để dẫn dắt người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ “búa liềm” trong một phong trào quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột, mà chúng ta là những người “Cùng Khổ”.”

 

Lời kêu gọi đăng trên số 1, báo Le Paria.

Tờ truyền đơn khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa Cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc – sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui hòa bình hạnh phúc… Xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa… tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới, lao động tất cả các nước đoàn kết lại!”.

Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.

Nhân sự kiện 100 năm báo Le Paria xuất bản số đầu, Bảo tàng Báo chí Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức tọa đàm và trưng bày về tờ báo này. Với sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Pháp, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp, Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được trên 30 số Le Paria (bản số hóa) trong đó có số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922 và số cuối cùng (số 38) xuất bản 1/4/1926. Các số báo này sẽ được giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong sự kiện sắp tới.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải