song
100 năm báo “Người cùng khổ” và đóng góp của Nguyễn Ái Quốc cho các nước thuộc địa
Ngày xuất bản: 15/04/2022 8:00:19 SA
Lượt đọc: 8626

 Có thể nói, tờ báo “Người cùng khổ” là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành về mặt chính trị của Nguyễn Ái Quốc và những chí sĩ cùng chí hướng vào thời điểm đó.

 

Một bài báo Nguyễn Ái Quốc viết trên tờ Humanite

Cách đây 100 năm, ngày 1/4/1922, báo Le Paria (Người cùng khổ) ra số đầu tiên. Đây là tờ báo của Hội liên hiệp thuộc địa - một tổ chức đại diện cho những người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa của Pháp do Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng các nước thuộc địa sáng lập tại Pháp ngày 9/10/1921.

Sáng lập và làm báo “Người cùng khổ”, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã cùng các đồng chí của mình tạo ra “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”. Hiện nay, những tư liệu lịch sử về tờ báo Le Paria và quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian phát hành tờ báo này vẫn được lưu trữ tại các viện lưu trữ, các thư viện tại Pháp.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay những trang báo gốc của tờ báo “Người cùng khổ” còn lại rất ít, bởi vào thời điểm người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo này 100 năm trước, tờ báo còn thiếu thốn nhiều phương tiện kỹ thuật in ấn, tài chính để tổ chức lưu trữ một cách bài bản.

Tuy nhiên, dấu ấn lịch sử của tờ báo cũng như những nhân vật lịch sử làm nên tờ báo ngày đó, từ Nguyễn Ái Quốc đến các nhân vật khác trong nhóm “Ngũ Long” như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền thì vẫn còn hiện diện rất nhiều trong các kho lưu trữ tại Pháp.

Đầu tiên, có thể kể đến kho lưu trữ của Viện lưu trữ hải ngoại quốc gia Pháp (ANOM) ở thành phố Aix-en-Provence ở miền Nam nước Pháp. Tiếp đến là Thư viện Quốc gia Pháp Francois Mitterand ở thủ đô Paris.

Những tư liệu dưới dạng phim âm bản về tờ báo này cũng như các hoạt động cách mạng của Hội liên hiệp thuộc địa cũng được tìm thấy trong thư viện các trường Đại học lớn của Pháp như: Thư viện liên đại học Saint-Genevieve của trường Đại học Paris Sorbonne, Thư viện của trường Đại học Provence Aix-Marseille. Tờ báo “Người cùng khổ” gắn liền với tên tuổi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nên hiện nay, những tấm hình chụp tờ báo ngày đó cũng được lưu giữ và trưng bày tại không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil, ngoại ô phía Đông thủ đô Paris. Đây cũng chính là nơi lưu lại nhiều dấu mốc và kỷ vật quan trọng khác trong cuộc đời hoạt động cách mạng trên đất Pháp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Cột mốc đánh dấu sự trưởng thành về mặt chính trị của Nguyễn Ái Quốc

Vào khoảng năm 1918, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc quay trở lại Pháp sau nhiều năm bôn ba khắp thế giới để tìm hiểu về đời sống của nhân dân lao động, về phương thức cai trị của giới cầm quyền các nước, để từ đó tìm ra con đường phù hợp cho việc giải phóng dân tộc. Ngay khi quay lại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động rất tích cực trong các phong trào.

Các bản báo cáo của mật vụ Pháp ngày đó ghi nhận, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi quay lại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành cái tên nổi bật trong giới trí thức An Nam và giới trí thức các dân tộc thuộc địa tại Pháp. Năm 1919, sau khi xuất hiện tại Hội nghị Versailles để đưa bản yêu sách của nhân dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc đã bị ghi tên trong danh sách theo dõi chặt chẽ của mật thám Pháp. 

Ngày đó, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt hăng say tham gia vào các cuộc tụ họp, tranh luận chính trị của các đảng phái, của các nhân sĩ trí thức các nước, đặc biệt là các quốc gia thuộc địa. Chính từ những tranh luận này, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Liên hiệp thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc cũng như những thành viên sáng lập ý thức được rằng, để tập hợp lực lượng và để tiếng nói của mình được lắng nghe ngay tại nước Pháp, để người dân Pháp hiểu được những gì mà chính quyền thực dân Pháp đang làm ở các nước thuộc địa thì cần phải có một tờ báo, tức là một vũ khí truyền thông. 

Chính vì thế, ban đầu khi mới in những số đầu tiên, tờ báo ngoài tên tiếng Pháp là “Le Paria” (Người cùng khổ) còn ghi cả tên bằng tiếng Ả - rập, tiếng Hán. Có thể nói, tờ báo “Người cùng khổ” là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành về mặt chính trị của Nguyễn Ái Quốc và những chí sĩ cùng chí hướng vào thời điểm đó.

Trong tôn chỉ của tờ báo đã nêu ở số đầu tiên, tờ báo không chỉ là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn của những dân tộc thuộc địa, lên án sự lạm quyền cũng như các chính sách hà khắc, bóc lột của chính quyền thực dân mà còn là nơi để tập hợp lực lượng, kêu gọi đoàn kết đấu tranh cho sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của nhân dân các nước thuộc địa, hướng đến mục tiêu cao nhất là giải phóng con người. Đây có lẽ chính là mục tiêu cao cả nhất của những người làm báo, dù ở thời đại nào, đó là bên cạnh việc phản ánh hiện thực xã hội thì còn phải góp phần cải tạo xã hội theo hướng nhân văn tốt đẹp hơn.

Đóng góp rất lớn cho phong trào đấu tranh cách mạng tại các nước thuộc địa

Năm 1918, Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những công dân thuộc địa đầu tiên tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị Pháp khi gia nhập Đảng Xã hội. Đến tháng 12/1920, sau khi tham gia Đại hội Tours và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng tạo lập được vị thế của mình như là một chuyên gia về tình hình thuộc địa.

Tấm hình nổi tiếng Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours, bên cạnh là Paul-Vaillant Couturier, một trong nhân sĩ và lãnh đạo lớn nhất của Đảng Cộng sản Pháp sau này, hiện vẫn nằm trong số những bức tranh lịch sử quý giá nhất của những người Cộng sản Pháp.

Các tư liệu sau này cho thấy, chính Paul-Vaillant Couturier và những chính khách lớn khác của Đảng Cộng sản Pháp là những người bảo trợ để Nguyễn Ái Quốc cho ra đời báo “Người cùng khổ” và sau đó là tiếp tục mở đường cho việc Nguyễn Ái Quốc viết cho tờ báo “Nhân Đạo” (L’Humanité), một tờ báo lớn và là cơ quan ngôn luận của những người Cộng sản Pháp. 

Kho tư liệu của báo “Nhân đạo” hiện nay đang lưu giữ những bài viết đó, đồng thời ghi nhận tài năng báo chí đáng nể của Nguyễn Ái Quốc khi ông viết hơn 20 bài báo trên tờ “Nhân đạo” chỉ trong thời gian hơn 1 năm. Đa số các bài báo đó viết về tình hình tại Đông Dương nhưng Nguyễn Ái Quốc cũng viết về nhân dân ở các nước thuộc địa châu Phi, về phong trào công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các hoạt động báo chí này đã không chỉ giúp Nguyễn Ái Quốc xác lập được tầm ảnh hưởng, tập hợp được những người cùng chí hướng mà quan trọng hơn, như chính một bài Xã luận của báo “Nhân đạo” năm 2016 nhận xét, đó là Nguyễn Ái Quốc đã giúp chính tờ Nhân đạo ý thức rõ hơn được hai nhiệm vụ của mình: vừa là nhà tổ chức, vừa là nhà giáo dục. 

Về mặt tổ chức, vào thời kỳ đó, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh đến một tư duy rất mới, rằng cuộc đấu tranh của những công nhân Pháp phải có sự phối hợp và bổ sung với cuộc đấu tranh của những nhân dân thuộc địa. Trong mỗi bài báo trên tờ “Nhân đạo”, Nguyễn Ái Quốc đều kết luận bằng một lời kêu gọi là những người cộng sản Pháp phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thuộc địa. Với Đảng Cộng sản Pháp khi đó còn non trẻ, mặt trận chống chủ nghĩa thực dân này chính là một hướng đi cần được tổ chức.

Về mặt giáo dục, khi đó người dân Pháp đa phần đều không hiểu về tình hình tại các thuộc địa của Pháp. Theo Nguyễn Ái Quốc, sự thiếu hiểu biết này dẫn đến việc những người vô sản tại Pháp thờ ơ với các thuộc địa, còn người dân các nước thuộc địa thì nhìn tất cả người Pháp như nhau, đều là những kẻ bóc lột độc ác.

Chính sự thiếu hiểu biết lẫn nhau này sẽ bị các chính quyền thực dân khai thác, chia rẽ và làm suy yếu phong trào đấu tranh. Nguyễn Ái Quốc đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến này trên tờ “Nhân đạo” và điều này đã giúp cuộc đấu tranh của những người cộng sản quốc tế sau này đoàn kết, hiệu quả hơn.

Quãng thời gian hoạt động báo chí này, Nguyễn Ái Quốc đã có những đóng góp rất lớn cho phong trào đấu tranh cách mạng tại các nước thuộc địa, khiến vấn đề thuộc địa trở thành một mặt trận đấu tranh lớn trong phong trào cộng sản quốc tế, mở đường cho những thành công sau này./.

Theo Quang Dũng/VOV-Paris

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải