song
Ám ảnh từ một hủ tục ở vùng cao
Ngày xuất bản: 26/12/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 33713

 Cũng như nhiều đồng nghiệp làm báo khác, những chuyến đi vùng cao luôn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Vui có. Buồn có. Và có cả những ám ảnh khi phải chứng kiến những hủ tục của đồng bào vùng cao.

Năm 2014, khi đi thực hiện những chương trình “Kết nối yêu thương” nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, tôi được các cán bộ của phòng Lao động thương binh và xã hội đưa đến thăm, tặng quà rất nhiều em nhỏ mất cha, thiếu mẹ. Điều ám ảnh tôi là có những em mới chỉ lên tám, lên mười đã phải tự bươn trải cuộc sống khi không có cha mẹ ở bên. Hỏi ra mới biết, có 1 hủ tục của đồng bào Mông ở nhiều huyện vùng cao đó là khi người chồng mất, người phụ nữ Mông không được phép mang theo con đến nhà chồng mới. Họ quan niệm, lấy chồng mới thì phải là ma nhà chồng mới, con cái là ma nhà chồng cũ, không được phép theo mẹ. Chính vì thế, tại các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nhiều đứa trẻ đã trở thành mồ côi, ngay cả khi mẹ còn sống.

Phóng viên phòng Dân tộc – Đài PTTH tỉnh Yên Bái đang tác nghiệp (ảnh: Nguyễn Hoàng)

Theo chân của cán bộ phòng Lao động thương binh xã hội huyện, chúng tôi đến bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải. Bốn năm trước, bản này trở thành “Bản mất chồng” khi gần 20 người đàn ông trụ cột chính trong các gia đình ở bản bị tử nạn trong vụ sập mỏ đá. Và giờ đây, bản này có tên gọi mới là “Bản vắng mẹ” khi lần lượt những người phụ nữ mất chồng đi bước nữa.

Có 2 người con trai bị mất trong vụ sập mỏ đá năm 2012, giờ đây, ông Lý Chờ Dùa và bà Hảng Thị Chú ở bản Trống Páo Sang phải thay nhau chăm sóc và nuôi dưỡng 3 đứa cháu bởi 2 con dâu của ông đều đã đi lấy chồng ở bản xa. Vừa ôm đứa cháu chưa đầy 3 tuổi, ông Lý Chờ Dùa vừa buồn bã kể: “Ngày trước có 2 con trai đi làm kiếm tiền, 2 con dâu ở nhà chăm con và làm việc nhà. Nhưng từ ngày con trai mất, con dâu đi lấy chồng, 2 vợ chồng tôi vừa phải đi kiếm tiền, vừa phải trông cháu, vất vả quá. Giờ chúng tôi đều đã già cả rồi, chẳng biết sau này sẽ phải làm thế nào”.

Ở ngay gần nhà ông Dùa, bà Chú là ngôi nhà nhỏ bé của 3 chị em Lý Thị Sầu. Không may mắn được nương tựa vào ông bà, từ ngày mẹ đi lấy chồng, cô bé 14 tuổi Lý Thị Sầu phải trở thành mẹ của 2 đứa em nhỏ, 1 đứa lên 4 và 1 đứa mới chỉ 2 tuổi. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, giờ đây, mọi công việc trong gia đình đều do 1 tay Sầu gánh vác. Bỏ dở giấc mơ được cắp sách đến trường, em phải ở nhà để đi làm nương, làm rẫy và làm thuê kiếm tiền nuôi các em. Nhắc đến mẹ, cô bé Sầu không ngừng rơi nước mắt, em bảo em cũng muốn được đi học như các bạn nhưng từ ngày mẹ đi lấy chồng, không có ai chăm sóc em, không ai làm nương làm rẫy nên em phải nghỉ học, ở nhà vừa vất vả, vừa buồn tủi lắm.

Những người ông, người bà phải thay con nuôi cháu, những người anh, người chị phải thay mẹ chăm em và những mái nhà chỉ có trẻ thơ đã không còn là chuyện hiếm gặp ở các huyện vùng cao quanh năm mây mù bao phủ của tỉnh Yên Bái. Mấy năm gần đây, số đàn ông trong tuổi lao động của các huyện vùng cao chết do tai nạn lao động, do nghiện hút, tự tử gia tăng tỷ lệ thuận với số những mái nhà thiếu mẹ. Chỉ tính từ năm 2013 đến năm 2015, toàn tỉnh có tới hơn 300 trường hợp bố mất mẹ đi lấy chồng bỏ lại những đứa con thơ tội nghiệp không ai chăm sóc. Trước đây, những đứa trẻ bị bỏ rơi khi bố mất, mẹ đi lấy chồng, mỗi em còn được hưởng trợ cấp 180 nghìn đồng 1 tháng. Thế nhưng bắt đầu từ năm 2014, khi thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ cấp, trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nhóm trẻ bố mất, mẹ đi lấy chồng không còn được trợ cấp nữa. Mất đi nguồn trợ cấp duy nhất, hơn 300 đứa trẻ lại thêm một lần nữa bị “bỏ rơi” trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn.

Kỉ niệm những lần tác nghiệp vùng cao (ảnh: Nguyễn Hoàng)

Sinh ra ở bản vùng cao heo hút, thiếu đói quanh năm vốn đã thiệt thòi, nay, những đứa trẻ bị bỏ rơi vì 1 hủ tục  lại thiệt thòi hơn khi phải đánh mất tuổi thơ của mình vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Nhưng thiếu thốn về vật chất không làm các em buồn và lo lắng bằng những thiếu thốn về tình cảm khi giờ đây, các em không còn được yêu thương trong vòng tay cha mẹ.

Chuyến đi thực tế ấy khiến tôi vô cùng ám ảnh. Những thân phận người phụ nữ Mông sống phụ thuộc, những đứa trẻ ngây thơ bị bỏ rơi… tất cả đều bắt nguồn từ 1 hủ tục. Tôi nhớ đến 1 câu ngạn ngữ của người Nga: “Đứa trẻ không có bố không phải là mồ côi, đứa trẻ không có mẹ mới là mồ côi”.  Người Việt cũng nói: “Sẩy cha ăn cơm với cá, sẩy mẹ lót lá mà nằm”. Tình mẫu tử dường như chẳng có gì chia cắt nổi ấy, giờ đây lại bị chia cắt bởi 1 hủ tục của người Mông. Vì thế, với những đứa trẻ mồ côi ngay cả khi còn mẹ, nỗi đau lại càng thêm day dứt.

Trở về từ chuyến đi ấy, chúng tôi đã xây dựng 1 phóng sự về đề tài này với tên gọi “Khát mẹ”. Phóng sự tham gia dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 năm 2015 đã may mắn đạt giải bạc. Với thông điệp: Không chỉ khát mẹ, những đứa trẻ mới lên 8, lên 10 phải tự bươn trải cuộc sống này còn đang khát cả những chính sách phù hợp với cuộc sống của các em, phóng sự  “Khát mẹ” đặt câu hỏi: Làm thế nào để những mái nhà ở các bản làng vùng cao này bớt đi được những tiếng khóc trẻ thơ đòi mẹ, bớt đi cảnh mồ côi ngay cả khi mẹ còn sống? Và chúng tôi biết, câu trả lời chỉ có khi những hủ tục lạc hậu sẽ mất đi và những chính sách phù hợp hơn với đồng bào sẽ đi vào cuộc sống.

Hải Đăng

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải