song
Báo Yên Bái 55 năm nhìn lại
Ngày xuất bản: 03/11/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 85611

 Chặng đường 55 năm của Báo Yên Bái so với lịch sử báo chí Việt Nam chưa phải là dài. Nhưng thời gian ấy cũng đủ để chúng ta nhìn nhận một cách đầy đủ về vai trò và tác động của hệ thống báo Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ, phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn năm 1986.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị năm 1962 về việc xuất bản tờ báo của Đảng bộ các tỉnh, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái - Cơ quan của Đảng bộ tỉnh Yên Bái xuất bản số đầu tiên, mở đầu cho sự nghiệp báo chí ở địa phương. Năm 1962, tỉnh Nghĩa Lộ được thành lập thì năm 1963, Báo Nghĩa Lộ cũng ra đời. Trong 55 năm qua, được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự ủng hộ nhiệt thành của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ người làm báo, Báo Yên Bái, Báo Nghĩa Lộ và Báo Hoàng Liên Sơn đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình.

Chúng ta có thể nhìn nhận sự phát triển của tờ báo Đảng qua mỗi thời kỳ cách mạng của đất nước. Trước hết là thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tờ báo của Đảng bộ tỉnh ra đời vào đúng thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc hòng cứu vãn những thất bại nặng nề của chúng ở miền Nam Việt Nam. Khẩu hiệu hành động của chúng ta là kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Đội ngũ báo chí lúc đó còn ít ỏi, mỗi tờ báo có trên dưới mười người kể từ Tổng Biên tập đến cấp dưỡng, tất cả đều hăng hái đến các trận địa phòng không của bộ đội, các tổ dân quân trực chiến trên đỉnh núi cao sẵn sàng đánh trả máy bay phản lực Mỹ bằng vũ khí có trong tay; vào nhà máy, xuống ruộng đồng động viên mọi người vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Khẩu hiệu "tay cày, tay súng”, "tay búa, tay súng”, "thóc không thiếu một cân”, "quân không thiếu một người”, "địch phá ta sửa ta đi”, "địch lại phá, ta lại sửa ta đi”, đó không chỉ là khẩu hiệu hành động của toàn quân, toàn dân mà đó là hành động của chính các nhà báo.

Trong cuộc chiến đấu ấy nhà báo Phạm Như Đại đã hy sinh vì bom Mỹ trong khi đang tác nghiệp tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu và anh đã xứng đáng trở thành liệt sỹ. Những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, sản xuất, trong xây dựng hậu phương lớn, trong chi viện sức người sức của cho miền Nam là đề tài xuyên suốt, có sức cổ vũ to lớn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, nước nhà thống nhất, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, ba tờ báo Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai sáp nhập thành tờ Báo Hoàng Liên Sơn.

Quy mô tờ báo lớn hơn, đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên nhiều hơn, đó là thuận lợi mới để cơ quan báo chí hoạt động. Nhưng cũng phải nói rằng, đây là thời kỳ không chỉ có thuận lợi mà còn có rất nhiều khó khăn. Thuận lợi là được cổ vũ bằng chiến thắng mang tính lịch sử đất nước nhưng chiến tranh cũng để lại hậu quả rất nặng nề, kinh tế đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, hàng hóa khan hiếm, đời sống khó khăn thiếu thốn mọi bề.

Trong bối cảnh ấy các nhà báo luân phiên nhau người đi viết báo, người đi trồng ngô, trồng sắn để tự túc một phần lương thực. Khó khăn như thế nhưng các nhà báo vẫn hăng hái đi cơ sở, bám sát thực tiễn, đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua những trang báo của mình, khơi gợi được nhiều nhân tố mới, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, tự mình giải quyết khó khăn cho mình, không trông chờ, ỷ lại.

Năm 1979, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra trên toàn tuyến biên giới với mức độ hết sức khốc liệt. Cũng vẫn những nhà báo ấy, một lần nữa lại nối tiếp nhau ra mặt trận. Tất cả phóng viên, biên tập viên đến cả Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập đều xin được nhận tấm thẻ "Phóng viên mặt trận” đúng với tinh thần "cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”, để được lên biên giới sát cánh cùng bộ đội, dân quân đánh bại quân xâm lược với cả tấm lòng quả cảm như nhà báo Bùi Nguyên Khiết viết trong thư gửi về tòa soạn: "Làm phóng viên lúc này mà không lao vào đây thì mình không thể chịu nổi. Đánh địch "bằng mồm” quả dễ hơn đánh địch dưới tầm hỏa lực của nó. Chết mình cũng đi. Chết mình cũng phải viết một cái gì về những ngày này”.

Ngày 17/2/1979, Bùi Nguyên Khiết đã đổi bút lấy súng đánh địch ở chốt Lao Pao Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Và anh đã hy sinh trên chiến hào trong trận chiến ấy, anh đã trở thành liệt sỹ, người con bất tử của Tổ quốc, niềm kiêu hãnh của những người làm báo. Cùng với anh, trong cuộc chiến tranh biên giới nhiều nhà báo đã được cấp bằng khen, nhiều tác phẩm báo chí viết về chiến tranh biên giới được nhận giải thưởng cao.
Nền kinh tế của đất nước sau mấy chục năm chiến tranh ác liệt rất khó khăn. Đã có lúc Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư đã phải đặt lên bàn nghị sự tìm cách giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu và cả nguồn tài chính để báo tiếp tục hoạt động. Kỳ lạ thay, trong những thời điểm như thế, đội ngũ những người làm báo không một ai tỏ ra bi quan, không một ai rời bỏ vị trí của mình trên mặt trận báo chí.

Trái lại, anh chị em càng đoàn kết gắn bó với nhau cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Chính thời điểm này, Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập đã thai nghén ý tưởng phải tìm mọi cách để có một nhà máy in trong tay để chủ động khắc phục căn bệnh trầm kha là tờ báo thường xuyên ra chậm. Từ ý tưởng đó, được Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ, cơ quan báo đã thành lập được xưởng in của mình vào năm 1984.

Sau một quá trình tìm tòi, suy nghĩ trước thực trạng nền kinh tế suy thoái trầm trọng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa IV (1979) đã đề ra được chủ trương và quyết tâm làm cho sản xuất bung ra, khuyến khích lưu thông, khuyến khích mọi người tận dụng ao hồ, ruộng đất hoang hóa để sản xuất, chăn nuôi; điều chỉnh những chủ trương, chính sách kinh tế, phá bỏ rào cản mở đường cho sản xuất phát triển. Hơn một năm sau, tháng 1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các HTX nông nghiệp.

Nắm bắt kịp thời những khâu đột phá trong chủ trương và chính sách kinh tế, Báo Hoàng Liên Sơn vừa truyền tải những chủ trương, chính sách mới đến cán bộ, đảng viên cơ sở vừa tung một lực lượng lớn phóng viên về các địa phương xây dựng và phát hiện những nhân tố mới tận dụng lao động, đất đai phát triển sản xuất chăn nuôi.

Đặc biệt là các nhà báo đã nghiên cứu, chỉ ra được những yếu kém đã kìm hãm sản xuất, cản trở lưu thông, đồng thời khuyến khích các hợp tác xã thực hiện khoán sản phẩm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh dứt khoát xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sang cơ chế hạch toán.

Có thể nói, báo chí đã góp một phần đáng kể tạo nên một luồng sinh khí mới trong nông thôn cũng như trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong một thời gian dài, báo chí đã tạo nên hàng loạt các tác phẩm có chất lượng cao mang tính điển hình như thực trạng yếu kém trong quản lý và tác động thiết thực của khoán sản phẩm ở Văn Chấn, Trấn Yên, Bảo Thắng. Nhiều tác phẩm đạt được giải cao của Hội Nhà báo Việt Nam, của ngành nông nghiệp.

Những thực tiễn phong phú được báo chí phát hiện và khẳng định cũng chính là những tiền đề để Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Tháng 10/1991 khép lại 15 năm hoạt động của báo Hoàng Liên Sơn. Đây là thời kỳ gian khổ nhất nhưng cũng chính là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của báo chí, nó đánh dấu một bước ngoặt thật sự về chất lượng của tờ báo cả về nội dung lẫn hình thức của báo Đảng địa phương.
Năm 1991, tờ Báo Yên Bái được tái lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Báo Yên Bái nối tiếp truyền thống của báo Hoàng Liên Sơn, báo Yên Bái trước đây đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Đây là thời kỳ cả nước bắt tay vào thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng.

Với đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trưởng thành qua thực tiễn và những nhà báo trẻ được đào tạo bài bản, giàu nhiệt huyết và hoài bão đã đi sâu vào thực tiễn, phản ánh một cách toàn diện, sâu sắc mọi mặt của đời sống.

Đặc biệt, Báo đã đi sâu vào lĩnh vực phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Báo đã động viên cổ vũ rất hiệu quả cho phong trào xây dựng nông thôn mới; học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Báo Yên Bái rất coi trọng việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và của tỉnh với nhiều hình thức sinh động và trí tuệ, thật sự đã trở thành cầu nối giữa Đảng với nhân dân, trở thành phương tiện kết nối toàn xã hội. Biết nắm bắt sự phát triển của công nghệ thông tin tiên tiến và hiện đại, Báo Yên Bái đã nhanh chóng trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Từ một tờ báo in, trong vòng 10 năm nay, Báo đã phát triển cả Báo Yên Bái điện tử, truyền hình Internet, đó là phương tiện truyền thông đầu tiên chuyển tải hình ảnh và âm thanh sống động ra toàn quốc, toàn cầu, xâm nhập vào tư tưởng, tình cảm của mỗi người ở mọi nơi, mọi lúc.

Có thể nói được rằng, đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Báo Yên Bái về các loại hình truyền thông hiện đại. Từ khởi đầu tờ báo in 4 trang, xuất bản hàng tuần, ngày nay, Báo Yên Bái (báo in) đã đưa lên 12 trang và được xuất bản tất cả các ngày làm việc trong tuần, gần như đã trở thành nhật báo.

Những ngày đầu thành lập, mỗi tờ báo chỉ có trên dưới 10 người kể cả kế toán, thủ quỹ đến cấp dưỡng. Hầu hết phóng viên, biên tập viên là từ các ngành khác chuyển đến, chỉ có vài ba người được đào tạo, bồi dưỡng từ Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương.

Ngày nay, đội ngũ các nhà báo đông đảo gấp nhiều lần. Đa số anh chị em được đào tạo chuyên ngành báo chí, có trình độ đại học, nhiều người có văn bằng đại học thứ hai, có người có trình độ cao học. Họ là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng làm báo thuần thục, có nhiệt huyết và hoài bão. Bên cạnh các nhà báo tài năng, từng trải qua thực tiễn phong phú, có bề dày kinh nghiệm là một lớp nhà báo trẻ được đào tạo có bài bản, hăng hái, nhiệt tình, được trang bị phương tiện hành nghề tiên tiến.

Với đội ngũ những người làm báo có chất lượng cao, họ đã làm nên diện mạo và bản sắc mới để Báo Yên Bái trở thành một tờ báo hấp dẫn, có uy tín với người đọc, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc.

Có thể nói, 55 năm là một mốc son đánh dấu sự phát triển vượt bậc của hệ thống báo Đảng địa phương, sự cống hiến không mệt mỏi của thế hệ các nhà báo trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.

Nguyễn Bội Đông  - nguyên Tổng biên tập Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải