song
Báo chí Cách mạng Việt Nam - Chuyện những ngày đầu Từ Thanh Niên, Báo chí Cách mạng được khai sinh…
Ngày xuất bản: 21/06/2023 1:54:07 SA
Lượt đọc: 4604

 Ngày 21/6/1925, tờ báo mang tên Thanh Niên đã ra đời, mang trên mình sứ mệnh “làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể”. Và cũng chính từ Thanh Niên, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam chính thức được khai sinh…

Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện” - từ khẳng định ấy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 21/6/1925, tờ báo mang tên Thanh Niên đã ra đời, mang trên mình sứ mệnh “làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể”. Và cũng chính từ Thanh Niên, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam chính thức được khai sinh…

Từ nỗi đau “Có miệng không được nói, có tư tưởng không được giãi bày”

“...Có miệng không được nói, có tư tưởng không được giãi bày, đó là cái số kiếp của 25 triệu đồng bào ta. Lịch sử báo giới ta trải qua mấy chục năm nay, những người làm báo hoàn toàn là những người miệng câm, tai điếc. Họ là những người chính phủ Pháp đào tạo cho báo giới ta. Mỗi khi ta cầm đến ngòi bút, cầm đến tờ báo, không khỏi bầm gan tím dạ, thẹn ruột đau lòng!”. Đó là những lời mang đậm vẻ ca thán được nhà văn hóa, nhà sử học, nhà báo Trần Huy Liệu - một trong những trí thức Việt Nam tiêu biểu ở thế kỷ XX - viết ra để cáo biệt độc giả vào thời điểm Pháp Việt nhất gia - tờ báo mà ông là người sáng lập, từng góp phần vạch trần chủ trương “Pháp Việt đề huề” của Đảng lập hiến do Bùi Quang Chiêu làm lãnh tụ, bị đình bản năm 1927 và bản thân ông bị bắt tù 6 tháng tại khám lớn Sài Gòn với tội danh có chân trong tổ chức yêu nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.

“Cái cực khổ của người An Nam đã hết mức rồi! Không có dân nước nào mà khổ sở như vậy. Đồng bào ơi! Quyền tự do là trời cho mình. Người mà không được tự do thà rằng chết. Tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng Tây nó nhốt người mình đó. Đồng bào ơi! (Báo Thanh Niên số 63 ngày 3/10/1926).

Đúng như lời chủ bút Trần Huy Liệu, “lịch sử báo giới ta trải qua mấy chục năm nay”, từ trước tờ Pháp Việt nhất gia rất lâu, khoảng cuối thế kỷ 19, lịch sử báo chí nước nhà đã ghi nhận sự hiện diện của rất nhiều ấn phẩm báo chí xuất bản trên đất Việt Nam. Trong đó, giai đoạn trước 1881, báo chí ở Việt Nam có báo chữ tiếng Pháp như công báo Le Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo - BOEC) , Courrier de Saigon (Tin tức Sài Gòn) …, báo chữ Hán như Xã thôn công báo (Le Bulletin des Communes)… Nhưng phải đến tờ Gia Định báo (1865-1909), lịch sử báo chí mới ghi nhận đây là tờ báo chữ quốc ngữ (tiếng Việt) đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng là đầu tiên của cả nước. Dù vậy, Gia Định báo thực chất là một cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật do chính quyền thực dân Pháp lập ra ở thuộc địa Nam Kỳ, tham gia viết Gia Định báo toàn là công chức công tác phục vụ cho chính quyền thực dân Pháp.

Sau Gia Định báo, trong mấy thập niên cuối thế kỷ 19, thêm nhiều tờ báo xuất hiện nhưng những tờ báo xuất bản bằng tiếng Việt rất ít ỏi. Sang những năm 1920 của thế kỷ 20, báo chí bằng tiếng Việt có bước phát triển rõ rệt, cho dù số lượng báo tiếng Pháp xuất bản ở Việt Nam vẫn chiếm ưu thế. Theo nhiều tài liệu, Từ 1865 đến cuối năm 1918, có khoảng hơn 20 tờ báo tiếng Việt xuất bản trong cả nước, gồm các tờ như: Gia Định báo (1865-1910), Nhật trình Nam Kỳ (1883 - ?), Thông loại khóa trình (1888-1889), Đại Nam Đăng cổ tùng báo (1892-1907), Phan Yên báo (1898-1899), Nông cổ mín đàm (1901- 1924), Đại Việt tân báo (1905-1908), Nhật báo tỉnh (1905 -?), Lục tỉnh tân văn (1907-1944), Nam Kỳ địa phận (1908-1943), An Hà nhật báo (1917- 1933), Đông Dương tạp chí (1913-1919), Trung bắc tân văn (1913-1941), Công luận báo (1916-1939), Nam trung nhật báo (1917-1921), Nam Phong tạp chí (1917-1934), Nam Việt tế gia nhật báo (1917-1918), Đại Việt tập chí (1/1918-7/1918), Nữ Giới Chung (2/1918-7/1918), Quốc dân diễn đàn (10/1918-10/1919), Đèn nhà Nam (12/1918-1/1919)... Sau đó, những năm 1923-1926, có thể xem là giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ của báo chí Nam Kỳ với những tờ báo như Jeune Annam (An Nam trẻ), La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè), L’Indochine (Đông Dương), Pháp Việt nhất gia, Đông Pháp thời báo…

Điều dễ dàng ghi nhận nhất với báo chí Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, là dù vẫn còn nhiều tờ báo nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Ngu Ý là giai đoạn lệ thuộc (do người Pháp chủ trương) cũng đã dần xuất hiện những tờ báo dám cất lên tiếng nói phản kháng của một dân tộc bị áp bức, bị đô hộ, dám bộc lộ lập trường rõ ràng và táo bạo, dám tạo ra những cuộc đối đầu công khai với chế độ thực dân cho dù nhiều chủ bút liên tục bị chính quyền bắt bớ, nhiều tờ báo bị yêu cầu đình bản. Nổi bật trong đó là La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) khi công khai tuyên ngôn trên mặt báo: La Cloche Fêlée tức quả chuông rè, nhạc cụ có âm thanh nghịch tai này sẽ luận chiến cho đến khi bị đập tan nát… Dẫu biết rằng có thể sẽ bị tống vào tù nhưng chúng tôi không hề e sợ… Với cương lĩnh rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng sống chết với nó như đã từng và chấp nhận hy sinh mọi thứ cho tương lai… Cho dù, rốt cuộc, bởi sự đàn áp, chống phá quyết liệt của chính quyền thực dân, La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) cũng phải chịu cảnh đình bản.

 

“Thanh Niên” - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.

... Có miệng không được nói, có tư tưởng không được giãi bày” - lời cảm thán của ông Trần Huy Liệu là từ thực trạng ấy của báo chí Việt Nam thời kỳ đó. Và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, năm 1924, dù ở xa đất nước hàng vạn dặm, cũng đã phải thốt lên: “Giữa thế kỷ 20 này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Chính quyền Pháp quyết định, không một tờ báo tiếng An Nam được xuất bản nếu không được toàn quyền cho phép... Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và một số nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca ngợi công ơn của nền khai hóa ra ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Ðông Dương cũng có đến ba hay bốn tờ đấy”.

Sự cấp thiết phải có tờ báo cách mạng

Ngay từ khi còn hoạt động trên nước Pháp, với tinh thần: Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng xúc tiến công việc chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một đảng cộng sản ở một xứ thuộc địa để có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, Người cũng nhận diện rất rõ thời điểm những năm 20 của thế kỷ XX, chưa thể thành lập được Đảng Cộng sản ở Việt Nam bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết phải xây dựng những hạt nhân đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, và họ sẽ truyền bá những quan điểm, học thuyết Mác - Lênin vào Việt Nam, giúp quần chúng nhân dân đặc biệt là giai cấp công nhân Việt Nam hiểu được sứ mệnh và trách nhiệm lịch sử trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Từ quan điểm đó, tháng 6/1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc cùng với nhóm thanh niên “Cộng sản đoàn” quyết định thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để mở rộng tổ chức và chuẩn bị gây cơ sở trong nước. Cũng ngay thời điểm đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập một tổ chức chính trị như mong muốn là cần phải thành lập ngay một tờ báo làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, không có báo thì không thể chuyển tải được các chủ trương, quan điểm đến tận các tổ chức cơ sở, các hội viên, đặc biệt là trong điều kiện hoạt động bí mật và điều quan trọng hơn, tờ báo ấy – theo quan niệm của Lenin sẽ như một bộ phận của cái lò rèn khổng lồ thổi cho mỗi tia lửa của cuộc đấu tranh giai cấp và của sự phẫn nộ trong nhân dân bùng lên thành một đám cháy lớn.

Thanh Niên và sứ mệnh lịch sử

Và tờ báo lĩnh sứ mệnh lịch sử “thổi bùng sự phẫn nộ thành đám cháy lớn” ấy đã gọi tên Thanh Niên.

Ngày 21/6/1925, sau thời gian nỗ lực chuẩn bị của Nguyễn Ái Quốc, số báo đầu tiên của tuần báo Thanh Niên ra đời. Là cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Ái Quốc chọn tên tờ báo là Thanh Niên. “Trụ sở tòa soạn” là ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250), đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Đây cũng là nơi thành lập và là trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Báo phát hành vào ngày chủ nhật hàng tuần, khổ khoảng 18 x 24cm, có số 4 trang, số 2 trang, viết bằng bút sắt trên giấy sáp. Trên mặt báo có các mục: xã luận, bình luận, phụ nữ đàm, vấn đáp, thơ ca, phê bình, trả lời bạn đọc… Báo Thanh Niên thời gian đầu ra một tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần. Măng sét của báo viết hai chữ Thanh niên bằng Hán văn và Việt văn. Số mỗi tờ báo viết trong ngôi sao năm cánh.

 

Căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

“Cách mệnh là sự biến đổi xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức được giải phóng, trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng con đường cách mệnh thì mới có thể tiến tới hình thành được một chính thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn” (Báo Thanh Niên số 2 ngày 28/6/1925).

Nội dung chính trị cơ bản của Báo Thanh Niên là: Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hoà được; Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; Người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng; Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga mới giành thắng lợi. Trên các số báo, hầu hết các bài đều có mục đích khơi sâu lòng căm thù quân cướp nước, kích thích tinh thần độc lập dân tộc và lòng ái quốc để cổ vũ nhân dân nổi dậy làm cách mạng.

Không chỉ là người sáng lập, Nguyễn Ái Quốc còn là cây bút chủ lực của tờ Thanh Niên, viết rất nhiều tin bài cho tờ báo. Người vẽ cả tranh phê bình, châm biếm cho tờ báo. Trên báo người ta thấy nhiều bút danh khác nhau của Nguyễn Ái Quốc: Hạ Sĩ, Đội trưởng, Hương Mộng, HT, HL… Ngoài Nguyễn Ái Quốc còn có các cộng sự tích cực là các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh... Các tác giả bài viết và những người thực hiện tờ báo đều cố gắng sử dụng những từ ngữ giản dị, quen thuộc, dễ hiểu nhất có thể để chuyển tải trọn vẹn thông tin tới bạn đọc.

Chỉ từ ba đến năm tuần sau khi ấn hành, Báo Thanh Biên được chuyển đến Hồng Kông (Trung Quốc), Thượng Hải để từ đó chuyển về nước bằng hệ thống giao liên bí mật trên các tuyến tàu thủy. Công việc chuyển báo do các thủy thủ người Việt yêu nước đảm nhận. Báo được bí mật đưa về lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, trong những người có cảm tình với Hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Trung Quốc. Ở Việt Nam, các số báo Thanh Niên được các cơ sở cách mạng chép tay thành nhiều bản rồi chuyền tay nhau cho các đồng chí của mình đọc và truyền đạt tới nhân dân. Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội ở trong nước còn dùng tờ báo để vận động, tuyên truyền, giác ngộ và huấn luyện kết nạp hội viên.

Cần phải nói ngay rằng tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc báo Thanh Niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần để cho người khác đọc” - Chánh mật thám Pháp tại Đông Dương Louis Marty nhận xét. Cũng chính Louis Marty, trong báo cáo gửi Bộ Thuộc địa Pháp đã nhận xét: Người chủ tờ báo này tỏ ra hết sức khôn ngoan, suốt 60 số đầu, không hề để lộ tính cách Mácxít của tờ báo mình, chỉ nói chuyện yêu nước, dân tộc và lòng căm thù chế độ thuộc địa của chúng ta, để rồi từ số 61 (ngày 18/12/1926), ông ta dẫn bạn đọc đến kết luận: muốn giành được độc lập, không có con đường nào khác là theo Lê-nin và Quốc tế III, lập Đảng Cộng sản…

Báo Thanh Niên được xuất bản đều đặn được 88 số (kỳ) cho đến tháng 4/1927 khi tình hình cách mạng Trung Quốc có nhiều biến chuyển bất lợi, những hoạt động cách mạng của Việt Nam trên đất Trung Quốc phải chuyển vào bí mật. Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời khỏi Quảng Châu đến Vũ Hán rồi đi Liên Xô. Khi Tổng bộ Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí hội chuyển đến Hồng Kông, Báo Thanh Niên tiếp tục xuất bản ở đây, nhưng khoảng cách thời gian giữa các kỳ không đều và lưu hành cũng bí mật hơn vì bị mật thám Pháp theo dõi cùng sự trấn áp gắt gao của chính quyền sở tại. Các kỳ báo cuối cùng không được in trên giấy sáp mà xuất bản dưới hình thức những trang đánh máy. Cho đến cuối năm 1929, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ngừng hoạt động, báo cũng ngừng xuất bản.

Hiện nay, di tích ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250), đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - nơi ra đời số báo Thanh niên đầu tiên rất được coi trọng, quan tâm, đầu tư, cải tạo nhiều lần. Từ năm 1971, Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ địa chỉ này làm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Cách mạng Quảng Đông.

Với tổng cộng khoảng 200 kỳ báo đã được xuất bản, so với các báo công khai khác của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939): Dân chúng ra được 80 số, Báo Lao động ra được 30 số, Báo Tiền phong chỉ ra được 8 số, báo Thanh Niên xuất bản được nhiều số nhất. Báo Thanh Niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: trở thành kim chỉ nam cho những thanh niên Việt Nam yêu nước thời kỳ này, đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của các nhóm cộng sản vào cuối năm 1929 và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Như Nguyễn Ái Quốc với bút danh “Diệu Hương” đã viết trong bài thơ in ở Báo Thanh Niên số 64: “Đã làm cách mạng chớ lôi thôi/Cách mạng thì ta cách đến nơi/ Trước phải giành quyền cho cả nước,/Sau ra cách mạng cả bầu trời”.

Và hơn thế nữa, sau Báo Thanh Niên mở đường, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lập ra báo Kông Nông (1926), báo Lính Kách Mệnh (1927), chính thức khơi dòng chảy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nói, tờ báo Thanh Niên đã mở ra một dòng báo chí mới - Báo chí Cách mạng Việt Nam - là vì lẽ đó.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải