song
Báo chí góp phần làm sáng tỏ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng
Ngày xuất bản: 23/05/2018 1:35:42 SA
Lượt đọc: 30457

 Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, công cuộc đổi mới ở nước ta tiếp tục được diễn ra toàn diện trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; từ tư duy đến chính sách, hiện thực xã hội. Trên mỗi lĩnh vực, đổi mới đã tạo ra những nhận thức mới, chính sách mới làm cho thực tiễn thay đổi theo hướng tích cực. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đã được báo chí ghi nhận, phản ánh một cách khách quan, trung thực, góp phần làm sáng tỏ đường lối cùng những bước đi đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân trên con đường đi tới tương lai ngày càng tươi sáng hơn.

 Nhìn tổng thể trên các báo, tạp chí trong 2 năm qua, đặc biệt là trong năm 2017, đã thể hiện rõ những bước đi cụ thể, sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” với nhiều giải pháp nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế; thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Vừa tuyên truyền, cổ vũ nhân tố mới, điển hình mới, với tinh thần chiến đấu cao, báo chí nước ta cũng đã thẳng thắn phê bình, chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm trên tất cả mọi lĩnh vực, giúp Đảng, Nhà nước tìm ra biện pháp khắc phục sửa chữa. Là người làm báo Việt Nam, chúng ta càng thêm  tự hào vì đã làm tốt chức năng tuyên truyền, xứng đáng là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng. Về nhận thức, trong năm 2018, vấn đề cốt lõi của báo chí là phải tiếp tục tuyên truyền, quảng bá thành tựu sự nghiệp đổi mới đất nước với những bài học kinh nghiệm được rút ra dưới nhiều góc cạnh và hình thức đa dạng, phong phú. Trước hết, báo chí phải làm thật tốt công tác tuyên truyền về Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Khóa XII cùng Nghị  quyết kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIV, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng với các tiêu chí vững vàng về chính trị; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, kể cả trong Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể; không dao động trong bất cứ tình huống nào; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân,... vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, nhất là cấp uỷ cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật và những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, công khai kết quả xử lý. Vấn đề quan trọng tiếp theo là phải tuyên truyền thật tốt sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.  Đại đoàn kết toàn dân tộc được coi là động lực chủ yếu bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, sức mạnh của nhân dân được nâng lên khi được quy tụ, tổ chức, có sự lãnh đạo thống nhất, sự nỗ lực của mỗi thành viên hướng vào cùng một mục tiêu. Cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đó là lợi ích chung của cả cộng đồng, vì “Một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xây dựng đại đoàn kết gắn với đồng thuận xã hội, trong đó đồng thuận vừa là phương thức vừa là mục tiêu của đại đoàn kết. Dân chủ XHCN được coi là bản chất của chế độ XHCN ở nước ta, vừa là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy dân chủ là động lực của phát triển đất nước vì có xây dựng, thực hiện dân chủ mới phát huy hết tiềm năng sáng tạo, động viên tính tích cực, chủ động của nhân dân giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Trong thực hiện dân chủ, kết hợp hài hòa, đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên; toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; trong Đảng, trong xã hội. Kết hợp hài hòa lợi ích xã hội, tập thể và cá nhân, quan tâm lợi ích thiết thân của con người. Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, cả hai lĩnh vực này đều liên quan đến yếu tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao - chủ thể trong phát triển kinh tế tri thức. Nhận thức giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là động lực phát triển đất nước chính là nhận thức đúng bối cảnh thời đại - sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ; coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đây cũng là một trong những giải pháp đột phá chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 do Đại hội XII của Đảng đề ra.

Đại hội lần thứ XII của Đảng

Trong công tác tuyên truyền cần đi sâu khai thác những mô hình, tìm ra các giải pháp nhằm nâng sự đồng đều về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng các thành quả phát triển đất nước giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, vùng miền. Trong đó, không để giai cấp công nhân, nông dân, những người làm công ăn lương, người sống ở vùng sâu, vùng xa phải chịu nhiều thiệt thòi. Cần tiếp tục tham gia đấu tranh phát hiện, xử lý, nghiêm trị, loại bỏ, không khoan nhượng, đưa ra khỏi bộ máy tổ chức những cán bộ, đảng viên tham nhũng, thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Điều chỉnh kịp thời, hợp lý các chính sách của Nhà nước liên quan đến việc thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí xung đột cục bộ nảy sinh; khắc phục những bất cập về chính sách thu hút nhân tài đối với người Việt Nam ở nước ngoài có tác động tích cực đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo chí cũng cần tuyên truyền, biểu dương, cổ vũ việc thực hiện, phát huy dân chủ đi đôi với việc phê phán các biểu hiện dân chủ hình thức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo ra các nhân tố thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, phát huy tối đa sự sáng tạo của quần chúng nhân dân. Việc phân bổ tài nguyên và các nguồn lực quốc gia cần phải dựa trên năng lực và khả năng tối ưu hóa cho phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, kiên quyết xóa bỏ “lợi ích nhóm”, khuyến khích các nhà đầu tư, tăng thêm các nguồn lực của đất nước. Để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, phải nhận thức và phát huy tốt hơn nữa các động lực, ngăn ngừa, đẩy lùi các trở lực, bắt đầu từ xây dựng và vận hành có hiệu quả một thể chế chính trị dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân. Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn. Trước mắt tập trung xử lý hiệu quả tình trạng lũ lụt, hạn hán, sạt lở bãi sông, bãi biển, xâm nhập mặn và triều cường,... đang tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Cùng đó, cần phải tuyên truyền thật tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách đồng đều, trong đó có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là thực hiện chủ trương bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Lê Văn Thiềng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải