song
Báo chí góp phần tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Ngày xuất bản: 30/06/2020 2:05:35 SA
Lượt đọc: 17544

Tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của báo chí. Hệ thống Chính trị mạnh, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành mạnh, dẫn tới các nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đều thành công và đạt hiệu quả cao.

Hệ thống chính trị ở nước ta là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thiết lập theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, bao gồm các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống Chính trị nước ta được hình thành từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, được phát triển, thử thách trong quá trình cách mạng Việt Nam và đã được khẳng định bởi những tác dụng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Hiện nay, hệ thống chính trị nước ta đã phát triển thành có hệ thống tổ chức to lớn, bao trùm toàn bộ toàn bộ xã hội từ trung ương đến địa phương. Lịch sử đã chứng minh, trước kia, ngày nay và mãi mãi về sau, chức năng lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là bất di, bất dịch, không thể thay thế. Đảng là đại biểu cho ý chí và lợi ích thống nhất của các dân tộc; đảm nhận tốt vai trò, khả năng tập hợp quần chúng lao động  để thực hiện lý tưởng của Đảng, nhân dân tự nguyện đi theo Đảng, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta đều lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Các quan điểm và nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều được tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta vận dụng, ghi rõ trong hoạt động của từng tổ chức. Hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là nhân tố cơ bản đảm bảo cho hệ thống chính trị có được sự thống nhất về tổ chức và hành động nhằm phát huy sức mạnh đồng bộ của toàn hệ thống cũng như của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị bảo đảm sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân, tính dân tộc rộng rãi. Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Giang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đây là đặc điểm khác biệt căn bản của hệ thống chính trị ở nước ta với hệ thống chính trị của các nước tư bản chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự thống nhất lợi ích giữa giai cấp công nhân, nhân dân lao động cũng như cả dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Báo chí góp phần quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Là cơ quan ngôn luận của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của báo chí là phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tuyên truyền, cổ động, tổ chức thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, nội dung hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng từ trung ương đến cơ sở. Mục tiêu hoạt động báo chí cũng chính là mục tiêu tuyên truyền của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, đây là cơ sở và nguyên tắc quy định mọi hoạt động của các cơ quan báo chí và người làm báo. Khi tuyên truyền, phải thể hiện rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đó cũng là nguyên tắc, tính đảng, nội dung tư tưởng được thẩm thấu trong từng tác phẩm báo chí. Hiện nay, chúng ta đang tập trung tuyên truyền về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chính là tuyên truyền cho công tác nhân sự và định hướng hoạt động cho toàn bộ hệ thống chính trị. Phải thể hiện rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc chuẩn bị nhân sự (cơ cấu ban chấp hành, ban thường vụ), bên cạnh các tiêu chí về phẩm chất, năng lực, cần xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, cơ chế vận hành giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị, để lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử, chọn bầu. Công tác nhân sự phải thực hiện đúng nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự theo quy định; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền theo tinh thần Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị. Đồng thời, phải đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng cấp ủy các cấp; chất lượng, hiệu quả việc rà soát, lựa chọn, giới thiệu, thẩm định, xác minh và kết luận rõ, chính xác những vấn đề về tiêu chuẩn cấp ủy, tiêu chuẩn chính trị. Sau Đại hội, các cấp ủy viên sẽ được bố trí giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, điều hành chủ chốt trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đây là công việc cụ thể giúp người lãnh đạo, quản lý nắm bắt rõ ràng tổ chức của hệ thống chính trị để lãnh đạo, quản lý đúng đắn, hiệu quả và định hướng kiện toàn tổ chức, tối ưu hóa tổ chức, nhân sự, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị.Vì thế, công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng là việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cơ quan báo chí và người làm báo hiện nay.

 

Bích Đào

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải