song
Báo chí phải dẫn dắt công tác truyền thông chính sách thật chuyên nghiệp
Ngày xuất bản: 09/12/2022 8:19:48 SA
Lượt đọc: 6796

 Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của 5 đơn vị thuộc Bộ TT&TT diễn ra chiều ngày 8/12 tại Hà Nội.

5 đơn vị của Bộ TT&TT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 gồm: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Thông tin cơ sở; Cục Báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin đối ngoại.

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Hải

Sẽ thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí

Tạ Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Báo chí nhắc lại thông điệp đặc biệt mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra cho các cơ quan báo chí: “Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng: Xác thực, Dẫn dắt, Tiên phong, Đổi mới, Dấn thân. Giữ cái bất biến ấy để ứng vạn biến. Muốn đi xa thì càng phải về gần”.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền mà bị đặt vào thế cạnh tranh, khi vừa phải đảm bảo tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định uy tín về tính chính xác, tính thời sự, cũng như các tiêu chí khác đối với công chúng, báo chí. 

Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần phải định hướng, dẫn dắt, song hành để hỗ trợ, tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, phát huy vai trò sứ mệnh của mình, sứ mệnh “khơi dậy tinh thần, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”.

Đề cập đến báo chí trong xu thế chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, các cơ quan báo chí đều đã ứng dụng công nghệ mới trong các khâu của quy trình xuất bản. Tuy nhiên, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cơ quan báo chí chưa thực sự rõ nét, chưa đồng đều.

"Được sự đồng ý của Bộ trưởng, Cục Báo chí sẽ thành lập “Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí”, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp công nghệ để hỗ trợ, dẫn dắt, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số báo chí", ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin.

Xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội

Trình bày báo cáo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết, năm 2022 Cục đã quyết liệt xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, từng bước hạn chế tình trạng này. Đồng thời đã phối hợp với Sở TT&TT các địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng trên.

Theo ông Lê Quang Tự Do, tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội dù đã được chấn chỉnh xử lý nhưng vẫn còn tồn tại nhiều, chưa xử lý dứt điểm, do các chính sách quản lý chưa được bổ sung kịp thời để xử lý nghiêm các hành vi.

Trong thời gian qua, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng đã tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng các bộ, ban, ngành, địa phương để quản lý, xử lý theo thẩm quyền về những hành vi sai phạm trên không gian mạng, nhất là hành vi tung tin giả, tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.

Ngoài ra, năm 2022, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã thực hiện siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới.

Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp quảng cáo, nhà phát hành quảng cáo thực hiện các quy định tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP; Triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, tăng cường xử lý vi phạm với các nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới Facebook và Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm.

Đồng thời, tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành (kiểm tra 6 doanh nghiệp) kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; Tiến hành làm việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới; Yêu cầu người phát hành quảng cáo trong nước (báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp) và người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Nói đến kế hoạch trung hạn 2023 - 2025, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Bên cạnh đó tiếp tục phát triển mạng xã hội Việt Nam đủ sức cạnh tranh với nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Đặc biệt, tăng cường hoạt động chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; Cơ bản xử lý các trang thông tin điện tử và mạng xã hội có hoạt động “báo hóa”, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng này.

Nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm yêu cầu, đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Báo chí, một trong những nhiệm vụ trong năm 2023, đó là cần quan tâm, đưa việc sửa Luật Báo chí vào chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này.

"Đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, thời điểm 1/1/2023 tới có rất nhiều việc phải thay đổi. Việc nắn dòng quảng cáo trên không gian mạng phải làm được. Đồng thời, các nhà sản xuất tivi, các thiết bị đầu mối phải cài sẵn những ứng dụng thiết yếu đã được công nhận", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Công tác điều tiết, định hướng truyền thông cũng có sự trợ giúp của công nghệ trong việc hỗ trợ rà quét, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin...). Tất cả để nhằm mục tiêu "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".

Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh yêu cầu với lĩnh vực báo chí trong năm 2023, phải dẫn dắt công tác truyền thông chính sách ở các địa phương, các bộ ngành thật chuyên nghiệp.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải