song
Báo chí phải là binh chủng “tiên phong” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày xuất bản: 07/10/2022 3:26:47 SA
Lượt đọc: 6623

 Đó là tinh thần xuyên suốt tại tọa đàm “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - Thực tiễn và giải pháp” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tuần qua.

Có thể nói, trong mỗi giai đoạn, các cơ quan báo chí luôn có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, để duy trì được nhiệm vụ này, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cần nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện về nghiệp vụ báo chí, không ngừng sáng tạo.

 

Tọa đàm “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch – Thực tiễn và giải pháp” vừa được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”…

Sự phát triển về đội ngũ những người làm báo, sự ra đời của các cơ quan báo chí với đầy đủ các loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại đã tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng miền góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng chính xác, kịp thời, đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Những thông tin, bài viết của các nhà báo đã góp phần gắn kết và thắt chặt mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, báo chí cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận, xa rời tôn chỉ, xa rời mục tiêu sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nhà báo Đỗ Phú Thọ - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng: Thực tế một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Chưa dám đấu tranh với những phần tử sai trái, phản động, xuyên tạc, chưa đầu tư thích đáng cho công tác này.

“Để bắt đầu triển khai có hiệu quả công tác này, mỗi cơ quan báo chí cần đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp, phương tiện hoạt động báo chí để nâng cao hiệu quả đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu để thiết lập hệ thống luận cứ, luận điểm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với những bài viết phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc, báo chí cần khẳng định những thành tựu những kinh nghiệm, những giá trị, tính ưu việt của chế độ chúng ta. Tuyên truyền những điển hình tiên tiến, tích cực, người tốt việc tốt trong cuộc sống hằng ngày”, nhà báo Đỗ Phú Thọ chia sẻ.

Trong thời đại của thông tin toàn cầu, dòng chảy tin tức mỗi ngày, mỗi giờ với vô vàn thông tin từ các nguồn khác nhau. Mỗi cá nhân đều có thể trở thành nguồn cung cấp thông tin trên mạng. Thực tế đã xuất hiện những thông tin xấu độc, tin giả, tin đồn thất thiệt với mục đích xuyên tạc về cán bộ và công tác quản lý, thổi phồng những hạn chế, khiếm khuyết.

Đối mặt với thực trạng này, nhà báo Phong Điệp - Báo Nhân Dân chia sẻ: Báo Nhân Dân luôn thực hiện chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực. Trước các sự việc, hiện tượng, xu hướng tiêu cực đang nảy sinh trong xã hội, Báo Nhân Dân tổ chức kịp thời các bài viết có tính cảnh báo, phê phán, lên án như: tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

“Nhanh – đúng – trúng là phương châm của Báo Nhân Dân. Thông tin nhanh chóng trên các ấn phẩm và các nền tảng mạng xã hội các vấn đề thời sự, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; nắm bắt tình hình, xử lý tốt những vấn đề phát sinh về tư tưởng, định hướng dư luận xã hội tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” - nhà báo Phong Điệp nhấn mạnh.

Đặc biệt, luôn đi đầu về ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất và phát hành, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động của tòa soạn, Báo Nhân Dân đã mở chuyên mục “Kiểm chứng tin giả” nhằm giúp độc giả nhận diện, phát hiện các thông tin sai sự thật, xấu độc đang lan truyền, đặc biệt là trên mạng xã hội; khai trương trang thông tin đặc biệt “Hồ Chí Minh và tư tưởng “lấy dân làm gốc”; Ra mắt bộ sách điện tử tổng hợp “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”… Tất cả đã, đang và tiếp tục góp phần quan trọng vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

 

Phóng viên tác nghiệp tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng.

Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

Các thế lực thù địch, phản động thường chống phá nước ta với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt là chúng lợi dụng internet, mạng xã hội đưa những ý kiến trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì thế, người làm báo cần thường xuyên tìm hiểu thông tin, để biết các thế lực thù địch đang chống phá như thế nào. Những người sản xuất các chương trình, bài viết về đấu tranh phải xác định rõ những bài bôi nhọ lộ liễu, bịa đặt trắng trợn… Tác giả các bài viết này thường có trình độ học thức cao, các bài viết chống phá thường đan xen những thông tin, sự kiện có thật với những tin bịa đặt, khiến công chúng khó phân biệt thật giả.

Nhiều khi hàm lượng thông tin thật nhiều hơn thông tin giả nên người đọc dễ bị tin theo, điều này dần dẫn dắt suy nghĩ làm mất niềm tin của công chúng vào Đảng và Nhà nước. Câu hỏi lớn đặt ra là cơ quan báo chí, người làm báo cần tổ chức chuyên mục, sản xuất chương trình đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước như thế nào để giúp công chúng nhận diện, phân biệt được.

Nhà báo Nguyễn Thị Mai Hồng - Trưởng phòng Thư ký toà soạn, Ban Thời sự VOV1 cho rằng: Điều quan trọng đầu tiên người viết, người thực hiện chương trình là phải có bản lĩnh chính trị, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, nắm vững chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Khi lựa chọn nhân vật, khách mời cho chương trình, chuyên mục phải là những chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn, các Đại biểu Quốc hội có uy tín tham gia phân tích đấu tranh, cần tận dụng kiến thức chuyên sâu của khách mời để thuyết phục khán thính giả.

“Mỗi phóng viên cần có những phóng sự phản ánh hơi thở cuộc sống, đặc biệt thông tin kịp thời những sai phạm của cán bộ chính quyền, xử lý nghiêm khắc những Đảng viên, cán bộ vi phạm, tránh bị các đối tượng lợi dụng cho rằng Nhà nước ta bao che cán bộ vi phạm. Để viết bài đấu tranh phản bác lại những luận điệu của thế lực thù địch có hiệu quả, người viết phải lựa chọn đối tượng, thời điểm để đấu tranh dư luận cho phù hợp, vì nếu không đúng thời điểm sẽ rơi vào tình trạng tự lấy đá ghè chân mình”,  nhà báo Mai Hồng nhấn mạnh.

Có thể nói, nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch đó là vấn đề cấp thiết, cả trước mắt và lâu dài. Vì thế mỗi cơ quan báo chí cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, chủ động kịp thời từ các cơ quan chức năng và lãnh đạo đơn vị, sớm có kế hoạch sản xuất để phóng viên tìm kiếm, khai thác đề tài.

Ngoài việc tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ phóng viên, cần có chính sách riêng về nhuận bút để tạo động lực cho mỗi nhà báo, phóng viên không ngừng cống hiến, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ này.

Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị báo chí, cần hướng dẫn, tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của mỗi phóng viên trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có như vậy mới góp phần củng cố và tăng cường niềm tin, giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Ðảng, với nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải