song
Báo chí phát huy vai trò là kênh thông tin kịp thời, đáng tin cậy
Ngày xuất bản: 13/06/2024 2:53:49 SA
Lượt đọc: 1066

 Giải Báo chí Yên Bái năm 2024 nhận được 125 tác phẩm của 11 đơn vị, cơ quan báo chí tham dự, trong đó có 40 tác phẩm truyền hình, 20 tác phẩm phát thanh, 47 tác phẩm báo in và 18 tác phẩm ảnh báo chí, điều đó đã khẳng định uy tín, sức thuyết phục và sự lan tỏa của Giải Báo chí Yên Bái năm 2024.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn trao giải A Giải Báo chí tỉnh Yên Bái năm 2024 cho tác giả Giàng Dủ  (Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái) và tác giả  Phạm Quang Thiều  (Báo Yên Bái).

Các tác phẩm dự thi Giải Báo chí Yên Bái năm 2024 có nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng đồng đều hơn. Nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, khai thác vấn đề sâu, đa chiều, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề xảy ra trong thực tiễn đời sống.

Báo chí Yên Bái đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phản ánh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh để các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống có hiệu quả. Mùa giải năm nay, đã có nhiều nhà báo quan tâm đến lĩnh vực xây dựng Đảng và cũng có nhiều tác phẩm có chất lượng, như tác giả Quang Thiều với tác phẩm “Xây dựng nguồn thừa kế cho Đảng – Cách làm của Yên Bái”, tác giả Anh Dũng với tác phẩm “Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng ở Văn Chấn – chuyển biến từ những “tế bào” chi bộ”, tác giả Hoài Anh với tác phẩm “Khi người trẻ làm bí thư chi bộ”, Tác giả Nguyễn Tâm với tác phẩm “Yên Bái – Đảng vững mạnh, Dân hạnh phúc”, tác giả Văn Thông với tác phẩm “Sự lớn mạnh của kinh tế tập thể và công tác phát triển Đảng,... Những tác phẩm báo chí đó đã minh chứng, hơn ai hết, đội ngũ người báo luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước thời đại mới, trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề lớn của tỉnh như chuyển đổi số, nâng cao chỉ số hạnh phúc cũng được tuyên truyền sâu rộng, đậm nét trên tất cả loại hình báo chí, như tác phẩm “Chỉ số hạnh phúc” - Thước đo của cấp ủy Yên Bái” của nhóm tác giả Thu Thùy – Văn Tuấn – Thừa Xuân, “Yên Bái bứt phá trong chuyển đổi số” của nhóm tác giả Thùy Trang – Trần Tiến, “Việc thật và công nghệ số - Hiệu quả dân vận ở Mường Lai” của nhóm tác giả Mai Hiền – Thế Quang”, “Chuyển đổi số vì cuộc sống hạnh phúc” của tác giả Thanh Chi, “Chị em mình cùng cài Yenbai-S” của tác giả Nguyễn Thơm, “Nâng cao chỉ số Hạnh phúc của người dân Yên Bái” của tác giả Bùi Minh.

Báo chí Yên Bái đã cân đối thông tin một cách hài hòa, hợp lý, không chỉ dừng lại ở thông tin mang tính thời sự, hay thiên về phê phán mặt trái, cái xấu mà còn thực hiện tốt phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, biểu dương, nhân rộng kịp thời những điển hình tiên tiến, các mô hình kinh tế hiệu quả, những cách làm mới đột phá, năng động, hiệu quả, như các tác phẩm “Hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản: “Chìa khóa” phát triển nông nghiệp hiện đại” của tác giả Hồng Duyên, “Con đường hạnh phúc” của nhóm tác giả Thùy Trang – Trần Tiến, “Khởi nghiệp và câu chuyện làm du lịch cộng đồng của người Mông Yên Bái” của tác giả Chí Công, “Để thành công trong huy động sức dân xây dựng nông thôn mới” của tác giả Thu Hạnh. Hay những tấm gương tiêu biểu, những tấm lòng nhân ái, như tác phẩm “Lớp học của cô Vỵ” của nhóm tác giả Thúy Quỳnh – Tuấn Anh, Vượt qua số phận” của nhóm tác giả Thành Hùng – Lộc Chầm, “Ở nơi đông đầy tình yêu thương” của tác giả Nguyễn Thơm, “Cây xương rồng trên cát” của tác giả Hoàng Kim Yến... Nhưng cũng không “làm ngơ” trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đã có những tác phẩm báo chí chuyên sâu đấu tranh kịp thời với những luận điệu sai trái, phản động một cách thuyết phục, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, điển hình là tác phẩm “Nhận diện pháp luân công” của nhóm tác giả Kiều Loan – Đoàn Mến, “Phòng, chống tổ chức tôn giáo bất hợp pháp: Thực trạng và giải pháp” của tác giả Đức Tình, “Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh” của tác giả Lê Phiên; cảnh báo, nâng cao cảnh giác cho người dân trước những thủ đoạn lừa đảo, như các tác phẩm “Tour du lịch 0 đồng cạm bẫy với các bậc cao niên” của tác giả Minh Hoàng;“Cờ bạc trực tuyến, vấn nạn len lỏi làng quê” của nhóm tác giả Thương Huyền, Hồng Nhung; “Thuốc lá điện tử - hiểm họa học đường” của tác giả Mai Hiền; tác phẩm “Sự thật về những sản phẩm chữa bách bệnh và chăm sóc sức khỏe” của tác giả Bích Thu... những người làm báo Yên Bái đã đề cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp góp phần nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng trong nhân dân.

Bên cạnh việc tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, thì những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phát triển kinh tế, những tồn tại, hạn chế cũng được các nhà báo vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và thiết thực trên nhiều lĩnh vực quan trọng, điều đó được phản ánh qua các tác phẩm như: “Bài học từ sự bao tiêu sản phẩm nông nghiệp” của nhóm tác giả Bích Thu – Viết Công, “Khi cung vượt quá cầu trong sản xuất quế” của tác giả Thu Hương, “Lao đao nghề ván bóc gỗ rừng trồng” của nhóm tác giả Kiều Mười – Đức Thành – Hải Yến, “Doanh nghiệp gỗ rừng trồng lao đao vì đầu ra” của nhóm tác giả Hoài Giang – Nguyễn Minh, “Sông Hồng “nuốt” đất uy hiếp cuộc sống người dân” của tác giả Hùng Cường, “Hồ Hòa Bình kêu cứu” của nhóm tác giả Thúy Quỳnh – Trần Tiến, “Người dân kêu trời vì điểm tập kết rác bất hợp lý” của tác giả Trung Dũng, “Nguy cơ mất an toàn từ khai thác đá” của tác giả Minh Hòa... Qua đó, phần nào đã giúp các địa phương, đơn vị nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các tồn tại, hạn chế.

Báo chí cũng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao và lan toả hình ảnh, tiềm năng văn hóa, đất đai, khoáng sản, nguồn lực của tỉnh, tạo sự đoàn kết, đồng thuận để thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế, được thể hiện qua các tác phẩm: “Du lịch Yên Bái – tạo thương hiệu điểm đến” của tác giả Thanh Chi, “Đặc sắc điểm hẹn văn hóa Tày Lục Yên” của tác giả Lê Thành Trung, “Đột phá hạ tầng giao thông ở Yên Bái” của tác giả Mạnh Cường. Đặc biệt những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch được thể hiện qua các tác phẩm ảnh báo chí như “Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày”“Di sản độc đáo của người Mông Yên Bái” của tác giả Tuấn Vũ, “Yên Bái – Những nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc” của nhóm tác giả Hoàng Thanh – Thanh Miền, “Trải nghiệm Mường Lò” của tác giả Thanh Miền,...

Kết thúc mùa giải Báo chí Yên Bái năm 2024 đã lựa chọn, trao giải cho 41 tác phẩm xuất sắc, gồm 02 giải A, 08 giải B, 12 giải C và 19 giải Khuyến khích. Có thể khẳng định báo chí đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh. Ở mỗi loại hình, báo chí đều bám sát vào đặc điểm, tình hình thực tiễn để thông tin, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan báo, đài và đội ngũ phóng viên, nhà báo trong tỉnh luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để có những sản phẩm báo chí tốt và là kênh thông tin kịp thời, đáng tin cậy.

* Phóng viên Giàng Dủ, Đài PT – TH Yên Bái:

Giải Báo chí Yên Bái năm 2024, chúng tôi có tác phẩm truyền hình “Chuyện người gác rừng nơi ngọn nguồn Chế Tạo”. Để thực hiện phóng sự này, chúng tôi phải hành quân xuyên rừng vào khu lán trại của Tổ Bảo tồn cộng đồng xã Chế Tạo. Đoàn chúng tôi gồm 9 người, trong đó nhóm phóng viên 3 người và chỉ mình tôi là nữ đã băng rừng lội suối, vượt qua những con dốc thẳng đứng, leo trong tư thế gối luôn chạm ngực, trong khi trên lưng ai cũng mang đồ đạc như gạo, mì tôm, bạt.... phóng viên chúng tôi mang theo máy móc tác nghiệp. Dọc đường đi luôn được các anh cảnh báo vì rất dễ gặp rắn. Quá trình tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì trong rừng nguyên sinh ko có lối đi, chủ yếu lần theo lối của động vật và lối đi cũ của đội bảo tồn đã được đánh dấu trong những lần thực hiện nhiệm vụ trước đó. Để đến được nơi ở của vượn đen, chúng tôi phải dậy từ 3h sáng, lom khom dưới tán nứa khoảng một tiếng đồng hồ. Trải qua hành trình này, chúng tôi cảm nhận thêm những vất vả, hy sinh của những người đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ cánh rừng nguyên sinh này. Mong muốn tác phẩm lan tỏa đến cộng đồng tình yêu và trách nhiệm với rừng, với môi trường.

* Phóng viên Tuấn Vũ, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái:

Là một phóng viên ảnh, tôi rất quan tâm đến Giải Báo chí Yên Bái hàng năm, đây là sân chơi nghiệp vụ rất hữu ích nên tôi có kế hoạch từ sớm và lựa chọn kỹ tác phẩm để tham dự giải. Rất vinh dự khi nhiều năm tôi đều được vinh danh ở sân chơi này, cảm giác rất vui và tự hào vì thành quả đó được chính những nhà báo giỏi nghề, có kinh nghiệm trong tỉnh đánh giá. Đó cũng là động lực để bản thân tôi ngày càng phải cố gắng, phấn đấu làm tốt để có thêm những tác phẩm ảnh báo chí ấn tượng, đáp ứng yêu cầu của khán giả. Hy vọng Giải sẽ ngày càng phát triển, mở rộng để thu hút thêm nhiều phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh trong tỉnh tham gia.

Thanh Thùy

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải