song
Báo chí số: Thách thức mới đối với đào tạo báo chí truyền thông
Ngày xuất bản: 11/06/2024 2:47:53 SA
Lượt đọc: 1030

 Báo chí số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải có những kỹ năng và kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Điều này dẫn tới những thách thức mới đối với công tác đào tạo nghiệp vụ báo chí số ở tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tỷ lệ nhà báo được đào tạo nghiệp vụ báo chí số đang tăng cao

Trong một nghiên cứu năm 2022, các chuyên gia Hoa Kỳ dự đoán, nhu cầu nguồn nhân lực báo chí có chuyên môn về báo chí số ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. 

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, số lượng nhà báo và biên tập viên được dự đoán sẽ giảm 8% từ năm 2020 đến năm 2030. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà báo có kỹ năng báo chí số được dự đoán sẽ tăng cao hơn mức trung bình, với mức tăng trưởng 11% trong cùng kỳ. Dự kiến sẽ có thêm 10.000 việc làm trong lĩnh vực báo chí số được tạo ra trong vòng 5 năm tới

Một khảo sát của Hiệp hội Giáo dục Báo chí Hoa Kỳ (AEJMC) vào năm 2019 cho thấy, 72% các chương trình cử nhân báo chí tại Hoa Kỳ có ít nhất một khóa học về báo chí số. Từ chương trình đào tạo, giáo trình, sách trong thư viện số, hệ thống phòng thực hành là đa dạng, phong phú, đảm bảo cho việc học và nghiên cứu theo phương pháp kết hợp lý thuyết và thực tiễn; kỹ năng đào tạo đảm bảo cả 3 yếu tố, bao gồm: thực hành nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ và tư duy sáng tạo.

 

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, đang có mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực báo chí số và năng lực cập nhật, đổi mới để đáp ứng của các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Sơn Hải)

Theo PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, ưu điểm của mô hình đào tạo báo chí số ở Hoa Kỳ là: Sinh viên được tiếp cận với môi trường học tập hiện đại, trang thiết bị tiên tiến; có cơ hội thực tập tại các tổ chức truyền thông uy tín; sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm.

"Nhược điểm lớn nhất là chi phí đào tạo cao và chương trình đào tạo có thể không phù hợp với tất cả các sinh viên", PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết.

Về phía Hàn Quốc, tỷ lệ nhà báo được đào tạo nghiệp vụ báo chí số ở Hàn Quốc cũng đang ngày càng tăng. Một khảo sát của Đại học Yonsei vào năm 2021 cho thấy, 85% các chương trình cử nhân báo chí tại Hàn Quốc có ít nhất một khóa học về báo chí số. Nhu cầu về nhà báo có kỹ năng báo chí số được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, thị trường truyền thông kỹ thuật số của Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt 43.800 tỷ won (khoảng 36 tỷ USD) vào năm 2025.

Qua nghiên cứu, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhận định, chương trình đào tạo báo chí số của Hàn Quốc tập trung mạnh vào kỹ năng sử dụng công nghệ. Sinh viên báo chí trường Đại học Quốc gia Seoul được học lý thuyết song song với việc làm việc trong phòng lab, với hệ thống thư viện số liên kết với thư viện của những trường đại học hàng đầu thế giới. Các trường đại học thường liên kết với các tập đoàn báo chí và tập đoàn công nghệ, các Viện đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông trong nước và quốc tế. 

 

Sinh viên báo chí các trường đại học hàng đầu thế giới được học lý thuyết song song với việc làm việc trong phòng lab, với hệ thống thư viện số liên kết với thư viện.

Đánh giá về thực tiễn trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số ở Việt Nam, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, đang có mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực báo chí số và năng lực cập nhật, đổi mới để đáp ứng của các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay. Nhiều đơn vị đào tạo còn lúng túng trong việc xác định yêu cầu đầu vào, chuẩn đầu ra và mô hình đào tạo nghiệp vụ báo chí số.

"Hầu hết các chương trình đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của thị trường lao động của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt đội ngũ giảng viên có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực báo chí số và cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo ở hầu hết còn thiếu thốn là những thách thức lớn trong công tác đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay", PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Rèn luyện kỹ năng làm nghề là ưu tiên số một

Theo PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, không giống như đào tạo cử nhân của ngành khoa học xã hội khác, rèn luyện kỹ năng làm nghề luôn là ưu tiên số một trong các trường đào tạo báo chí truyền thông.

Người đào tạo báo chí cần nắm bắt nhanh nhạy dòng chảy báo chí chủ lưu và có kỹ năng. tác nghiệp thuần thục để hướng dẫn cho sinh viên - những nhà báo tương lai. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các cơ quan báo chí, để sản phẩm đào tạo của các trường là đào tạo đội ngũ nhân lực báo chí truyền thông chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng.

 

PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương

Một trong những vấn đề quan trọng để có thể định hướng sự phát triển của báo chí Việt Nam, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của báo chí Việt Nam PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương cho rằng, phải gắn đào tạo với nghiên cứu báo chí.

"Sự phát triển của ngành công nghiệp báo chí truyền thông chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi người làm việc trong lĩnh vực này nắm vững kiến thức lý luận về báo chí truyền thông, hiểu rõ quy luật phát triển của báo chí truyền thông trong xã hội, nắm vững được nguyên tắc hình thành, cơ chế tác động của báo chí truyền thông đối với xã hội, cũng như mô hình hoạt động kinh tế của ngành công nghiệp này", PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương nhận định.

Tuy nhiên, theo PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương các nghiên cứu về báo chí truyền thông ở Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Nhiều nội dung cần nghiên cứu về mô hình phát triển của ngành công nghiệp báo chí truyền thông, về chức năng nhiệm vụ, về quản lý báo chí, về cơ chế và hiệu quả tác động đến dư luận xã hội, về kinh tế báo chí truyền thông, về xu hướng phát triển của báo chí truyền thông hiện đại... chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo nên định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông, và cũng chưa đóng góp hiệu quả cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.

"Và bởi vậy, đẩy mạnh nghiên cứu báo chí truyền thông, với tư cách là một ngành khoa học, có nền tảng lý luận, có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đặc thù là yếu tố quan trọng, là động lực nâng cao chất lượng đào tạo về báo chí truyền thông một cách bài bản và chuyên nghiệp. Đồng thời, quan trọng hơn là tạo lập nền tảng lý luận vững chắc, tạo tiền đề, định hướng cho sự phát triển đúng đắn của nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay", PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương kiến nghị. 

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải