song
Báo chí với nhiệm vụ truyền lửa truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ
Ngày xuất bản: 17/04/2024 9:16:13 SA
Lượt đọc: 3696

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng chính là việc chuyển giao di sản quí báu của dân tộc cho thế hệ trẻ, để họ hiểu được quá khứ gian khổ, đau thương nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc. Truyền thống ấy chính là “lá chắn thép” bảo vệ tế bào khỏe mạnh, giúp thế hệ trẻ tự đề kháng trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội và truyền lửa cho họ thắp sáng mãi truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.

           

Buổi ngoại khóa giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh Trường THPT Cẩm Ân, huyện Yên Bình

Nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhìn từ khía cạnh lịch sử cho thấy các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề lịch sử để xuyên tạc hòng làm cho thế hệ trẻ mơ hồ về truyền thống cách mạng, mơ hồ về lịch sử, mơ hồ về chính trị… dễ bị cám dỗ lôi cuốn theo những trào lưu, ham thích trở thành phan cuồng cho những thú vui tầm thường, ích kỷ, thực dụng, rẻ tiền, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Cách đây 49 năm, ngay khi chúng ta vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kisinger đã nói: “Những gì mà mấy chục năm nay nước Mỹ không làm được trên đất nước này, thì con cháu các ngài, thế hệ trẻ Việt Nam tương lai, nó sẽ giúp nước Mỹ thực hiện giấc mơ của người Mỹ… Hai mươi năm sau chúng ta sẽ trở lại không phải với xe tăng, đại bác, chiến hạm hay pháo đài bay mà bằng những xấp đô la. Khi đó cờ Mỹ sẽ không chỉ tung bay ở Sài Gòn mà còn hiên ngang giữa lòng Hà Nội. Những gì bom đạn không thể làm được thì sức mạnh của đồng đô la sẽ giải quyết ”. Còn tổng thống Mỹ Ronal Regan từng tuyên bố: “Đầu tư cho học sinh sinh viên các nước XHCN đang du học ở Mỹ là khoản đầu tư lâu dài, hãy gây ảnh hưởng tư tưởng với họ, hun đúc họ trong lối sống và giá trị quan niệm văn minh Mỹ, chờ họ từng bước trở thành rường cột xã hội họ, biến đất nước đó chuyển mình theo nền văn minh tư bản của ta”. Trên mạng xã hội hiện nay, chúng ta không ngạc nhiên khi xuất hiện những luận điệu xuyên tạc lịch sử, lừa bịp giới trẻ, thậm chí có kẻ nhân danh “nhà khoa học lịch sử” mà dám nói: “Pháp chỉ mượn đường qua Việt Nam để đánh Trung Quốc chứ không hề xâm lược Việt Nam”. Bọn khoác áo “dân chủ” trở cờ theo giặc còn trắng trợn bịa đặt: “Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ là sai lầm vi đánh đuổi hai nền văn minh”. Rồi : “Năm 1945 nước ta đã có độc lập khi Nhật đầu hàng. Việt Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim chứ không phải giành độc lập cho đất nước. Năm 1946, Pháp trở lại Việt Nam là để trả lại độc lập cho Việt Nam chứ không phải để xâm lược, họ đánh chiếm Việt Nam từ tay nhà Nguyễn thì họ trả lại cho nhà Nguyễn (Bảo Đại) vv…”. Khi Mỹ đưa 54 vạn quân Mỹ, 10 vạn quân chư hầu cùng 1,3 triệu quân ngụy xâm lược Việt Nam, giết hại hàng triệu người yêu nước thì chúng bảo: “Mỹ chỉ giúp chính quyền Sài Gòn chống cộng, bảo vệ VNCH. Đây là cuộc nội chiến chứ không phải Mỹ xâm lược”. Chúng gạt bỏ khái niệm “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” khỏi đầu giới trẻ và bơm vào đó khai niệm “chiến tranh Việt Nam”, xóa nhòa chính nghĩa, phi nghĩa, thậm chí mô tả sự gian khổ, chết chóc của lính Mỹ những năm xâm lược Việt Nam đến nỗi có bạn trẻ du học ở Mỹ khóc nức nở vì thương những tên lính xâm lược. Rồi chúng phục dựng “rửa mặt”, rửa tội cho Nguyễn Ánh - kẻ 4 lần bán nước cùng một số tên tay sai chó săn trung thành của Pháp như Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Duyệt… Một số kẻ từng là cán bộ cao cấp, GSTS được Đảng, Nhà nước ta đào tạo hưởng nhiều thành quả cách mạng do xương máu của hàng triệu người ngã xuống mới có, khi về hưu bỗng trở cờ, ăn cháo đá bát, trắng trợn xuyên tạc: “Đánh Pháp, đánh Mỹ là sai lầm, nhiều nước không cần đánh cũng giành được độc lập bằng con đường khác, không tốn xương máu” vv… Qua đó để thấy âm mưu xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn, có hệ thống, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận sự hy sinh của hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 800.000 thương binh đã hy sinh một phần xương máu và mồ hôi, nước mắt, công lao của cả dân tộc ròng rã suốt 30 năm là âm mưu hết sức thâm độc, là tội ác của các thế lực thù địch, những kẻ lưu manh chính trị đang nhắm tới mê hoặc giới trẻ, lợi dụng sự trong trắng của các em sinh trưởng trong hòa bình, dắt mũi họ theo chúng chống lại Tổ quốc và dân tộc.

Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ là một cách giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ lúc nước chưa lâm nguy, đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Lê nin từng nhắc nhở: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất có thể chiến thắng được những người cộng sản ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Người còn dạy: “Mọi cuộc cách mạng phải biết tự bảo vệ”. Đó là lời di chúc cho những người cộng sản toàn thế giới. Nhìn lại sự sụp đổ của Liên - Xô hơn 30 năm về trước thấy nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi là từ sai lầm trong công tác cán bộ đã để kẻ thoái hóa về tư tưởng chính trị chiếm giữ quyền lãnh đạo Đảng và đất nước. Thủ đoạn thâm độc đưa đến việc làm sụp đổ Liên - Xô cũng bắt đầu từ việc xét lại lịch sử, phỉ báng lãnh tụ, bôi nhọ chiến tranh vệ quốc. Dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười (1987) Gorbachev bắt đầu bật đèn xanh xét lại lịch sử công kích lãnh tụ Stalin, phủ nhận thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Mùa xuân năm 1988, bắt đầu những cuộc hội thảo xét lại phê phán Stalin. Nhưng trong Đảng Cộng sản Liên - Xô lúc đó có người không im lặng. Đó là bà Nina Andreeva, giảng viên trường Đại học Leningrad, ngày 13/3/1988 đã đăng bức thư trên báo Nước Nga Xô Viết nhan đề: “Tôi không thể từ bỏ nguyên tắc”. Bức thư lên án các tài liệu xuất hiện trên báo chí Nga sau khi công bố các chính sách “Cải tổ” bởi những tài liệu này chì trích CNXH và các lãnh tụ, trong đó có Stalin. Lập tức Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên - Xô do Gorbachev đứng đầu bị chọc đúng tim đen đã triệu tập hội nghị khẩn cấp “xử lý thế lực chống” “cải tổ”. Té nước theo mưa, báo chí Liên - Xô rầm rộ phản kích Nina Andreeva, rồi công kích xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ định cách mạng tháng 10, chủ nghĩa Lê nin, lãnh tụ Lê nin. Dấn thêm một bước, họ bỏ môn học Maxr - Lê nin trong trường học. Cơn lốc xét lại ùa vào mọi nơi. Hỗ trợ cho lực lượng báo chí trong nước Nga còn cơ quan truyền thông đối ngoại Mỹ với 8.000 nhân viên, xuất bản 12 tạp chí với 27 ngôn ngữ từ phương Tây chĩa vào tiếp sức. Các đài phát thanh bằng hàng chục thứ tiếng xuyên tạc chủ nghĩa Maxr - Lê nin. Khi đó đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) có bài viết: “Chúng ta cần phá hoại sự ổn định của Liên - Xô và các nước vệ tinh, làm nảy sinh sự bất hòa của nhân dân với chính phủ của họ. Chúng ta cần hết sức cố gắng khoét sâu rạn nứt giữa những người lãnh đạo của tập đoàn Cộng sản khiến họ bất mãn và nghi ngờ lẫn nhau. Chúng ta cần thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc, khuyến khích sự phục hồi tình cảm tôn giáo…” Có một sự thật đau lòng là trước khi Liên - Xô sụp đổ, các tờ báo thậm chí cả đảng viên cũng lợi dụng tự do dân chủ chĩa mũi dùi vào Đảng cộng sản (ĐCS) Liên Xô, đánh quỵ uy tín của Đảng. Các tác phẩm chống Lê nin, Stalin xuất hiện đầy rẫy trên báo chí, PT-TH, phim ảnh, kích động người dân đòi mai táng thi hài Lê nin. Sao lại có thể xảy ra bi kịch này ở nơi từng được coi là thành trì của CNXH? Đó là vấn đề nhân sự. Sau khi làm Liên - Xô sụp đổ, phát biểu tại một cuộc hội thảo trường Đại học Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, M. Gorbachev công khai tuyên bố: “Mục tiêu của cả cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Tôi được vợ hoàn toàn ủng hộ. Bà là người hiểu sự cần thiết của sự nghiệp này thậm chí còn hơn tôi. Để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng vị thế của mình trong Đảng và Nhà nước. Đó là lý do vì sao vợ tôi không ngừng khuyến khích và thúc giục tôi giành được vị trí ngày càng cao trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Khi tìm hiểu phương Tây, tôi nhận ra rằng mình không thể lùi bước trên con đường thực hiện mục tiêu của đời mình là tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản. Để đạt mục tiêu đó, tôi đã thay thế toàn bộ ban lãnh đạo của ĐCS Liên - Xô. Tôi đã nỗ lực tìm được các cộng sự để thực hiện mục tiêu này, trong đó có E.Shevard re và A. Yakovlev - những người có công lao lớn trong sự nghiệp của chúng tôi”. A. Yakovlev đã được CIA tuyển dụng làm điệp viên trong những năm du học ở Mỹ (1958-1959) theo chương trình trao đổi giáo dục Mỹ - Liên Xô đã kiên trì chui sâu, leo cao, phá lớn khi trở thành ủy viên Bộ chính trị phụ trách tuyên giáo của Đảng cộng sản Liên Xô. Trong hồi ký của Mình A. Yakovlev tiết lộ: “Chúng tôi sẽ phải xóa bỏ hệ thống chính trị Xô Viết bằng các phương thức khác nhau như tôn vinh những người bất đồng chính kiến nhưng không triệt để, không hiệu quả. Cần phải phá hoại Liên - Xô từ bên trong và cách duy nhất để đạt mục tiêu đó là sử dụng chính cơ chế lãnh đạo toàn trị của hệ thống đó để phá bỏ nó”. Năm 2001 trong lời giới thiệu cuốn “Sách đen về chủ nghĩa Cộng sản”, A. Yakovlev thừa nhận: “Vào thời kỳ đầu của cải tổ, chúng tôi buộc phải nói dối và thường sử dụng các khẩu hiệu như: “Đẩy mạnh hoàn thiện XHCN” và xây dụng “CNXH nhân đạo”.

Năm 1994, nhà văn Nga Yury Boldarev nhìn lại 6 năm bão táp trên trận địa tư tưởng đã chua chát nhận xét: “Trong 6 năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội Châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm những năm 1940. Quân đội có thiết bị hàng đầu nhưng thiếu mọi thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”. Trước cải tổ, lực lượng báo chí của Liên - Xô không hề nhỏ với 8.000 xuất bản phẩm, phát hành 173 triệu bản, có hơn 5.000 tạp chí phát hành 200 triệu bản, tổng thời lượng của các đài PT-TH từ trung ương tới địa phương phát 1.300 giờ mỗi ngày. Sau cải tổ chỉ còn 1,5% trong số đó còn trong tay Đảng Cộng sản, số còn lại thành báo chí tư nhân do các thế lực bên ngoài chi tiền sử dụng chống lại Liên - Xô và nước Nga Xô Viết dưới bàn tay đạo diễn của A.Yakovlev. Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, phóng viên thường trú TTXVN tại Liên - Xô/Nga giai đoạn 1989-1993, người chứng kiến sự tồn tại cuối cùng của Liên - Xô, là Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga nhớ lại: “Dựa trên tâm trạng xã hội do chính sách đa nguyên ý kiến và công khai hóa khuấy động lên như vậy, hoạt động nghị trường trong khuôn khổ Đại hội đại biểu nhân dân Liên - Xô và Xô Viết tối cao Liên - Xô cũng sục sôi như không khí ngoài đường phố”. “Nóng” nhất là những cuộc tranh cãi, những lời hô hào đòi bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên - Xô (Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên - Xô). Rốt cuộc Điều 6 bị xóa bỏ, Đảng Cộng sản Liên - Xô trở thành “Đảng bình thường” như những chính đảng khác ra đời ồ ạt như nấm sau mưa… Từ đây đến chỗ Liên Bang Xô Viết sụp đổ không còn xa nữa. Liên - Xô sụp đổ là không thể tránh khỏi giống như người mang khối u ác trong não khi đặt Yakovlev ở vị trí tổng tư lệnh báo chí và y đã viết: “Chủ nghĩa Marx không đứng vững trong cuộc sống hiện thực cách mạng tháng 10, đã chà đạp phong trào tiến tới dân chủ, làm cải cách ở Liên - Xô”. Dưới chiêu bài: “Công khai hóa”, họ bịa đặt đủ thứ bậy bạ vu cáo hèn hạ gán cho CNXH, Đảng Cộng sản, các lãnh tụ rồi lừa bịp: “Cả đời bạn chỉ được nghe những lời dối trá, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ nói cho bạn nghe toàn bộ sự thật”.

Câu chuyện dẫn đến sự sụp đổ của Liên - Xô cho ta thấy vị trí đặc biệt quan trọng của báo chí truyền thông. Khi để công cụ này nằm trong tay kẻ thù, nó sẽ biến thành chó dại cắn lại chính người chủ nuôi nó. Trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung nhiệm vụ then chốt của báo chí. Đó là một trong 5 tuyến phòng thủ (Vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian vũ trụ và không gian mạng).

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mỗi người cầm bút nên làm một việc gì đó dù nhỏ để góp phần hướng giới trẻ tới những đam mê lao động, học tập, rèn luyện bổ ích và nâng tầm theo kịp sự phát triển của thời đại. Cần hun đúc cho tuổi trẻ sống có lý tưởng. Thế hệ trước đã dấn thân “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” để giành lại non sống gấm vóc hôm nay thì thế hệ trẻ bây giờ cũng dấn thân vì dân giàu, nước mạnh không cam chịu đói nghèo, đưa nước ta phát triển sánh vai các cường quốc 5 châu, với chúng ta lòng yêu nước không bao giờ cũ, trách nhiệm của tuổi trẻ là bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, làm vẻ vang giống nòi. Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn là đạo lý, truyền thống đạo đức cao quý của dân tộc ta. Thường xuyên quan tâm tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ là việc báo chí nên làm. Đó cũng là cách “Giữ nước từ sớm, từ xa”. Tổ quốc và thành quả cách mạng sẽ trường tồn khi các thế hệ thanh niên hiểu lịch sử, trung thành với chế độ, tổ quốc và biết ơn tiền nhân. 

                                                                                                                 Ngân Hà

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải