song
Báo chí với nhiệm vụ tuyên truyền đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (khóa XII) của Đảng vào cuộc sống
Ngày xuất bản: 23/05/2018 1:47:56 SA
Lượt đọc: 30188

 Ngày 25 tháng 10 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành bốn nghị quyết tại Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khóa XII.

Những vấn đề được đề cập trong các Nghị quyết số 18; 19; 20 và 21 của BCH  Trung ương đều là những việc vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Tỉnh ủy Yên Bái ngay trong quý I/2018 đã đề ra Chương trình hành động số 95-CTr/TU cùng các Kế hoạch số 72; 73 và 74 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện ở các cấp đến tận cơ sở với những mục tiêu, giải pháp hết sức cụ thể, có lộ trình từng bước đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống. Trong tất cả các bước và công việc cần làm, từ chính Nghị quyết của Trung ương Đảng đến các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy đều đặt lên hàng đầu việc phổ biến, tuyên truyền để  tạo ra sự thống nhất cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận của người dân, bởi như Bác Hồ đã dạy: “Mọi việc đều ở nơi dân”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trước đây hầu như ai cũng biết câu: “Tư tưởng không thông vác bình tông cũng không nổi !”

Nghị quyết Trung ương 6 đặt ra một loạt nhiệm vụ cấp bách mà để thực hiện đều đụng chạm, liên quan đến con người, đòi hỏi những cán bộ, đảng viên, công chức phải thống nhất nhận thức và hành động, mọi người dân phải cùng chia xẻ, cảm thông đồng thuận để cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện theo Nghị quyết dù có thể quá trình thực hiện ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của bản thân hoặc anh em, con cháu mình.  Lúc này lại càng phải đề cao tính nêu gương, sự hy sinh, chấp nhận cái khó, sự thiệt thòi về mình của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặt lợi ích của đất nước, của toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Nói thì dễ nhưng đặt giả thiết một cơ quan cần sáp nhập từ 7 phòng xuống 4 phòng và mỗi phòng chỉ có 2 phó thì liệu những người phải dời vị trí lãnh đạo xuống làm chuyên viên có băn khoăn không? Hoặc giả như đang có 60 người cần giảm 15 biên chế thì liệu được mấy người tình nguyện xin nghỉ, xin thôi? Đây là chuyện gắn liền với miếng cơm, manh áo nên có ai mà không băn khoăn hay dễ dàng nhận khó về mình, nhường thuận lợi cho người khác? Nói như thế để các bạn đồng nghiệp thử đặt mình vào diện “dôi dư” mà suy ngẫm xem tư tưởng có dễ thông, dễ chấp nhận theo yêu cầu của tổ chức không hay là nảy sinh vấn đề gì? Hoặc đặt giả thiết mình ở vị trí người đứng đầu cơ quan cần sắp xếp giảm một số đầu mối và giảm 10 - 12 người thì liệu khi đặt vấn đề này ra sẽ có những vướng mắc gì? Cần động viên, thuyết phục, lý giải như thế nào để mọi việc được thực hiện suôn sẻ? Đi sâu vào hoàn cảnh, tâm trạng, tình cảm của những người phải thôi chức, mất việc, đặt  mình ở vị trí của họ để viết tuyên truyền những chủ trương dù đúng mười mươi nhưng làm sao cho mọi người chấp nhận, vui vẻ thực hiện mới là cái khó. Còn sự quá tải của bộ máy biên chế hiện nay thì chắc ai cũng dễ đồng tình. Nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng đã từng nói: Một nước có 90 triệu dân mà phải nuôi 11 triệu người hưởng lương và có tính chất lương từ ngân sách thì quá sức, không còn để đầu tư cho phát triển. Nhìn lại mỗi cơ quan, đơn vị đều dễ dàng nhận thấy bao nhiêu năm qua vẫn nói “giảm biên chế” nhưng thực tế có giảm hay tăng?  Cách đây 10 năm khi còn làm việc phụ trách một cơ quan ở tỉnh, tôi thấy thực sự chỉ có khoảng 70% thường xuyên có việc và chăm chỉ làm việc vì thế tôi đã yêu cầu mỗi người có bảng chấm công ghi rõ hàng ngày anh chị em làm gì thì ghi vào đó. Cuối tháng thu bảng chấm công lại xem có đến trên 30% ghi  chữ “NC”  từ thứ hai đến thứ sáu. Tôi nói vui: Ghi như thế dịch ra là “nghiên cứu” hay “ngồi chơi” đều được đúng không? nếu nói nghiên cứu thì đồng chí nghiên cứu vấn đề  gì? qua đó đề xuất, tham mưu với lãnh đạo được những gì? Thì hầu hết trả lời: “Dạ! em đọc báo ạ!” và cười trừ. Rồi có những cơ quan sau 10 năm tăng từ 1 lên thành 3 kế toán, biên chế tăng, đơn vị trực thuộc tăng, công việc có tăng chút ít nhưng chỉ dồn vào một số người biết làm và làm được việc còn số đông chủ yếu vẫn “N.C”! Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết TW 6 lần này, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”. Cụ thể đến năm 2021 hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu giúp việc, như vậy văn phòng của các ban đảng tỉnh sẽ không còn; hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và UBND thành một. Ở cấp huyện, hợp nhất Văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND, hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với thanh tra, thực hiện mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Dân vận là Chủ tịch UBMTTQ, Trưởng ban Tuyên giáo là Giám đốc trường chính trị. Sắp xếp kiện toàn tổ chức lại một số đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; giảm số lượng thôn bản, tổ dân phố. Giảm tối thiểu 12% biên chế công chức; 13% biên chế viên chức so với năm 2015, tinh giản số lượng cán bộ chuyên trách và không chuyên trách xã, thôn, bản, tổ dân phố. Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền nông thôn, đô thị.

Đại hội lần thứ XII của Đảng

Đối với các đơn vị sự nghiệp, Tỉnh ủy chủ trương: Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung ứng dịch vụ công cơ bản thiết yếu chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Giảm mạnh đầu mối, toàn tỉnh giảm ít nhất 13% số đơn vị sự nghiệp công lập và 13% biên chế hưởng lương từ ngân sách, có ít nhất 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách. Cơ bản chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Đến 2025 tiếp tục giảm bình quân 10% đơn vị sự nghiệp so với năm 2021 và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Có 18% đơn vị tự chủ về tài chính, giảm tiếp 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với 2020. Đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với 2025. Theo chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, rất nhiều trung tâm của các sở, ban, ngành, trạm, đơn vị cùng chức năng ở các huyện thị sẽ được sáp nhập, hợp nhất, tổ chức sắp xếp lại cho hợp lý tránh trùng lắp nhiệm vụ, chức năng trên cùng một địa bàn, lĩnh vực. Ngân sách nhà nước sẽ chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Thực hiện giao vốn, tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai Nghị quyết 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương đề cập vấn đề tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và về công tác dân số trong tình hình mới. Đây là vấn đề hết sức nhân văn và thiết thực.

Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng dân số. Từng bước phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, đồng bộ và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, vừa chuyên sâu, vừa phổ cập; tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở, đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng. Xây dựng đội ngũ nhân lực y tế của tỉnh đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực, trình độ quản lý và chuyên môn vững vàng, phát huy lợi thế y dược học cổ truyền, dược liệu dân tộc, nâng cao năng lực cung ứng dược phẩm, phấn đấu đến năm 2025 tuổi thọ  trung bình của người dân tỉnh ta đạt 74 tuổi, trong đó ít nhất 66 năm sống khỏe mạnh; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số, chi trực tiếp từ hộ gia đình cho y tế giảm còn 30%. Suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 24%, béo phì ở người trưởng thành dưới 12%, chiều cao trung bình thanh niên nam 18 tuổi đạt 1,63m, nữ 1,54m. Trên 5% cơ sở khám chữa bệnh tự chủ về kinh phí, trên 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế. Đến năm 2030 tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm, tiếp tục giảm chi trực tiếp cho y tế từ hộ gia đình còn 25%; tăng số giường bệnh viện, bác sỹ, dược sỹ đại học, điều dưỡng viên, phát triển dịch vụ y tế tư nhân; 70% cơ sở khám chữa bệnh tự chủ được kinh phí chi thường xuyên, cơ bản khống chế các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.

Về công tác dân số, Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy xác định: Đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Thực hiện chính sách dân số đảm bảo công bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng ứng dụng các kỹ thuật mới nâng cao dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Chú trọng nội dung cốt lõi của nghị quyết là chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở vùng thấp, không sinh con thứ ba trở lên ở vùng  cao, chấm dứt hôn nhân cận huyết thống,  giảm ít nhất một nửa số cặp tảo hôn, tôn trọng quy luật tự nhiên, nghiêm cấm lựa chọn giới tính để tiến tới cân bằng tỷ lệ trẻ em trai và gái; 80% nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 60% phụ nữ mang thai được tầm soát 04 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; 80% trẻ sơ sinh được tầm soát 05 bệnh bẩm sinh thường gặp.

Một kỳ họp của BCHTW chuyên bàn về vấn đề con người và vì con người, vì sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của toàn dân. Để đưa những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 6 vào cuộc sống, các cơ quan báo chí có nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trước hết mỗi cán bộ, phóng viên phải nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết và lâu dài của Nghị quyết. Từ nhận thức đúng để đề ra kế hoạch, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề thường xuyên tuyên truyền về Nghị quyết. Qua các kênh tuyên truyền phải thường xuyên phổ biến nội dung Nghị quyết, việc thực hiện Nghị quyết có tính thuyết phục để mọi người dân đều nhận thức được nội dung cơ bản và tự giác thực hiện Nghị quyết. Nhà báo thường xuyên tiếp xúc với người dân tìm hiểu việc Nghị quyết được triển khai ra sao? Người dân nhận thức thế nào?  Phát hiện những điển hình, kinh nghiệm, nhân tố mới, tích cực để nêu gương phổ biến và phát hiện những tiêu cực, lệch lạc trong thực hiện Nghị quyết, các luận điệu xuyên tạc, kích động gây bất mãn của các thế lực thù địch đối với quá trình thực hiện Nghị quyết để phản bác kịp thời.

Trong bề bộn của cuộc sống có biết bao công việc, nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, nhưng các nhà báo nên đưa vào “bộ nhớ” của mình việc thường xuyên theo dõi, tìm hiểu, phát hiện và tuyên truyền về Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) bởi đây là vấn đề vừa nhân văn, vừa thiết thực.

Nguyễn Thanh Vân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải