song
Bảo đảm điều kiện tác nghiệp thuận lợi nhất cho báo chí tại các phiên tòa công khai
Ngày xuất bản: 05/04/2024 7:31:30 SA
Lượt đọc: 3500

 Góp ý dự Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), Hội Nhà báo Việt Nam đã có đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai.

Điều này tiếp tục khẳng định, báo chí không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Đề nghị xem xét có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất với Luật Báo chí

Vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

Theo đó tại Khoản 3 Điều 141 dự thảo luật quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa”.

Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật là hẹp hơn quy định của luật tố tụng hiện hành, chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa. Do đó cần quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa như quy định của luật tố tụng hiện hành.

 

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp đưa thông tin về một phiên tòa qua màn hình. Ảnh: Lê Tâm

Cũng liên quan đến góp ý dự Luật này, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn nêu ý kiến gửi Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các nội dung nêu tại Khoản 3, 4, 5 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Công văn nêu rõ: Vấn đề ghi âm, ghi hình tại phiên toà quy định cụ thể tại Điều 141 dự thảo luật, đề nghị xem xét có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất với Luật Báo chí, trường hợp, đối tượng nào cần giới hạn ghi âm, ghi hình để đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân cũng như không hạn chế quyền giám sát hoạt động của phiên tòa của công dân. Đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất cần bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo khi xây dựng các Luật, pháp lệnh liên quan đến hoạt động báo chí, người làm báo.

Chia sẻ về nội dung này trong dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Đề xuất này chưa đảm bảo tính công khai như tinh thần của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo ở Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.

Nguyên tắc tòa án xét xử công khai trong hoạt động tố tụng và bảo đảm quyền tham dự phiên tòa của mọi công dân sẽ góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền giám sát tối cao của Nhân dân với hoạt động xét xử của toà án.

Cơ quan báo chí cũng phải nghiêm túc thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền phổ biến giáo dục ý thức pháp luật cho người dân. Việc phản ánh trung thực diễn biến của phiên tòa từ lúc khai mạc cho đến bế mạc phiên tòa công khai cần phải là một nhiệm vụ của cơ quan báo chí để truyền đạt đầy đủ, chính xác, khách quan nhất diễn biến của phiên tòa đến người dân, những người không có điều kiện đến dự phiên tòa. Thông qua cơ quan báo chí người dân có thể quan sát, biết được thông tin và giám sát quá trình xét xử của phiên tòa công khai.

Báo chí góp phần nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp

Thực tế trong nhiều năm qua, hoạt động xét xử công khai của tòa án được báo chí đưa tin chính xác, đầy đủ. Điều này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân khi theo dõi. Những thông tin, hình ảnh chân thật được đăng tải khiến người dân thêm tin tưởng và ủng hộ, đặc biệt là các bản án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà tòa tuyên.

Và giống như trước đây, việc cho phép phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại các phiên tòa không ảnh hưởng đến quá trình diễn ra phiên tòa cũng như chất lượng phiên tòa. Mọi thứ vẫn được chủ tọa phiên tòa thực hiện bình thường. Và cũng giống như nghề báo hay bất kỳ các ngành nghề nào khác, người chủ tọa phiên tòa cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, vượt qua áp lực từ phía công chúng, từ tất cả cơ quan đơn vị khác có mặt tại phiên tòa. Người điều hành phiên tòa cần nâng cao bản lĩnh, nâng cao trình độ nghiệp vụ để bình tĩnh, đảm bảo chất lượng xét xử.

Ở góc độ nào đó, khi có sự tham gia đưa tin, ghi hình của nhà báo sẽ giúp cho công tác chuẩn bị xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng cẩn thận, kỹ lưỡng hơn. Và đương nhiên lời nói, phán quyết của thẩm phán, việc tranh tụng giữa đại diện các bên, đồng thời đảm bảo tính chuẩn mực hơn.

 

Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định rõ về quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai của nhà báo. Ảnh: Lê Tâm

Nhà báo vẫn được xem là thư ký của thời đại, người đưa thông tin đến với công chúng, vì thế, người làm báo cần được hưởng những quyền đặc biệt hơn so với những công dân khác. Người làm báo ngoài tư cách là một công dân họ còn phải chịu sự quản lý của Luật Báo chí và các quy định về quản lý báo chí khác. Họ được quyền ghi âm, ghi hình các phiên tòa công khai và việc đăng tải thông tin phải chịu trách nhiệm trước mọi thông tin đưa ra.

Trách nhiệm của báo chí, người làm báo là phải phản ánh trung thực diễn biến của phiên tòa. Nhiều vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, lượng thông tin quá lớn trong quá trình xét hỏi, tranh luận tại tòa sẽ là một thách thức rất lớn đối với việc truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác nếu nhà báo không có thông tin từ việc ghi âm, ghi hình. Nhà báo, cơ quan báo chí khi đăng tải bài viết, sản phẩm báo chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ: Các quy định pháp luật được đưa ra trong dự thảo thực hiện đúng với Luật Báo chí và tránh mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác. Ngoài những quy định như: thẻ nhà báo hay giấy giới thiệu để được chủ tọa phiên tòa đồng ý cho phép tác nghiệp, anh có thể đặt ra nội quy tham dự phiên tòa, trong đó có quy định khi tác nghiệp tại phiên tòa cần liên hệ như thế nào? Cần có khu vực riêng tạo thuận lợi cho việc tác nghiệp của báo chí mà không ảnh hưởng đến những người xung quanh.

“Theo cá nhân tôi, để Luật Tổ chức TAND sửa đổi bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí theo quy định của Luật Báo chí, cơ quan liên quan nên tổ chức cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng, chuyên gia pháp luật để phân tích rõ các vấn đề còn bất cập trong quá trình hoạt động tác nghiệp của báo chí tại các phiên tòa. Từ đó có những quy định cụ thể chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được quyền lợi, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các bên liên quan” - nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, khi các phiên tòa công khai được báo chí quan tâm đăng tải công khai sẽ càng nâng cao chất lượng tố tụng. Việc giám sát của người dân thông qua việc có mặt trực tiếp tại phiên tòa và gắn với việc thông tin phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, khách quan từ của cơ quan báo chí sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, giảm oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tất cả để thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 “Về tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải