song
Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo phóng viên trước mọi hoàn cảnh
Ngày xuất bản: 28/09/2022 8:12:42 SA
Lượt đọc: 7033

 Để có những bài viết về điều tra, phóng viên sẽ phải dấn thân vào khu vực nhạy cảm, để có bằng chứng, hình ảnh chắc chắn càng đòi hỏi người làm báo phải đầu tư công phu hơn. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả mỗi nhà báo cần làm việc một cách khách quan công tâm, theo các quy định.

Hiện nay đội ngũ phóng viên, nhà báo hoạt động dựa trên quy định của Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và các quy định pháp luật khác. Trong đó quy định rất rõ nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của người làm báo, đồng thời, có những điều khoản quy định là không ai được cản trở, đe dọa, hành hung, phá hủy phương tiện làm việc của các nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Đây chính là những quy định bảo vệ các nhà báo, ai vi phạm quy định này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh.

 

Nhóm người có những lời lẽ xúc phạm phóng viên B.H.T, yêu cầu phải xóa hình ảnh, clip mới cho đi. Ảnh cắt từ clip

Tuy nhiên dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật, nhưng thời gian gần đây, không ít nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc liên quan chống tiêu cực…

Trong thời gian gần đây, ở một số địa phương đã có những vụ việc cản trở nhà báo tác nghiệp, xúc phạm danh dự... Trong đó có nhiều vụ cản trở, hành hung xảy ra khi các cá nhân biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp. Mới đây, tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sự việc nhóm phóng viên TTXVN đã đến địa bàn có tình trạng đoàn xe chở đất chạy nhanh và ẩu trên các đường dân sinh của khu dân cư.

Nhóm phóng viên đã tiếp cận được nơi các đoàn xe di chuyển vào lấy đất, vị trí này thuộc mỏ đất Dông Cây Dừa, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn. Sau khi tác nghiệp, lúc quay ra, nhóm phóng viên đã bị hai xe tải chặn đầu, đổ đất xuống đường bịt kín lối ra, “giam lỏng” trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ.

Hay gần đây, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã xử phạt 200.000 đồng đối với một người có lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm một phóng viên. Theo đó anh B.H.T, phóng viên Báo Người Lao Động nhận phân công của tòa soạn đi tìm hiểu phản ánh của người dân về việc biệt thự số 09 lô B Q.Cầu Giấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng, đã bị chính quyền đình chỉ nhưng vẫn lén lút thi công suốt ngày đêm, khiến cuộc sống của các hộ xung quanh bị ảnh hưởng.

Quá trình tác nghiệp, anh T. phát hiện bên trong công trình có hàng chục công nhân vẫn thi công, thậm chí còn trèo qua hàng rào mà lực lượng chức năng dựng khi đình chỉ thi công để vào thi công lén lút, nên đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh. Thấy vậy, một người đàn ông từ bên trong công trình đi ra yêu cầu anh T. xóa hình ảnh. Không được đồng ý, người này đã hô hào công nhân đang thi công bên trong ra vây kín anh T. cản trở, đe dọa.

Những hành vi này cho thấy tình trạng coi thường hoạt động báo chí cũng như các quy định pháp luật nói chung. Điều này cũng có thể nhìn nhận do sự thiếu hiểu biết của các đối tượng về quyền tiếp cận thông tin báo chí.

 

Một số phóng viên bị youtuber xúc phạm danh dự, đe dọa hành hung, cản trở hoạt động trong quá trình tác nghiệp tại Tòa án Nhân dân Thành phố Thủ Dầu Một, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã đề nghị xác minh, xử lý vi phạm quyền tác nghiệp của nhà báo. Ảnh: P.V

Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh không mong muốn, mỗi người làm báo trước hết, các nhà báo phải biết tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, làm việc khách quan công tâm, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Cần trang bị cho mình kiến thức năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật...

Mỗi nhà báo khi dấn thân vào điểm nóng, có những phương án bảo vệ mình, bên cạnh đó mỗi cơ quan báo chí cũng cần quan tâm đến việc chia sẻ kinh nghiệm, tôn trọng việc lựa chọn những đề tài nóng của phóng viên nhưng cũng hướng dẫn phóng viên cách thức tác nghiệp an toàn nhất mà vẫn đảm bảo được âm thanh, hình ảnh chân thực nhất. Trang bị cho phóng viên cơ quan mình những kỹ năng xử lý tình huống, tác nghiệp đúng quy định, xác định, dự đoán các trường hợp có thể xảy ra để đối phó khi gặp phải.

Nhà báo Trần Cao Tánh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mỗi nhà báo phóng viên khi triển khai đề tài hoặc đến tiếp cận thông tin ở khu vực nào, đơn vị nào cần có báo cáo đề tài với ban biên tập, nêu rõ việc lấy nguồn thông tin có thể là bạn đọc hoặc tự tìm hiểu điều tra. Công việc có trong kế hoạch hay ngay cả trong đột xuất cũng cần xin ý kiến, có báo cáo rõ ràng để tránh những rủi ro trong quá trình tác nghiệp.

Theo nhà báo Trần Cao Tánh: “Đối với những bài viết, phóng sự điều tra những khu vực chưa rõ ràng về sai phạm, giấu giếm sai phạm có thể thực hiện theo cách tác nghiệp an toàn riêng của mỗi người. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp có thể liên hệ trước, đặt lịch làm việc sau đó tiếp cận ghi hình, ghi âm. Tránh việc gây khó, làm mất thời gian ảnh hướng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với những phóng viên các cơ quan tạp chí cũng cần hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Đối với các phóng viên nhà báo thường trú ở các tỉnh cũng cần thông báo, gửi công văn của cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú hoạt động trên địa bàn đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh thành đó quản lý theo quy định, có như vậy mới hạn chế được những vụ việc cản trở, đe dọa phóng viên”.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải