song
Chấn chỉnh, xử lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có hiện tượng “báo hóa”: Nỗ lực vì môi trường thông tin lành mạnh Bài 1: Từ chủ trương quyết tâm “dẹp loạn”
Ngày xuất bản: 15/09/2022 3:50:26 SA
Lượt đọc: 9476

 “Dẹp loạn”- là từ được dùng rất nhiều lần khi nhắc đến việc chấn chỉnh, xử lý các trang thông tin điện tử tổng hợp và một số trang mạng xã hội hoạt động “bát nháo” thời gian qua.

LTS: “Báo hóa” trang TTĐT tổng hợp mạng xã hội, mạng xã hội không phải là hiện tượng mới, mà kéo dài trong nhiều năm và điều đáng nói là ngày càng diễn biến nhiều biến tướng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự lành mạnh của môi trường thông tin trên mạng Internet. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai không ít những biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này, từ nhắc nhở, phê bình đến phạt tiền với nhiều mức độ, nặng nhất là rút giấy phép có thời hạn và vô thời hạn. Đặc biệt, mới đây, Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí đã được ban hành.

Chuyện tưởng cũ mà vẫn còn nhức nhối

Tất nhiên không phải bây giờ vấn đề chấn chỉnh, xử lý thực trạng này mới được đặt ra mà những năm gần đây, trong chủ trương chung của Bộ Thông tin & Truyền thông, vấn đề này luôn được cho là “điểm nóng” với không ít những nỗ lực của các cơ quan quản lý báo chí. Mặc dù pháp luật đã quy định rõ trang thông tin điện tử không được phép hoạt động như một tờ báo, bản thân các trang tin thông tin điện tử trong giấy phép hoạt động cũng đều không có chức năng báo chí.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn “lách luật”, “xé rào”, để hoạt động báo chí một cách bừa bãi, trái với quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến tình trạng “Báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp. Sự “nóng lên” của vấn đề này vài năm trở lại đây còn là sự chuyển dịch từ “báo hóa” trang thông tin điện tử sang “báo hóa” mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường và việc quản lý, xử lý gặp ít nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, nguyên nhân tình trạng này là do các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”.

 

Nghiêm trọng hơn là tình trạng trang tin điện tử tổng hợp “hành” Doanh nghiệp (DN) gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cụ thể, để “lách” Luật, nhiều trang tin đã chủ động liên kết với cơ quan báo chí để hợp pháp hóa nguồn tin, sau đó tự sản xuất tin, bài nhằm dọa dẫm DN để ép quảng cáo. Thậm chí, nhiều trang tin dẫn nguồn từ báo điện tử nhưng không gỡ bài khi báo gốc đã gỡ nhằm mục đích ép buộc DN được đề cập trong bài viết phải đổi quảng cáo hoặc chi tiền thì mới chịu gỡ bài.

Một số trang tin còn in thẻ phóng viên, làm giấy giới thiệu cho nhân viên của mình đến các cơ quan, ban ngành, DN để tìm hiểu tình hình hoạt động nhưng thực chất là mời chào quảng cáo, tuyên truyền. Ngoài ra không thể không kể đến tình trạng vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, khi các trang tin điện tử tổng hợp ngang nhiên lấy bài từ các báo khác nhưng không hề xin phép.

Thêm nữa, trong những năm qua, một số kẻ cơ hội chính trị, phần tử bất mãn với chế độ ở trong nước cấu kết với thế lực từ bên ngoài lợi dụng tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí để lập ra những website, blog, facebook, fanpage “tự xưng” là trang thông tin của một số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và một số ban, bộ, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các website, blog, facebook, fanpage mạo danh thường được thiết kế theo dạng trang thông tin chuyển tải tin tức, có nhiều chuyên mục với bố cục rõ ràng, cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng… Điều đáng nói là nhiều trang tin, mạng xã hội tổng hợp tin tức tiêu cực, giật gân với tần suất dày đặc; thậm chí tuyên truyền, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan...

Do đó, mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người đọc, nhất là giới trẻ trong việc tiếp cận, tìm kiếm những thông tin trên các trang mạng giả mạo các tổ chức, cơ quan và cán bộ lãnh đạo cao cấp, đều có thể bị “sập bẫy” vào mưu đồ xấu độc từ chủ nhân của các trang mạng này.

Nói về hệ lụy của thực trạng này, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Nhầm vaccine và thuốc thì có thể chỉ chết 1 người nhưng trong báo chí thì hàng giả, hàng nhái có thể gây ra tổn thất cho doanh nghiệp, sinh mệnh chính trị của một cá nhân, tổ chức, hơn thế là ảnh hưởng đến thế chế, hệ thống chính trị”.

Khi chủ trương được cụ thể hóa

Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục có nhiều biện pháp chấn chỉnh, chẳng hạn như công văn số 3825/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 29/10/2019 gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố, về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Mới đây, ngày 10/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có Công văn số 841/BTTTT-PTTH&TTĐT yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương cần tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” trang TTĐTTH và mạng xã hội.

Và mới nhất, Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí được ban hành với kỳ vọng giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.

Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, Bộ TT&TT đã xử phạt 20 trường hợp trang tin tổng hợp, mạng xã hội có biểu hiện “báo hóa”, lập danh sách 91 tổ chức, doanh nghiệp truyền thông có dấu hiệu vi phạm để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý. Hoạt động cấp phép cũng được siết chặt.

6 tháng đầu năm, chỉ có 60 trang tin được cấp phép, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Số mạng xã hội được cấp phép cũng giảm gần 40%...

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: “Chúng tôi đã ban hành Bộ tiêu chí nhận diện, chúng tôi cũng đã có kế hoạch cụ thể từ cấp Bộ tới cấp Sở để tăng cường thanh tra các doanh nghiệp hoạt động loại dịch vụ này”.

Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường sử dụng công nghệ để đo kiểm, rà quét, đánh giá hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Trong phương hướng nhiệm vụ của Bộ Thông tin & Truyền thông 6 tháng cuối năm 2022, vấn đề tiếp tục thực hiện chấn chỉnh xử lý tình trạng này được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Trong đó, tập trung giám sát và phát hiện những sai phạm liên quan đến việc đăng tải nội dung thông tin, mục đích và phạm vi cung cấp dịch vụ, các dấu hiệu “báo hóa”… để nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật (áp dụng các biện pháp tạm dừng tên miền, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động, tịch thu phương tiện vi phạm…).

Dĩ nhiên, trên thực tế, hiện nay một số quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ, chẳng hạn yêu cầu trang tin tổng hợp trích dẫn nguồn dưới bài đăng còn chưa cụ thể, quy định trang tin phải đăng lại sau báo, tạp chí nhưng lại không quy định rõ sau bao lâu, có thể tạo kẽ hở cho hoạt động báo hóa.

Những lỗ hổng này sẽ được khắc phục nhờ Nghị định mới về quản lý thông tin trên Internet, dự kiến sẽ sớm được Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Trong lúc đó, vai trò rà soát, thống kê, xử lý của các Sở thông tin & Truyền thông trong cả nước cũng được coi là biện pháp quan trọng, góp phần ngăn ngừa tình trạng “báo hóa”.

Bài 2: Khi các Sở Thông tin & Truyền thông vào cuộc

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải