song
Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí - ích lợi và thách thức
Ngày xuất bản: 24/10/2023 8:18:35 SA
Lượt đọc: 6233

 Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu thế “chuyển đổi số”được coi là sự tiếp cận bắt buộc đối với tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Dĩ nhiên, báo chí không thể nằm ngoài trục xoay đó. Mục tiêu chính của chuyển đổi số báo chí là xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm đúng chức năng vai trò thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự đổi mới của đất nước. Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí không đơn giản là việc chuyển đổi từ hình thức truyền thống sang hình thức số hóa, mà còn mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển của ngành báo chí trong tương lai

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong xây dựng chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế”. “Chương trình chuyển đổi số quốc  gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 với các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%...Điều này chứng tỏ, xu hướng chuyển đổi số là không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển hiện nay của thế giới và Việt Nam.

 

Chuyển đổi số báo chí_Ảnh minh hoạ

Chuyển đổi số báo chí là gì?

Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là quá trình áp dụng công nghệ số và các nền tảng truyền thông kỹ thuật số để thay đổi, cải tiến và tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan báo chí. Quá trình này bao gồm việc chuyển đổi từ hình thức truyền thông truyền thống sang các phiên bản số của báo chí, cũng như phát triển các dịch vụ và nền tảng trực tuyến để cung cấp thông tin và tương tác với công chúng. Chuyển đổi số giúp cải thiện tốc độ, tác động và tiếp cận của thông tin, tăng cường khả năng tương tác và tham gia của công chúng, đồng thời tiết kiệm chi phí và tài nguyên trong hoạt động báo chí.

Chuyển đổi số trong báo chí còn là chuyển đổi toàn diện về nhận thức, mô hình quản lý, mô hình sản xuất phân phối, kinh doanh các sản phẩm báo chí dựa trên số hóa tài nguyên, số hóa quy trình, ứng dụng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để xây dựng cộng đồng công chúng số và khai thác tiềm năng kinh tế số. Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 6/4/2023 đã xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030. Trong đó, mục tiêu chung là “xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”. Các mục tiêu cụ thể xác định việc hình thành và phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí, đích đến của cơ quan báo chí, hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành báo chí, của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên...

Tình hình chuyển đổi số trong hoạt động báo chí Việt Nam đang diễn ra đầy tiềm năng và mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành báo chí. Một số cơ quan báo chí Trung ương đã đi tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường thuận lợi cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí... Một số cơ quan báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự chuyển dịch và thay đổi lớn. Việc chuyển đổi này giúp các cơ quan báo chí tăng cường sự hiện diện của mình, thu hút và tiếp cận nhanh với đa dạng công chúng.

Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử: 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in): 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (Trung ương: 164; địa phương: 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử. Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương. Như vậy, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, không ít cơ quan báo chí, nhất là khối tạp chí và báo chí địa phương chậm chuyển đổi sang số vì có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật, tài chính vàm nguồn nhân lực.

Lợi ích của chuyển đổi số báo chí

Tại Việt Nam, chuyển đổi số báo chí nằm trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Các công nghệ mới và xu hướng số hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, tạo ra sự sáng tạo và thay đổi trong ngành này. Điều đó giúp cho các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí với các hình thức truyền tải hấp dẫn như podcast, video, infographics, megastory, long form... và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, dựa vào sở thích và hành vi tiếp nhận của họ. Ví dụ như, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động báo chí. AI có thể là công cụ hỗ trợ các tổ chức, hoạt động báo chí trong việc tự động hóa các công việc có tính chất lặp đi lặp lại như phân tích dữ liệu, tìm kiếm thông tin và tạo ra nội dung số. Nếu nhà báo biết tận dụng triệt để công cụ AI như một “trợ lý ảo”, không lạm dụng và dựa dẫm vào nó, thì môi trường hoạt động báo chí sẽ ngày càng văn minh và hiện đại.

Chuyển đổi số cung cấp cho các cơ quan báo chí môi trường để mở rộng phạm vi và khả năng tiếp cận thông tin người dùng. Trước đây việc phát hành và phân phối thông tin bị giới hạn bởi cả không gian và thời gian, ảnh hưởng đến cả số lượng, tần suất, tốc độ, sự đa dạng của thông tin, thì nay những rào cản đó đã bị phá vỡ. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người ở những khu vực xa xôi, kém phát triển, nơi tiếp cận thông tin có thể bị giới hạn. Bây giờ, mọi người có thể tiếp cận thông tin từ khắp mọi nơi trên thế giới chỉ bằng một cú nhấp chuột. Các công cụ như blog, podcast và video trực tuyến cũng cho phép các nhà báo tự do hơn trong sáng tạo, thể hiện hiện ý kiến và nhận quan điểm của độc giả từ khắp nơi.

Một trong những lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là tăng tính tương tác giữa nhà báo và công chúng. Trước đây, công chúng hưởng lợi từ thông tin và tiếp nhận thông tin một chiều được đăng tải trên các loại hình báo chí truyền thống. Tuy nhiên, với sự phát triển của các nền tảng truyền thông số, họ ngày càng trở thành một phần quan trọng trong quy trình, hệ thống sản xuất và tiếp nhận thông tin. Họ có thể tương tác trực tiếp thông qua việc sáng tạo, bình luận, chia sẻ và hơn hết họ có thể chủ động nêu ra ý kiến và quan điểm cá nhân. Điều này tạo ra một môi trường thông tin phong phú hơn, mọi người có cái nhìn đa chiều và cũng là nơi công chúng có thể thảo luận, chia sẻ ý kiến và tham gia vào các cuộc tranh luận quan trọng.

Chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện các hoạt động của mình từ quy trình thu thập, sản xuất, quản trị dữ liệu, phân phối nội dung thông tin, tiếp nhận và xử lý phản hồi của công chúng, đến thay đổi thói quen làm việc, cách trao đổi và giao tiếp với nhau, cách xây dựng bộ máy và quản trị hệ thống phân cấp trong tòa soạn, tạo ra văn hóa công sở mới, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Ngoài ra, việc chuyển đổi số cũng giúp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Với sự chuyển đổi sang hình thức báo chí điện tử và truyền thông trực tuyến đã giúp giảm thiểu đáng kể việc in ấn và giảm thiểu khí thải, ô nhiễm môi trường.

Thách thức trong chuyển đổi số báo chí

Chưa bao giờ trên các nền tảng số, người dùng có thể chủ động tạo ra một lượng lớn nội dung thông tin như hiện tại! Sự chủ động ấy đã làm thay đổi mô hình truyền thông cũ mà ở đó công chúng ở vai bị động “tiếp nhận” thông tin. Công chúng bây giờ không phải “tìm kiếm” tin tức vì số lượng quá nhiều, thậm chí còn bị thông tin “truy đuổi” mọi lúc, mọi nơi, vì vậy, các cơ quan báo chí nếu không thay đổi, theo kịp thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu theo dõi thông tin chủ động của công chúng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nguy cơ sụt giảm và mất số lượng lớn công chúng, không tạo ra nguồn thu đủ đáp ứng nhiệm vụ phát triển nội dung, đầu tư công nghệ, gặp thất bại trên mặt trận tư tưởng, không thực hiện được nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước, dẫn đến khả năng mất chủ quyền trên không gian là một thách thức lớn trong chuyển đổi số báo chí.

Thiếu nguồn lực và kiến thức về công nghệ cũng là một hạn chế ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Chuyển đổi số đòi hỏi các cơ quan báo chí cần đáp ứng đủ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và nguồn nhân lực chuyên môn. Nhiều cơ quan báo chí hiện nay thiếu nguồn lực và những kiến thức công nghệ cần thiết để triển khai và quản lý các nền tảng trực tuyến một cách chuyên nghiệp. Trên thực tế, kỹ thuật công nghệ và kỹ thuật nghiệp vụ báo chí chuyển đổi số chủ yếu du nhập, tiếp cận từ nước ngoài, và không phải cơ quan báo chí, nhà báo nào cũng có cơ hội được tiếp xúc, học tập bài bản, phần lớn là phải tự mày mò tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm của nhau.

Các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các kênh truyền thông lớn của các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia như Facebook, Google... Các kênh truyền thông này hầu hết đều có nguồn tài nguyên lớn và công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra áp lực, sự cạnh tranh lớn đối với các cơ quan báo chí trong việc giữ chân độc giả của mình. Trên thực tế, việc cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội cũng đang thúc đẩy các cơ quan báo chí buộc phải tìm cách thích ứng và cải tiến để duy trì, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Một trong những thách thức lớn nữa mà chuyển đổi số báo chí phải đối mặt đó là vấn nạn “tin giả” và độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng. Với sự phát triển của truyền thông xã hội, mọi người, ai cũng có thể dễ dàng trở thành “nhà báo công dân”, dễ dàng chia sẻ thông tin mà chẳng ai kiểm tra tính xác thực của nó. Điều này khiến việc phân loại và sàng lọc tin tức diễn ra phức tạp hơn, gây gián đoạn hoặc cản trở người đọc tiếp cận những thông tin chính thống từ báo chí. Chuyển đổi không hề đơn giản, và chuyển đổi số còn khó khăn hơn! Nhưng chuyển đổi số báo chí không phải dự án mà là một hành trình. Tuy nhiên, đây là một hành trình không hề đơn giản, chắc chắn gặp phải nhiều rào cản, thách thức. Điều quan trọng đầu tiên là sự quyết tâm xuyên suốt của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cao nhất trong hệ thống báo chí và sự thay đổi thói quen, nhận thức của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cùng sự sẵn sàng chuyển đổi các vị trí việc làm cho phù hợp môi trường tác nghiệp số của họ. Vì vậy, chuyển đổi số ngoài việc chuyển đổi về công nghệ, phải nghĩ đến yếu tố con người.

Theo Tạp chí Người làm báo điện tử

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải