song
Chuyện nghề của phóng viên vùng cao Hờ A Cớ
Ngày xuất bản: 22/09/2021 8:56:55 SA
Lượt đọc: 14248

 Chuyện nghề của phóng viên vùng cao Hờ A Cớ

Trải qua hơn 17 năm công tác, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Mù Cang Chải, phụ trách lĩnh vực phát thanh – truyền hình, đồng thời kiêm nhiệm cả vai trò của một phóng viên, anh Hờ A Cớ kể những câu chuyện dọc đường tác nghiệp của một người làm báo tại một huyện xa nhất, rộng nhất và khó khăn nhất tỉnh Yên Bái.

Phóng viên Hờ A Cớ (Áo trắng) tác nghiệp tại hiện trường

Là một người con của mảnh đất Mù Cang Chải, anh Hờ A Cớ may mắn khi được tham gia dự án dành riêng cho phóng viên người dân tộc do VTV5, Đài Truyền hình Việt Nam tài trợ, anh gắn bó với nghề báo từ đó.

Những năm đầu đến với nghề, khi mà điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, máy móc thô sơ, nhất là thiết bị và đường truyền về Đài PT – TH tỉnh chưa có, nên cứ mỗi lần làm tin, bài về hội nghị của huyện, đặc biệt là các hội nghị lớn, sự kiện quan trọng, anh phải một mình đi xe máy từ huyện Mù Cang Chải xuống Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để dựng. Để đảm bảo thời tính thời sự, không kể thời gian sớm hay muộn, mưa hay nắng, cứ xong hội nghị là anh lên đường, nếu thời tiết thuận lợi anh phải mất 5 tiếng đồng hồ, thời đó chủ yếu là quay phim bằng băng số nên trong quá trình đi từ huyện về thành phố có những lần băng bị ẩm do thời tiết, hoặc bị trục trặc kỹ thuật mà không có cách nào khắc phục.

Mù Cang Chải được biết đến là một huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt bởi các khe suối, núi rừng, nên việc tác nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, nên có những vấn đề, vụ việc khi anh đưa lên truyền hình đã gặp phải sự phản đối gay gắt của bà con dân bản.

Là người địa phương, anh hiểu phong tục tập quán, tiếng nói, địa hình nên khá thuận lợi trong quá trình tác nghiệp, cộng với sự đam mê với nghề nên anh không quản khó khăn, bám sát cuộc sống, tập trung tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, những chủ trương, chính sách mới cho đồng bào các dân tộc nhằm góp phần đưa công tác tư tưởng, văn hoá giúp cho người dân tiến bộ.

17 năm làm báo ở nơi vùng cao nghèo khó này, anh đã có những chuyến đi để lại ấn tượng và là bài học kinh nghiệm trong nghề, anh kể lần làm phóng sự về phá rừng tại La Pán Tẩn năm 2010, để có thể qua mặt những kẻ phá rừng anh đã đóng vai người đi chăn trâu, gùi một chiếc cở của người Mông, trong cở là máy quay  phim, một mình lang thang đến những nơi rừng bị chặt phá, sau nhiều ngày lăn lộn, anh đã có những hình ảnh chân thực, đắt giá cho phóng sự điều tra 2 kỳ “Nguy cơ mất rừng do khai thác khoáng sản”, rồi những phóng sự giá trị về nguy cơ ô nhiễm môi trường khi các mỏ khoáng sản đi vào hoạt động. Khi thực hiện những phóng sự đó anh đã bị nhiều người chỉ trích, cản trở, có những lúc gần như phải bỏ cuộc nhưng với quyết tâm và lòng yêu nghề, những phóng sự đó đã hoàn thành và được dư luận đánh giá cao.

Anh Hờ A Cớ chia sẻ: “Là một người con của Mù Cang Chải, mình may mắn khi được làm nghề báo - một nghề vinh dự và tự hào, mình luôn trăn trở làm thế nào để giúp người dân có một nhận thức đúng đắn; mong muốn để các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với đồng bào nhằm đẩy lùi các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với điều kiện, xu hướng phát triển của xã hội và đồng bào mình biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thoát nghèo bền vững”.

Hiện nay, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Mù Cang Chải chỉ có 2 phóng viên, nên ngoài vai trò là Phó giám đốc phụ trách lĩnh vực phát thanh – truyền hình, anh Hờ A Cớ kiêm nhiệm cả vai trò của một phóng viên, hầu như mọi hoạt động anh đều phải xắn tay lao vào làm. Vì vậy, dù công việc áp lực cao nhưng anh cùng đồng nghiệp vẫn không quản ngại khó khăn, bám sát cơ sở nên những tin tức của huyện luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời đến với công chúng.

Với anh trải nghiệm thực tế cuộc sống là môi trường để anh trưởng thành, những người đồng chí, đồng nghiệp là người thầy bên cạnh trong lúc tác nghiệp và những trao đổi thẳng thắn trong công việc đó chính là những bài học thực tiễn của người làm báo. Vượt lên tất cả, anh vẫn tự động viên bản thân gắn bó, tâm huyết với nghề mình đã chọn, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và cùng các đồng nghiệp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển sự nghiệp phát thanh - truyền hình ở tuyến huyện.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải