song
Chuyện về Nhà báo trẻ đầy quả cảm Đinh Hữu Dư
Ngày xuất bản: 28/12/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 33802

 Sau dòng nước dữ ngày 11/10, dòng suối Thia (Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) đã trở lại dáng vẻ yên bình. Cây cầu Ngòi Thia gãy nhịp rồi cũng sẽ được nối lại. Nhưng câu chuyện về chàng phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư, công tác tại Cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái hi sinh vì những dòng tin nóng thì có lẽ không chỉ hôm nay, ngày mai mà mãi mãi sau này nhiều người còn nhắc tên anh - như một điển hình về niềm đam mê nghề nghiệp, nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn và cả những ước mơ thiện nguyện cao đẹp.

*Tuổi thơ cơ cực

Những ngày qua, cùng với những thông tin về trận mưa lũ lịch sử xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, thông tin về  Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN thường trú ở Yên Bái bị nước lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp trên cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái được xã hội hết sức quan tâm. Những người quen biết anh, hoặc không đều cầu mong một “phép màu” sẽ đến với chàng phóng viên trẻ. Cuối cùng lực lượng cứu hộ cũng đã tìm thấy thi thể của Dư  đưa về với quê hương trong mất mát, đau thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...

Phóng viên Đinh Hữu Dư

 Đinh Hữu Dư, sinh năm 1988 tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Có lẽ ít ai có thể hình dung được, giữa những nhộn nhịp, phát triển của một thành phố trẻ lại vẫn còn mảnh đời, số phận với nhiều khó khăn và vất vả như Dư. Để mưu sinh, gia đình Dư đã phải trải qua nhiều năm tháng cơ cực với nghề đốt vôi, đóng gạch. Sức khỏe yếu, công việc vất vả, độc hại và không đủ trang trải cho cuộc sống bốn người, năm 1999, khi Dư tròn 11 tuổi và em gái tròn 6 tuổi, bố mẹ Dư đã phải để lại 2 con cho ông bà nội để đi làm ăn xa ở vùng kinh tế mới thuộc huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với ước mong thoát nghèo. Trước khi đi, bố mẹ Dư đã xây tạm cho 2 anh em một “ngôi nhà” bằng gạch xỉ rộng chưa đến 10m2 bên cạnh ngôi nhà sập xệ không kém của ông bà nội. “Ngôi nhà” khiêm tốn với đồ đạc chỉ vẻn vẹn có 1 ngọn đèn dầu, 1 chiếc giường và 1 thanh gỗ treo quần áo là nơi sinh sống, học tập của Dư và em gái suốt những năm thơ bé đến hết bậc phổ thông.

Thấu hiểu được nỗi cơ cực của bố mẹ và những khó khăn của gia đình, từ bé Dư luôn chăm chỉ học tập và sống rất tự lập. Ở cái tuổi bạn bè còn “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Dư đã trở thành một phần trụ cột của gia đình. Anh phải thay bố mẹ chăm sóc cho em và phụng dưỡng ông bà đã già yếu. Tất cả dồn lên đôi vai của chàng trai nhỏ bé, hiền lành và đầy nghị lực.

Ngày nào cũng vậy, ngoài giờ học trên lớp Dư lại theo mọi người trong khu đi đóng gạch, đốt vôi, nghỉ hè dài ngày anh lại đi nhổ lông vịt thuê. Chỉ kiếm được vài chục nghìn một ngày, nhưng cứ có công việc hay ai thuê gì Dư cũng làm. Nhiều ngày, Dư dậy từ tờ mờ sớm, hái rau cho bà đi bán rồi mình lại tất tả đến trường. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bà nội già yếu nhưng hàng ngày vẫn phải đi bán bánh cuốn ngoài chợ thu nhập chẳng được bao nhiêu nên Dư không bao giờ ca thán hay phàn nàn gì.

Cô Mai Thị Thêm, thím của Dư cũng là “hàng xóm” cạnh gia đình Dư vẫn không tin được người cháu ngày nào vẫn chạy theo xin thím đi làm cùng đã ra đi mãi mãi ở tuổi đời còn quá trẻ. Cô Thêm tâm sự: “Dư là đứa rất chăm chỉ và hiền lành. Ngày còn bé vẫn theo bố mẹ đi trộn hồ, đóng gạch. Sau này bố mẹ đi làm ăn xa, Dư lại nhờ mọi người xung quanh ai có việc gì thì gọi cháu đi làm cùng. Sợ cháu còn bé, lại đang ở tuổi ăn học không làm được việc nên ban đầu mọi người đều từ chối, nhưng thấy cháu cứ quyết tâm xin đi làm cùng, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mọi người cứ nhận được việc là lại gọi cháu đi. Cháu đi làm rất chăm chỉ, xong việc mọi người trả bao nhiêu thì nhận chứ không hề kêu ca, đòi hỏi gì nên ai cũng quý, cũng thương”.

Những năm tháng còn ở cùng bà nội, bữa cơm hàng ngày của mấy bà cháu Dư thường chỉ có muối vừng và rau luộc. Nhiều người hàng xóm kể lại, có bữa thấy anh chỉ nấu một quả cà chua ăn cả ngày. Trong câu chuyện về người con trai hiếu thảo, nước mắt ông Đinh Hữu Trọng, bố đẻ Dư lúc nào cũng không ngừng rơi. Ông nói ông ân hận. Sự ân hận của người cha chỉ vì gia đình quá nghèo đã không thể cho con một tuổi thơ đầy đủ đúng lứa tuổi như bao bạn đồng trang lứa khác và cho con một ngày được hưởng sự an nhàn. Trái lại, chỉ có những gánh nặng mưu sinh đè nặng trên vai con….

*Người “chiến sỹ” giàu nghị lực

Cả một tuổi thơ khó khăn là vậy nhưng anh Dư luôn lạc quan và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ bỏ học. Bà Trung Thị Hà, mẹ đẻ anh Dư cho biết: “Cả ngày đi học rồi đi làm nhưng cứ đến tối, sau khi dọn dẹp và làm hết những công việc trong nhà phụ giúp bố mẹ là Dư lại tự động ngồi học cho đến khuya, có khi đến sáng. Từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, ra trường và đi làm, bố mẹ chưa một lần nào phải nhắc nhở Dư chuyện học hành. Phải lo toan cho cuộc sống từ sớm nên Dư “già dặn” hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều”.

Khi còn đi học, anh Dư là một học sinh ham học, sống chan hòa với bạn bè và có năng khiếu đối với các môn học khối xã hội, đặc biệt là sở thích đối với môn văn. Từ bé Dư đã rất thích văn chương và hay làm thơ. Đó là những vần thơ về thiên nhiên, con người và sau này là những bài thơ đầy trăn trở về cuộc sống. Ngay từ những năm cấp 2, khi còn là học sinh trường THCS Ninh Thành, thành phố Ninh Bình, Dư là bạn nam duy nhất lọt vào đội tuyển văn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải 3. Khi học PTTH, Dư cũng đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa và nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Sau này Dư có tâm sự với mẹ là thích theo nghề báo và quyết định đăng ký thi Đại học ngành này. Bà Hà vẫn còn nhớ như in ngày Dư chuẩn bị để lên Hà Nội thi Đại học, lần đầu tiên thấy con vừa khóc vừa tâm sự rằng lo lắng vì không có tiền để đi thi. “Nghe con trai nói vậy 2 vợ chồng tôi thương con quá, liền tìm cách vay mượn và bán một số vật dụng trong gia đình lấy 1 triệu đồng cho Dư lên Hà Nội thi Đại học. Mấy ngày học hành thi cử trên Hà Nội, đến khi về Dư còn cầm về đưa lại cho bố mẹ hơn 200 nghìn đồng, nói là tiền còn thừa”, bà Hà không kìm được nước mắt khi nhắc về con.

Sách Dư quyên góp được đã đưa tới cho các em học sinh vùng cao

Trong mắt bạn bè Dư là người sống rất lạc quan và tự trọng. Đó là lí do bạn bè Dư từ bậc Trung học cơ sở đến Phổ thông Trung học và cả Đại học, sau Đại học, dù thân đến mấy cũng ít biết hết về hoàn cảnh thực sự của Dư. Chị An Hiền Linh, giáo viên trường Cao đẳng Y Ninh Bình cũng là bạn học 7 năm bậc Phổ thông và Đại học cùng Dư cho biết, đối với cô và nhiều bạn học khác Dư là người khiêm nhường, chu đáo và rất quan tâm đến mọi người. “Suốt những năm học phổ thông, nếu như chúng tôi chỉ biết học và chơi thì Dư lại rất sớm có ý thức hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường. Dư là người vận động các bạn cùng lớp tham gia dạy chữ cho các em nhỏ ở Trung tâm bảo trợ công tác xã hội tỉnh Ninh Bình. Không chỉ có vậy, Dư còn là người thành lập nhóm Discovery với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh trong nhà trường. Với mong muốn các bạn biết bỏ rác đúng nơi quy định, dọn dẹp sạch sẽ môi trường xung quanh, nhóm Discovery do Dư thành lập và đi vào hoạt động đã phần nào thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường của học sinh chúng tôi ngày đó”.

Là giáo viên dạy văn chủ nhiệm lớp Dư 3 năm THPT ở trường chuyên Lương Văn Tụy, thành phố Ninh Bình, cô Tạ Anh Ngọc cho biết, ấn tượng của cô về Dư là người học trò rất hiền lành, ít nói nhưng rất năng nổ và trách nhiệm trong các hoạt động của lớp, của trường. “Lớp có 34 học sinh thì chỉ có 2 nam nên các công việc khó khăn, nặng nhọc gì của lớp Dư đều hăng hái đảm nhận, không nề hà gì. Dư sống chan hòa với mọi người và luôn nhường nhịn người khác nhưng Dư rất kiệm lời về cuộc sống, hoàn cảnh gia đình. Sau này khi biết được một chút về hoàn

cảnh khó khăn của gia đình Dư thì mọi người phải khéo léo tìm cách giúp đỡ thật tế nhị vì Dư là người tự trọng cao, không muốn mọi người thương hại và luôn muốn được đối xử công bằng như các bạn khác”.

Thật tiếc, yêu cầu của công việc nên chúng tôi chưa tìm hiểu nhiều về quãng thời gian học tại Học viện báo chí và Tuyên truyền cũng thư thời gian Dư đi làm tại các cơ quan như báo Thời nay (báo Nhân Dân), VTV24 hay tạp chí Công đoàn và Lao động để kiếm sống và học thạc sỹ báo chí. Chỉ biết rằng Dư là người học rất giỏi, được bạn bè bầu là lớp phó phụ trách học tập và đã trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay khi còn là sinh viên đại học của nhà trường.

Năm 2016,  sau khi Thông Tấn Xã Việt Nam tuyển phóng viên, Dư đã tham dự kỳ thi và đã trúng tuyển với số điểm đứng thứ hai trong tổng số hơn 700 thí sinh tham dự. Vào Thông Tấn xã Việt Nam, Dư được phân công nhận nhiệm vụ tại Cơ quan Thường trú Thông Tấn Xã Việt Nam tại Yên Bái vào tháng 10/2016. Ngay trong tuần đầu ở Yên Bái, khi đã sớm ổn định chỗ ăn, nghỉ và đã đề xuất với cơ quan xin đi công tác tại huyện vùng cao Mù Cang Chải. Tôi hỏi em sao chọn huyện này, em nói vì đó là huyện xa nhất, khó khăn nhất và em đã xác định sẽ chọn Mù Cang Chải là huyện đầu tiên để đến tác nghiệp tại Yên Bái. Thế rồi hôm sau Dư cùng phóng viên Phạm Thế Duyệt lên đường đi Mù Cang Chải.

Dư rất cẩn thận, làm việc có kế hoạch rõ ràng. Mỗi lần đi công tác em luôn tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến đề tài mình sắp thực hiện, để khi đến thu thập thông tin được nhanh chóng, hiệu quả và đúng kế hoạch đề ra...  

Quả thực, khi chứng kiến cách Dư tác nghiệp, bạn bè đồng nghiệp ai cũng thán phục về phong độ, sức khỏe dẻo dai cũng như độ nhiệt huyết với nghề. Cách đây hai tháng, cũng trong trận lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, đồng nghiệp thấy Dư dũng cảm, không ngại gian khổ, có mặt ở những điểm khó khăn nhất, tác nghiệp kịp thời để có được những thông tin đắt giá, những thước phim, bức ảnh ấn tượng về sự tàn khốc của mưa lũ. Ghi nhận những thành tích trong đợt thông tin tình hình mưa lũ ấy, UBND tỉnh Yên Bái đã tặng Bằng khen cho em. 

*Bao ước mơ, hoài bão còn giang dở

Dư là người khiêm nhường, chí lớn với bao ước mơ hoài bão để giúp ích cho đời vẫn còn dang dở. Trong đoạn thơ Dư viết năm 27 tuổi:

Trà sớm trăng khuya ngày tháng qua
Nào phải công danh với sơn hà
Nuôi cây dưỡng chí cho bền chí
Chờ chuyển càn khôn ngóng sao sa
Hai mươi bảy tuổi người xuống núi
Ta vẫn mình ta ta với ta...

Hay: Có người sống như họ sẽ không bao giờ chết để rồi đến khi họ chết như chưa bao giờ sống...

Dư rất kiệm lời khi nói về mình nên chúng tôi không thể hiểu nhiều về những ước mơ, hoài bão của em…

Trong căn phòng lạnh lẽo, trống vắng Dư, nhìn vào đống sách tôi chợt nhớ ra, có lần em về Hà Nội khi lên đến Yên Bái với những bao tải được đóng gói kỹ càng . Dư bảo: “Sách này cháu đem lên để giúp các em nhỏ vùng cao ở xã Chế Tạo (xã đặc biệt khó khăn nhất và cũng là xã  xa nhất của huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái)”.  Tiếc rằng Dư vẫn chưa gom được nhiều sách đủ để lập nên một thư viện cho học sinh ở xã Chế Tạo thì em đã ra đi.

Chàng phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư đã đi xa, bỏ lại bao ước mơ, dự định còn dang dở phía trước chưa kịp hoàn thành. Nhưng với những người còn ở lại, Dư mãi mãi vẫn là “người hùng”. Câu chuyện về Dư những ước mơ hoài bão của em  không thể kết thúc mà sẽ còn được những người làm báo chúng tôi viết tiếp cho hiện tại và mai sau ./.

Đức Tưởng - Thùy Dung

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải