song
Cơ sở pháp lý và ý nghĩa của hoạt động cải chính thông tin trên báo chí
Ngày xuất bản: 07/10/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 10873

 - Cải chính là một hoạt động nghề nghiệp không thể thiếu của nghề báo và người làm báo. Tuy nhiên, vấn đề cải chính cũng có tính pháp lý khi có những văn bản quy định luật cụ thể về vấn đề này. Đặc biệt, nhiều người làm báo chưa ý thức rõ về ý nghĩa của hoạt động cải chính, ngoài việc thực hiện nó như một nghĩa vụ khi đưa tin sai.

 

Cơ sở pháp lý và ý nghĩa của hoạt động cải chính thông tin trên báo chí

Thông tin sai và cơ sở cải chính thông tin sai trên báo chí

Từ thực tiễn hiện nay có thể thấy, trên báo chí không tránh khỏi những sai sót.

Có 2 kiểu thông tin sai mà báo chí hiện nay thường gặp là thông tin sai do lỗi kỹ thuật trong quá trình in ấn, đánh máy và lỗi từ nội dung thông tin của bài báo.

Từ “cải chính” được hiểu là: Sửa lại cho đúng. Còn đính chính được hiểu là: Sửa lại cho đúng những chỗ in, viết, nói sai. Theo cách giải thích rộng hơn, “cải chính” được hiểu là lời của toà soạn hay của một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân bác bỏ một thông tin hoặc một nhận xét sai và nói rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến mà mình khẳng định là đúng về việc ấy. Cải chính thường đồng nghĩa với đính chính.

Như vậy, trong hoạt động báo chí nói chung, cải chính được hiểu là : Lời của một cơ quan báo chí về việc bác bỏ, hay sửa lại những thông tin đã đăng, phát, sai nội dung trên ấn phẩm của cơ quan mình và khẳng định lại thông tin đúng.

Hiến pháp năm 2013, Điều 14, điều 25 đã quy định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí. Triển khai thi hành Hiến pháp 2013, đặc biệt là thực hiện các quy định tại điều 14, điều 25 của Hiến pháp, Luật Báo chí 2016 được Quốc hội khoá 13, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, đã quy định một số nội dung mới so với Luật Báo chí hiện hành như sau:

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí: Điều 9, Luật Báo chí 2016 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, trong đó đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số hành vi so với Luật Báo chí hiện hành, có bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng...

Về cải chính và xử lý vi phạm: Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí 2016 đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.

Theo điều 42, Luật Báo chí 2016 quy định: Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 52 của Luật này.
Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí. Lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí được đăng, phát liền sau nội dung thông tin cải chính.

Việc đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm phải thực hiện theo quy định sau đây: Đăng, phát tại trang hai đối với báo in, trang cuối đối với tạp chí in, chuyên mục riêng tại trang chủ đối với báo điện tử với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin; Đăng, phát đúng chuyên mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng đối với báo nói, báo hình mà báo chí đã đăng, phát thông tin.

Khi đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây: Tiêu đề: “Thông tin cải chính, xin lỗi”; Tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính; Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính.

Thời điểm đăng, phát cải chính, xin lỗi được quy định cụ thể, như được thực hiện ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất là 7 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính, xin lỗi; Cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.

 

Mức phạt báo chí đưa tin sai sự thật

Ý nghĩa việc cải chính thông tin sai trên báo chí

Từ văn hóa xin lỗi trong giao tiếp của người Việt thì xin lỗi được đánh giá là dấu hiệu của lòng tự trọng cá nhân, của văn minh xã hội. Và tất nhiên, người ta sẽ nhìn vào những biểu hiện của việc xin lỗi trong xã hội ấy để đánh giá sự phát triển của một xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng: Xin lỗi phải đi kèm với một nỗ lực tối đa để sửa chữa sai lầm, để khắc phục hậu quả. Chứ không phải xin lỗi rồi để đấy.

Báo chí là một loại hình của truyền thông và tất nhiên nó có sự giao tiếp giữa các chủ thể dù trực tiếp hay không. Có thể là giao tiếp giữa bạn đọc với nhau, hoặc giữa tòa soạn và bạn đọc. Nội dung của giao tiếp này không gì khác chính là: Thông tin. Vì vậy, khi cơ quan báo chí thông tin sai, điều không thể bàn cãi là phải có lời xin lỗi. Soi vào quy chiếu văn hóa Việt Nam với sự trang trọng trong lời nói, trong nghi lễ nói thì việc này, các cơ quan báo chí phải đặt trong hoàn cảnh trang trọng, trong mục có tính chất trang trọng và không thể thiếu sự chân thành.

Cải chính trên báo chí, được hiểu là thông tin lại những gì mình đã làm sai, vậy nên, việc cải chính luôn đi cùng với lời xin lỗi của cơ quan báo chí. Đây là vấn đề vừa thuộc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, vừa thuộc vấn đề có tính pháp lý cao, lại chứng tỏ văn hóa giao tiếp, văn hóa phản hồi của cơ quan báo chí.

Từ góc độ tiếp cận của độc giả có thể thấy: Thực tế báo chí hiện nay chưa có chuẩn mực chung nào cho vấn đề cải chính. Đăng ở đâu, như thế nào, phần nào, bao nhiêu từ thì vừa, trình bày mục đó ra sao? Tên mục cải chính này cũng không thống nhất. Báo thì ghi là “cải chính”, báo thì “nói lại”, báo lại chọn cách “đọc lại cho rõ”... điều đó tất nhiên làm người đọc cảm thấy chưa hài lòng, cảm thấy chưa được xin lỗi thỏa đáng.

Hoạt động báo chí là hoạt động thông tin có tính chính trị xã hội. Vì vậy, khi báo chí thông tin sai, việc cải chính vừa có tính pháp lý vừa là trách nhiệm của báo chí trước công chúng. Còn từ góc độ uy tín của cơ quan báo chí có ý kiến cho rằng: Cải chính thông tin là việc không có tờ báo nào hoàn toàn không mắc phải. Vì cạnh tranh thông tin nên các tờ báo phải đưa tin cho nhanh mà chưa qua kiểm tra chính xác. Người đọc báo khi cầm tờ báo trên tay mà thấy hai từ “cải chính” thì cảm thấy rất khó chịu. Nếu cải chính xuất hiện với tần suất cao sẽ gây phản cảm cho người đọc và tờ báo cũng dần dần mất uy tín. Điều này có đúng hay không?

Trước tiên, phải nhìn nhận vấn đề thật trung thực trong quá trình làm nghề. Nhà báo lấy nguồn tin từ đâu? Từ hệ thống văn bản pháp quy, từ người đại diện phát ngôn của các tổ chức, thông tin trong quá trình tự thu thập điều tra, phỏng vấn, từ nguồn tin riêng.

Việc một tờ báo thường xuyên sai sót là điều khó chấp nhận. Vì vậy, nguồn tin của báo chí cần phải có độ chính xác cao, hạn chế ít nhất thông tin sai dẫn đến việc phải cải chính. Những sai sót của cơ quan báo chí do độc giả phát hiện và chỉ ra cho thấy một phần của sự phản hồi làm nên hiệu quả của báo chí. Tức là độc giả không chỉ đọc thông tin rồi để đấy, mà có sự ngẫm nghĩ, có sự trao đổi ngược lại với tòa soạn.

Theo lý thuyết truyền thông, đó là những thông tin có giá trị cao trong việc tác động vào nhận thức người đọc - là hiệu quả thực của báo chí. Vì vậy không có lý do gì để tòa soạn hay cơ quan báo chí không phản hồi. Nếu thông tin độc giả không đúng, nhà báo, cơ quan báo chí hoàn toàn có thể phản hồi bằng cách giữ nguyên quan điểm của mình. Nhưng nếu thông tin của báo thực sự sai, việc cải chính cũng là cách phản hồi đầy trách nhiệm của cơ quan báo chí. Nó không làm mất đi uy tín của cơ quan báo chí mà cho thấy sự tôn trọng cần thiết đối với độc giả của mình.

Vài năm trước Vinastas phải cải chính vì đưa tin sai sự thật về nước mắm Việt nam

Nhìn nhận đúng vai trò của hoạt động cải chính

Cải chính có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong hoạt động báo chí. Nhưng cao hơn, đó cũng là một vấn đề có tính pháp lý, được pháp luật quy định rõ mà nhà báo và cơ quan báo chí không thể không quan tâm. Cải chính trên báo chí là một hoạt động không thường xuyên của báo chí, nhưng cần thiết để nâng cao uy tín của cơ quan báo chí và thể hiện sự tôn trọng độc giả.

Cải chính trên báo chí cũng là vấn đề mà những người làm báo phải nắm rõ để tránh sai sót, đảm bảo tính khách quan, trung thực của báo chí và tất nhiên cũng đảm bảo đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hoạt động nghiệp vụ. Cải chính ngoài vấn đề mang tính hoạt động nghề nghiệp, còn là vấn đề có tính pháp lý cao, tức là không phải vấn đề có muốn hay không mà là vấn đề bắt buộc phải cải chính nếu đã thông tin sai.

Để giảm thiểu các sai phạm trên báo chí, ý kiến của nhiều người trong nghề cho rằng: Các cơ quan báo chí phải thường xuyên tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ với phóng viên và hoàn thành nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp về những vấn đề đăng hay không nên đăng. Ngoài ra, chế tài xử phạt hành vi vi phạm đối với báo chí xuất bản phải đủ sức răn đe. Đây chính là vấn đề của các cơ quan báo chí khi muốn hạn chế được thông tin sai và nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên.

Muốn vậy, trước tiên, tòa soạn phải có quan điểm rõ ràng đối với thông tin sai và có quy chế đối với phóng viên. Trong việc hạn chế thông tin sai, việc nâng cao trình độ nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo, đặc biệt là lãnh đạo báo chí cũng là vấn đề quan trọng. Đây chính là cách để nâng cao tính chuyên nghiệp trong khâu chỉ đạo và điều hành các cơ quan báo chí.

Với sự chỉ đạo đúng đắn về vấn đề thông tin, các cơ quan báo chí sẽ hạn chế thấp nhất thông tin sai. Với quan điểm nhìn thẳng sự thật, cơ quan báo chí sẽ có cách cải chính hợp lý và minh bạch đến độc giả. Sự coi trọng thông tin cải chính sẽ làm tăng uy tín và sự tín nhiệm của độc giả đối với tòa soạn./.

Theo Tạp chí Người làm báo điện tử

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải