song
Dấu tích một thành lũy cổ Bản Viềng
Ngày xuất bản: 22/06/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 9161

  - Những lần vào Nghĩa Lộ và tiếp xúc với một số hội viên thuộc Chi hội Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số Việt Nam là người dân tộc Thái ở Mường Lò, chúng tôi thường được nghe họ nhắc đến những truyền thuyết hoặc ghi chép bằng văn tự Thái cổ trong cuốn Quam tổ mướng, nghĩa là "sách về tổ mường", nói về cội nguồn của tộc người Thái khi di cư vào Việt Nam, đến vùng Ao Luông thuộc xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay, họ đã lấy khu vực thôn Bản Viềng làm thủ phủ.

Một số hội viên Chi hội Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số Việt Nam là người dân tộc Thái ở Mường Lò trao đổi bên di tích hai tảng đá lớn tại đầu đường từ quốc lộ 32 đi xuống thôn Bản Vãn và thôn Ao Luông.

 

Tại đây, thủ lĩnh của tộc người Thái là Tạo Xuông cùng những người dân di cư mở đất lập nghiệp rồi sinh được Tạo Lò. Tạo Lò kế nghiệp sinh được bảy người con trai. Sau đó, Tạo Lò chia đất cho những người con cai quản các mường ở Tây Bắc Việt Nam; trong đó, 3 người con đầu được chia lãnh địa ở toàn bộ khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái ngày nay. 

Dấu tích của việc phân chia lãnh địa cho ba người con đầu, theo lời kể của những người cao tuổi am tường lịch sử và văn hóa dân tộc Thái ở Mường Lò thì hiện tại trong thôn Bản Viềng và khu vực lân cận  còn có 3 cây đa gồm: cây đa thôn Bản Cóc, cây đa thôn Bản Vãn và cây đa thôn Bản Viềng là chứng tích Tạo Lò đã trồng để ghi dấu chỉ hướng lãnh địa của ba người con ở vùng Mường Lò. Bà con ở đây cho biết, mấy chục năm trước, những cây đa ở đây rất to, có cây đếm được 11 gốc, nhưng nay những gốc già hóa, chỉ còn lại 1 đến 2 nhánh mới. 

Ngoài dấu tích 3 cây đa, còn có 2 tảng đá được đặt ở hai bên đầu đường nối từ quốc lộ 32 đoạn thôn Bản Viềng đi xuống thôn Bản Vãn và thôn Ao Luông, được bà con nơi đây nói về những ý nghĩa khác nhau của hai tảng đá này như: cột đá buộc voi; đá thiêng ở cổng chính của Bản Viềng cổ xưa; đá đánh dấu phân chia địa giới các tổng thời xưa; đá thiêng tượng trưng cho hòn chồng, hòn vợ…

Với những dấu tích ít ỏi  được lưu trong truyền thuyết, thư tịch và hiện vật, bà con người Thái ở Mường Lò, nhất là nhóm hội viên Chi hội Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số Việt Nam là người dân tộc Thái ở Mường Lò vẫn đau đáu muốn tìm thêm những cứ liệu để đi đến khẳng định một cách chắc chắn, đây là nơi ghi dấu đầu tiên tộc người Thái đã dừng chân ở đây để ổn định cuộc sống, lập nghiệp rồi mới lan tỏa đi khắp nơi. 

Bờ suối Tà Luông dựng đứng như bức tường thành bảo vệ cho mặt phía Nam thôn Bản Viềng. 

 

Từ những mối quan tâm đó, dựa trên thành công của chúng tôi từ cuộc điền dã với một số hội viên Chi hội Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số Việt Nam là người dân tộc Thái ở Mường Lò cách đây khá nhiều năm, bằng các phương pháp điền dã khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học… để thu thập các cứ liệu và làm rõ cấu trúc của thành cổ Viềng Công ở xã Hạnh Sơn khi ấy thuộc huyện Văn Chấn và di tích này, sau đó được các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Trong tất cả các phương pháp tiếp cận ở thành cổ Viềng Công, có một chi tiết về ngôn ngữ Thái được nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến giải thích từ "viềng" trong ngôn ngữ Thái có nghĩa là "thành lũy". Do đó, từ "viềng" tiếp tục trở thành gợi ý rất quan trọng để mở hướng giúp chúng tôi tiếp cận thực địa ở thôn Bản Viềng. 

Theo đó, khi đến địa bàn thôn Bản Viềng, chúng tôi lựa chọn vị trí trung tâm nhất để quan sát tổng thể khu vực này, đó là khu vực thôn Bản Cóc - một thôn được tách ra từ thôn Bản Viềng. Sau khi quan sát tổng thể và được các hội viên Chi hội Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số Việt Nam là người dân tộc Thái ở Mường Lò giới thiệu tổng thể cảnh quan, khiến chúng tôi có cảm nhận nếu như tộc người Thái xưa kia di cư đến Mường Lò, thủ lĩnh của họ đã chọn nơi này làm "bản doanh” thì quả thực là nơi vô cùng đắc địa. Bởi lẽ, khu vực Bản Viềng có địa hình khá cao và nghiêng dần từ Tây sang Đông, có một cánh đồng rộng lớn đủ cung cấp lương thực cho cả trăm hộ dân ngày nay.

Toàn bộ khu vực Bản Viềng được hai dãy núi tạo hình cánh cung bao bọc, đó là núi Pú Lo và Pú Nọi với đỉnh cao nhất ở vị trí giữa cánh cung là núi Pú Tẳng. Theo tiếng Thái thì Pú Tẳng có nghĩa là "dựng đứng hoặc cái cột quan sát”. 

Phía sau núi Pú Tẳng là lớp lớp đồi núi của xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn rồi kéo mãi lên huyện Trạm Tấu như những lớp tường lũy vô cùng hữu hiệu bảo vệ cho Bản Viềng; đồng thời, cũng là nơi cung cấp nguồn lâm, thổ sản vô cùng lớn để nuôi sống con người. Đối diện, với núi Pú Tẳng, xa về phía Đông là dãy núi Hóp Mương, nghĩa là "núi Vành Mường" cao vút và tít tắp cả xã Suối Quyền xuôi mãi tận xã An Lương của huyện Văn Chấn. 

Dưới chân núi Hóp Mương là nơi hợp lưu của nhiều dòng suối lớn đổ về, tạo nên dòng chảy như sông lớn cung cấp cá tôm cho cả vùng Mường Lò. Ở phía Nam khu vực Bản Viềng là cánh đồng Mường Lò rộng lớn và bằng phẳng. Tuy nhiên, bù lại cho việc bảo vệ khu vực Bản Viềng thì ở phía này có rất nhiều suối lớn và xa nhất (khoảng 5 km) là ngòi Thia, tiếp đến là ngòi Nung, suối Nậm Tộc và suối Tà Luông.

Theo những người cao tuổi trong vùng, tất cả những dòng suối này, xưa kia tìm được chỗ lội bộ là rất khó, mà chủ yếu qua suối bằng bè, mảng. Đặc biệt, trong số đó có suối Tà Luông ở ngay rìa Bản Viềng không chỉ nước sâu, mà bờ suối toàn đá cuội ken dày như xếp gạch dựng đứng như bức tường cao bình quân từ 3 đến 4 mét. Trên bờ suối, từ cổ xưa đã có tre mọc ken nhau dày đặc. Ở rìa phía Bắc của Bản Viềng cũng có suối Nặm Pài và lũy tre án ngữ.

Tiếp tục điền dã khảo sát ở một số vị trí rìa thôn Bản Viềng, chúng tôi được biết, ngay dưới chân Bản Viềng ở mặt phía Đông và một phần phía Bắc giờ là đồng ruộng nhưng xưa kia là một vùng đầm lầy chỉ có lau, sậy mọc và một đầm nước rộng lớn khá sâu có tên tiếng Thái là Noong Dăm, nghĩa là ao kín, ao khuất, có thể là do lau, sậy che mất tầm nhìn. Đồng thời, ở phía này, dưới chân đồi vẫn còn dấu vết tác động của con người tạo nên những ta luy đất dựng đứng chạy dài hàng trăm mét, có độ cao từ vài mét đến khoảng chục mét.

Ở phía bên trong Bản Viềng, hiện vẫn có những dấu tích của đời sống sinh hoạt và văn hóa cổ xưa của người Thái. Đó là, một khu đất trước đây bà con thường tổ chức nghi lễ xên đông, xên bản (cúng rừng, cúng bản); có một giếng cổ có tên là Púng Bó vừa là nguồn nước sinh hoạt của cả bản vừa gắn với các nghi thức tâm linh khác. Trên dòng suối Tà Luông, nhiều người vẫn nhớ về một bến tắm thường tổ chức các nghi thức cầu mùa, cầu mưa, cầu sức khỏe của người Thái như tục cúng thuồng luồng và tục So Nặm Phôn (tết gội đầu) của phụ nữ Thái...

Với những gì thu thập được, chúng tôi tạm đưa ra những nhận định sơ bộ: tại thôn Bản Viềng có nhiều dấu tích của một thành lũy cổ. Đó là loại thành lũy chủ yếu dựa vào việc lợi dụng các yếu tố thuận lợi từ thiên nhiên như: đồi núi, sông suối và có một phần tác động của con người để tạo nên sự hiểm yếu nhằm bảo vệ cho sự an toàn, phát triển cuộc sống của một cộng đồng dân cư. 

Việc xây dựng thành lũy, rất phù hợp với đặc thù văn hóa của tộc người Thái. Bởi lẽ, từ cổ xưa ở Trung Quốc, sự bành trướng về thế lực để thôn tính lẫn nhau giữa các tộc người diễn ra rất gay gắt. 

Do đó, việc xây thành, đắp lũy để bảo vệ cuộc sống cộng đồng đối với mỗi tộc người là vô cùng quan trọng. Vì lý do này, có thể, khi mới di cư vào Việt Nam - một vùng đất mới lạ cùng với thói quen xây thành đắp lũy từ truyền thống văn hóa của mình, nên người Thái đã tạo nên một cấu trúc thành lũy tại đây. Nếu thực sự đây là một thành lũy thì những chủ nhân tạo nên cấu trúc này chắc chắn là của tộc người Thái vì từ xa xưa chỉ có người Thái sinh sống tại đây.

Tuy nhiên, để đi đến xác định một cách chắc chắn cấu trúc của một thành lũy cổ, chính quyền các cấp trong tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ cần phải có những kế hoạch phối hợp đầu tư nghiên cứu tiếp theo. Nếu có những kết luận khoa học cụ thể thì từng bước nghiên cứu xếp hạng di tích, để nơi đây trở thành địa chỉ hành hương về nguồn của tộc người Thái ở Việt Nam. Đồng thời, gắn việc bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa với việc khai thác tiềm năng kinh tế từ du lịch...

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải