song
Để các cơ quan báo chí tuyên truyền hiệu quả công tác xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng
Ngày xuất bản: 26/05/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 3244

 Trước thực tế tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đòi hỏi việc tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề hết sức quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Mỗi cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền sẽ góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức vừa là yêu cầu tất yếu, vừa phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Vì đạo đức được coi là “nền tảng”, là “cái gốc” để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề hết sức quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

 

Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong xây dựng Đảng về đạo đức”. Ảnh: AJC

Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa về đạo đức góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên. Các tác phẩm báo chí cũng cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và người lao động thực hiện đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề đạo đức. Báo chí cũng đấu tranh ngăn chặn những hành vi đi ngược lại với mục tiêu phát triển văn hoá đạo đức dân tộc, góp phần phát triển văn hoá, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

Báo chí là vũ khí đấu tranh phê phán tiêu cực, lệch chuẩn đạo đức

Các cơ quan báo chí, truyền thông đang là vũ khí sắc bén đấu tranh phê phán những hiện tượng tiêu cực, những biểu hiện văn hóa, đạo đức lệch chuẩn; những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Mới đây hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong xây dựng Đảng về đạo đức” vừa được Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh uỷ Yên Bái phối hợp với tổ chức. Tại hội thảo nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã đưa ra, trong đó có nhiều giải pháp để các cơ quan báo chí, tuyên truyền có hiệu quả việc xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng.

PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và nhiều loại hình giải trí hấp dẫn khác, kênh báo chí nếu không được sử dụng, khai thác có hiệu quả, có thể gây thất thoát, lãng phí và không có nhiều ý nghĩa tích cực cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về văn hoá, đạo đức. Báo chí cần phát huy tính xác thực, tính định hướng và chiều sâu của thông tin, phát hiện, nhận diện những vấn đề cần điều chỉnh, tăng cường các hình thức chuyển tải hấp dẫn, khai thác những câu chuyện hay.

Để khắc phục vấn đề này, các tổ chức cơ sở đảng cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thường xuyên và định kỳ như: Phát động phong trào đọc, xem, nghe báo chí trong cán bộ, đảng viên, người lao động ở tổ chức cơ sở đảng. Ngoài thời gian lao động sản xuất, kinh doanh cần thời gian dành cho đọc, xem, nghe báo chí, thảo luận, trao đổi về các vấn đề văn hoá đang đặt ra. Các cơ quan, đơn vị ở cơ sở cần dành cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ bạn đọc, xem nghe báo chí như không gian đọc, xem, nghe các sản phẩm, ấn phẩm…báo chí.

 

PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: AJC

TS. Đoàn Văn Báu - Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương thì cho rằng, "Các cơ quan báo chí phải lựa chọn phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền để có thể thu được hiệu quả cao nhất, vừa góp phần giữ gìn, khẳng định bản sắc văn hóa, đạo đức dân tộc, vừa thôi thúc mọi người tìm về nguồn cội, khơi dậy động lực cho tinh thần đoàn kết cộng đồng, củng cố sự ổn định để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khẳng định tính độc lập, tự chủ của dân tộc".

Đồng tình với ý kiến của TS. Đoàn Văn Báu, tại hội thảo các đại biểu cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần thường xuyên, liên tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Phải tuyên truyền sâu, rộng đạo đức, lối sống; phát hiện, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến của các phòng viên, báo chí, của cán bộ, đảng viên theo tinh thần chiến sĩ cách mạng góp phần hình thành văn hóa, đạo đức trong Đảng.

Cơ quan báo chí phải tiên phong thực hành văn hóa, đạo đức trong Đảng

Tại tỉnh Yên Bái, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng góp phần nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng, Báo Yên Bái đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục về xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng, lan tỏa những gương điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và phấn đấu... của toàn xã hội. Ngoài báo in thường kỳ và báo in vùng cao, báo Yên Bái điện tử cũng đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội để lan tỏa thông tin.

Các bài viết về Đảng nhằm hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng là để cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi, ứng xử trong công việc hằng ngày, hoàn thiện bản thân, xây dựng giá trị chung của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. Chuẩn mực đạo đức phải bám sát và phục vụ nhiệm vụ chính trị đang đảm nhiệm, phù hợp với môi trường, điều kiện làm việc mới như không gian mạng, môi trường số.

Nhà báo Hà Ngọc Văn - Tổng Biên tập Báo Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho rằng, "để triển khai công tác này một cách có hiệu quả cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên các cơ quan báo Đảng có bản lĩnh chính trị, phẩm chất và đạo đức của người làm báo cách mạng, có năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ vững vàng nhất là hiểu biết về lĩnh vực công tác xây dựng Đảng. Xây dựng cơ quan thực sự là một cơ quan văn hoá, có môi trường làm việc “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”. Luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững sự đoàn kết".

 

Báo Yên Bái dùng mạng xã hội góp phần lan tỏa thông tin báo chí.

Thực tế cho thấy hoạt động tuyên truyền của cơ quan báo chí từ địa phương tới trung ương đã góp phần tích cực vào quá trình triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng. Việc tuyên truyền liên tục đã góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hiện các giải pháp, hành động xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa.

Tuy nhiên để công tác này tiếp tục phát huy được hiệu quả, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam thì cho rằng, trước tiên cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lý tưởng nghề nghiệp của mỗi nhà báo - hội viên. Khơi dậy nguồn lực tự thân của mỗi nhà báo, mỗi tập thể báo chí, lòng trung thành với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, khát vọng được cống hiến, tinh thần đại đoàn kết dân tộc gắn bó cộng đồng và đoàn kết quốc tế cao cả của từng nhà báo.

“Khi chuyển đổi số đang là xu thế chung của thế giới thì báo chí cũng cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Tập trung thực thi các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp và giáo dục mô hình nhân cách báo chí với 3 mặt cơ bản: phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp; song hành với việc xây dựng và ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài với vi phạm của nhà báo, cơ quan báo chí; từ góc nhìn pháp lý, đạo đức và văn hoá” - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.

Có thể khẳng định, trong suốt chiều dài phát triển của đất nước, báo chí luôn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực văn hóa và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ. Để làm tốt trọng trách đó, báo chí tuyên truyền phải thực hành tốt văn hóa, đạo đức trong Đảng tại chính cơ quan mình.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải