song
Để đội ngũ người làm báo về thông tin đối ngoại vững vàng quan điểm, sắc sảo nghiệp vụ
Ngày xuất bản: 06/09/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 7314

 Trong kỷ nguyên số, công tác thông tin đối ngoại đã được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, nhờ mạng xã hội, công cụ truyền thông đa phương tiện góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên để phát huy những kết quả đạt được mỗi người làm báo cần sự đổi mới, sáng tạo, đa dạng hơn.

Phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế

Thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân và công tác tư tưởng. Nhiệm vụ cốt lõi là mang Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới gần hơn với Việt Nam. Nhiều cơ quan báo chí trong nước luôn coi trọng hoạt động này, xây dựng hình ảnh, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, nhân dân ai cũng được ấm no và hạnh phúc.

Thông qua thông tin đối ngoại, cộng đồng thế giới hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ, ủng hộ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề khu vực và quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, giá trị văn hóa và những thành tựu phát triển của đất nước.

Triển lãm ảnh "Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào". Ảnh: VietNamNet

Tại Báo Thế giới & Việt Nam chú trọng phát triển nội dung cả phiên bản báo in, báo điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, đã có bước phát triển vượt bậc. Báo đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác và phát triển, thành tựu nhân quyền của Việt Nam. Thông tin tuyên truyền, đấu tranh chống lại những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái của các thế lực chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đội ngũ lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên có kiến thức chuyên sâu về quan hệ quốc tế, trải nghiệm các hoạt động đối ngoại trong thực tiễn. Tận dụng mạng lưới quan hệ tốt với các nhà ngoại giao - chuyên gia- học giả nước ngoài góp phần thuận lợi trong việc thực hiện công tác thông tin đối ngoại mang tính hai chiều.

Trong kỷ nguyên số, báo chí nước ta có những bước phát triển nhanh về số lượng ấn phẩm, số kênh phát thanh, truyền hình, loại hình và chất lượng thông tin, nguồn nhân lực theo hướng hội tụ, tích hợp truyền thông đa loại hình, đa phương tiện. Báo Thế giới & Việt Nam cũng bắt kịp xu hướng này, tận dụng thế mạnh của Internet, phát triển báo điện tử, phát huy lợi thế của các loại hình báo chí đa phương tiện, thu hút được thêm lượng độc giả đông đảo, độ phủ sóng ngày càng rộng khắp.

Nhà báo Nguyễn Trường Sơn - Quyền Tổng biên tập Báo Thế giới & Việt Nam cho biết: "trong bối cảnh hiện nay, với sự cọ xát và cạnh tranh nước lớn gia tăng, nhiều vấn đề nhạy cảm nảy sinh trong việc xử lý quan hệ giữa ta với các nước lớn và các đối tác, đòi hỏi Báo phải có cách truyền thông khéo léo để tiếp tục củng cố và thúc đẩy một cách hài hoà quan hệ của ta với các nước lớn, trong đó tranh thủ được các yếu tố tích cực, hạn chế được bất đồng để phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc gia".

 

Gian trưng bày của Báo Thế giới và Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trẻ. Ảnh: Quang Hòa

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên có kiến thức tốt về quan hệ quốc tế, nghiệp vụ báo chí, trình độ ngoại ngữ tốt nhưng Báo vẫn chưa có những cây bút đối ngoại thực sự xuất sắc, có thể tác chiến trên các mặt trận, đặc biệt là đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, một số phóng viên, biên tập viên còn chậm cập nhật công nghệ mới…

Chủ động, nắm bắt ứng dụng nền tảng công nghệ

Tương tự, tại báo VietnamPlus, một trong những báo điện tử có lượng truy cập cao nhất từ nước ngoài. Trong hàng chục năm qua, báo điện tử VietnamPlus tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng số, đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin. Đã áp dụng nhiều loại hình thông tin như infographics, megastory (tác phẩm báo chí bao gồm âm thanh, video, ảnh, dữ liệu thể hiện bằng công nghệ kỹ thuật số). Báo đã tích cực phổ biến thông tin về Việt Nam lên các ứng dụng mạng xã hội bằng nhiều ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Nga…, đa dạng hóa phương thức thể hiện thông tin đối ngoại, hoàn thành tốt vai trò của cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia.

Độ lan tỏa thông tin rộng rãi trên các nền tảng số đã góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhanh chóng vào cuộc sống, phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong công tác quản lý và điều hành đất nước.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cho biết: Báo sẽ tiếp tục có sự đổi mới trong sự phối hợp giữa các cơ quan về phụ trách thông tin đối ngoại, với các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí chính thống và với các cơ quan báo chí địa phương để tăng cường, định hướng thông tin kịp thời, chính xác và phối hợp hành động để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

“Tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phối hợp hiệu quả các lực lượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội. Nâng cao hơn nữa tính thuyết phục của thông tin, các bài viết mang tính đấu tranh dư luận. Tăng cường định hướng dư luận về những vấn đề quan trọng”, nhà báo Trần Tiến Duẩn nhấn mạnh.

 

Ấn phẩm tiếng nước ngoài của TTXVN. Ảnh: TTXVN

Đất nước ta luôn phấn đấu xây dựng các mối quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Mong muốn là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên để phát huy vai trò của người làm báo trong giai đoạn hiện nay cần có giải pháp cụ thể, cần ứng dụng công nghệ hiện đại, xu hướng truyền thông mới. Nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, đảm bảo chính xác, kịp thời, thu hút, hấp dẫn, phù hợp, hiệu quả và đa ngôn ngữ.

Nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Khi lực lượng tham gia làm công tác thông tin đối ngoại ngày càng đông đảo hơn, đa dạng hơn, bằng nhiều ngôn ngữ hơn, vì vậy quản lý làm sao để những thông tin chính thống, chuẩn xác phải được đưa nhanh nhất. Không để thông tin đối ngoại mang tính một chiều, xung đột với thông tin đối nội trên các phương tiện thông tin đại chúng rất phát triển của chúng ta hiện nay.

“Trong bối cảnh thế giới bước sang kỷ nguyên số, với lợi thế về tiện ích không giới hạn của các phương tiện thông tin đa phương tiện; vậy nên hệ thống báo chí điện tử, các chương trình truyền hình, phát thanh chính thống đưa trên mạng phải có những chương trình, chuyên mục, chuyên đề chất lượng, hấp dẫn. Quan trọng nhất là cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giỏi nghiệp vụ, sành ngoại ngữ, khả năng nắm bắt và ứng dụng nền tảng công nghệ báo chí truyền thông mới, đáp ứng yêu cầu mới của kỷ nguyên số hiện nay”, nhà báo Hà Minh Huệ khẳng định.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải