song
Đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày xuất bản: 03/04/2024 1:29:47 SA
Lượt đọc: 4231

 Đèo Lũng Lô là một trong những tuyến đường huyết mạch để quân và dân ta tiếp viện vũ khí, đạn dược cùng lương thực thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Một khúc đèo Lũng Lô ngày nay

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đèo Lũng Lô là một trong những tuyến đường huyết mạch để quân và dân ta tiếp viện vũ khí, đạn dược cùng lương thực thực phẩm phục vụ cho chiến dịch. Để tuyến đường luôn thông suốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các đơn vị công binh, dân công đã tập trung sức lực ngày đêm mở và bảo vệ đường, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày đêm gian khổ mà hào hùng vẫn in đậm trong tâm trí của những người được chứng kiến sự kiện lịch sử năm ấy và là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay.

Đèo Lũng Lô nằm trên địa phận xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên, tỉnh Tuyên Quang, vượt qua Bến Âu Lâu (Yên Bái), qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La và nối với đường 41 (nay là QL6). Tổng tuyến đường phải mở dài hơn 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà.

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, ngay từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập cung đường 13. Trong đó, đèo Lũng Lô được xác định là một trong những đoạn khó khăn nhất trong củng cố, cải tạo, mở mới tuyến đường bởi một bên là núi cao, một bên là vực sâu nên đèo vừa dốc vừa dài.


Ông Hà Văn Hổ nhớ lại những năm tháng quân và dân ta mở đường qua đèo Lũng Lô

Ông Hà Văn Hổ, gần 80 tuổi ở thôn Thắm, xã Thượng Bằng La cho biết, hồi tuyến đường 13 được mở chạy qua xã nhà, nhiều cô chú dân công đã ngủ tại nhà của ông để làm đường. Dù mới gần 10 tuổi, nhưng ông đã biết phụ giúp các cô chú các việc nhỏ và cho đến nay ông vẫn nhớ như in những gian nan, vất vả của dân công và bộ đội ta thuở ấy.

"Dân công xã Thượng Bằng La cũng hơn 300 người tham gia mở con đường, số người này được chia làm 3 trạm gọi là T100, mỗi trạm có một nhiệm vụ riêng. Một trạm làm nhiệm vụ chuyên cảnh giới, khi thấy máy bay địch đến là cảnh báo dân công ẩn nấp, tránh; một trạm thì nhiệm vụ chuyên cứu hộ xe chở hàng qua lại bị tắc, bị lún; một đội thì làm nhiệm vụ cứu thương, tham gia vận chuyển vũ khí"- ông Hà Văn Hổ nói.


Đoàn thanh niên xã Thượng Bằng La dọn dẹp khu tưởng niệm trên đỉnh đèo Lũng Lô

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của hơn 124.000 lượt công binh và dân công; sự tự nguyện quyên góp hàng nghìn, hàng vạn cây tre, bương, cây gỗ của người dân địa phương, sau hơn 200 ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ, tuyến đường qua đèo Lũng Lô đã được thông suốt, nối chiến khu Việt Bắc với các tỉnh Tây Bắc, giúp hàng vạn ô tô, xe thồ chở vũ khí tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường.

Nhằm ngăn chặn quân và dân ta tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua tuyến đường này, ngoài liên tục bắn phá các cứ điểm trọng yếu trên tuyến như bến Âu Lâu (Yên Bái), thực dân Pháp đã ném xuống khu vực đèo Lũng Lô gần 12 nghìn tấn bom; có những ngày lên tới 200 quả. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần.

Tuy nhiên, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, hàng vạn lượt người đã bất chấp bom rơi đạn nổ, vượt qua nguy hiểm ngày đêm bám đường. Địch phá đi, ta sửa lại; địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày, ta mở đường vào ban đêm... Hàng vạn tấn quân lương, quân trang vũ khí đạn dược, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực Thượng Bằng La (Văn Chấn, Yên Bái) đã vượt đèo vào chiến trường và được bảo vệ an toàn.

Ông Hà Văn Hổ nhớ lại: "Để mở con đường qua đây, đoạn qua bản Thẳm có chỗ đầm lầy làm ruộng thì không cấy nổi, trâu không qua được, nhưng bà con ở đây đã ủng hộ cây cối, có nhà mang cả gỗ chuẩn bị làm nhà ra để cho dân công lát ngang, lát dọc rồi đổ đất lên làm nền. Máy bay thì rất là nhiều, từ bản Dạ đến đỉnh đèo Lũng Lô hầu như máy bay ngày nào cũng đến bắn phá".


Cô giáo Lê Thị Như Quỳnh, Bí thư Chi đoàn trường Mầm non Thượng Bằng La

Hòa bình lập lại, ngày 27/4/2011, Đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại, minh chứng hào hùng của lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện trên đỉnh đèo Lũng Lô đã có bia tưởng niệm, có chỗ để người dân, du khách qua đây thắp hương tưởng nhớ những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông. Nơi đây cũng trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, đấu tranh giành độc lập, tự do, bảo vệ tổ quốc với thế hệ trẻ.

Cô giáo Lê Thị Như Quỳnh, Bí thư Chi đoàn trường Mầm non Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn chia sẻ: sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, cô cũng như các thế hệ trẻ tỉnh Yên Bái nói chung và xã Thượng Bằng La nói riêng luôn biết ơn và tự hào về công lao của các thế hệ cha ông đã làm nên cung đường huyền thoại, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. 

"Hàng năm đến dịp 22/12, nhà trường đều tổ chức cho các cháu lên đèo Lũng Lô trải nghiệm, cũng như tuyên truyền, giáo dục các con ngay từ nhỏ về truyền thống cách mạng, về con đường huyền thoại. Vào ngày nghỉ thì lâu lâu đoàn thanh niên chúng tôi lại lên dọn dẹp, vệ sinh môi trường, cảnh quan khu tưởng niệm trên đỉnh đèo"- Cô giáo Lê Thị Như Quỳnh nói.


Bia đá tưởng niệm trên đỉnh đèo

Xã Thượng Bằng La - nơi có tuyến đường đèo Lũng Lô đi qua là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Văn Chấn cán đích nông thôn mới vào năm 2016. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay, xác định vấn đề cốt lõi là nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó, ngoài xây dựng thành công vùng cây ăn quả có múi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với trên 500 ha, trên địa bàn xã cũng đang thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất nông nghiệp khác cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng dược liệu, nuôi thỏ ở khu vực đèo Lũng Lô... 

Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, đến năm 2023, xã chỉ còn hơn 2,9% hộ nghèo: "Trong năm 2024 này chúng tôi xác định sẽ về đích xã nông thôn mới nâng cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, xã xác định tiếp tục phát triển kinh tế với việc tiếp tục cải tạo vùng cây ăn quả, trực tiếp là cây cam, cây chè, trồng dâu nuôi tằm, trồng thêm măng bát độ. Riêng với cây tre măng thì ngoài bán măng còn bán được cả cây, cả lá nên thời gian tới chúng tôi xác định đây là cây thế mạnh của địa phương".

Đèo Lũng Lô hôm nay đã được nâng cấp, nhiều đoạn được mở mới, cắt cua, hạ độ dốc... Con đèo huyền thoại này vẫn là tuyến giao thông quan trọng giúp Thượng Bằng La và các địa phương trong vùng Tây Bắc giao thương thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, xứng đáng với những hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha ông năm nào.

Theo VOV

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải