song
Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới
Ngày xuất bản: 17/10/2023 2:13:42 SA
Lượt đọc: 4919

 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật "Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí".

Theo Bộ TT&TT, thực tế Luật Báo chí đã quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.

Tuy nhiên, sau hơn sáu năm thi hành và trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp; một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.

 

Ảnh minh họa.

Từ đó, Bộ TT&TT đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí với sáu chính sách.

Chính sách 1, phát triển mô hình tập đoàn báo chí với mục tiêu hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực, để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin.

Chính sách 2, hoàn thiện các quy định về phạm vi thông tin của cơ quan báo chí góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động báo chí và đảm bảo thực hiện theo tôn chỉ, mục đích.

Chính sách 3, hoàn thiện các quy định để tạp chí khoa học phát triển lành mạnh, đúng tính chất. Mục tiêu của chính sách nhằm tạo ra một môi trường tốt cho tạp chí khoa học lành mạnh, nghiêm túc phát triển; tạp chí khoa học không bị biến tướng thành báo và tạp chí thông thường; khắc phục tình trạng "tư nhân hóa" báo chí.

Chính sách 4, quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí. Mục tiêu của chính sách là đảm bảo chất lượng hoạt động báo chí, thông qua việc cơ quan quản lý có công cụ để xử lý trường hợp cơ quan báo chí không đủ điều kiện hoạt động và có hành vi sai trái; ngăn ngừa khả năng báo chí bị rơi vào tình trạng "tư nhân hóa".

Chính sách 5, bổ sung điều kiện cấp thẻ nhà báo nhằm nâng cao chất lượng người làm báo với mục tiêu thúc đẩy môi trường báo chí minh bạch, chuyên nghiệp, nhân văn và nâng cao uy tín của ngành báo chí.

Chính sách 6, hoàn thiện quy định đối với hoạt động nhập khẩu báo in. Mục tiêu của chính sách nhằm tăng cường năng lực thẩm định nội dung nhập khẩu, kiểm soát thông tin cho các cơ sở nhập khẩu báo chí; tạo ra môi trường minh bạch cho thị trường nhập khẩu báo chí.

Theo Bộ TT&TT, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí trên quan điểm báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, là diễn đàn của nhân dân.

Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung chính sách phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.

Đồng thời, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm tính khả thi của các quy định, tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý báo chí.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải