song
Hảng A Chua – Tận tụy với nghề
Ngày xuất bản: 08/01/2019 7:52:32 SA
Lượt đọc: 52591

 Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, theo đúng năng khiếu và được gia đình định hướng, nhưng đến giờ A Chua lại là một Phát thanh viên, Biên dịch viên tiếng Mông của Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái.

Nói về con đường vào nghề, A Chua tâm sự “Nghề chọn em, chứ em không chọn nghề”. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, A Chua về làm Bí thư Đoàn xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - một công việc ổn định lại gần nhà. Lúc đấy, Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái mở chương trình tiếng Mông nhưng vẫn “bí” người có thể biên dịch và đọc bằng tiếng dân tộc. A Chua được giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật giới thiệu, bởi từ khi còn là sinh viên A Chua đã được mọi người chú ý với giọng hát hay, khéo ăn nói và đặc biệt là biết cả chữ Mông. Vậy là sau khi nhận công việc Bí thư Đoàn xã Nậm Có đúng 10 ngày, A Chua được hẹn xuống Đài thử giọng và anh được nhận công việc ngay ngày hôm sau.

Đầu quân về Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, bắt đầu một công việc vô cùng mới và lạ lẫm, cũng may được sự quan tâm của lãnh đạo, đồng nghiệp, đặc biệt A Chua được vợ chồng nhà báo Sùng A Hồng và Vàng Thị Mai là người cùng quê cũng là biên dịch viên nhà Đài hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều.

Nghĩ lại con đường đến với nghề báo, A Chua lại thầm cảm ơn bố, còn nhớ khi mới học lớp 4, lớp 5, gia đình có thuê người đến để nhổ mạ, lúc đó người quê chỉ biết tiếng Mông, không biết từ “mạ” của dân tộc Kinh, mọi người xôn xao hỏi nhau từ “mạ” trong tiếng Mông thế nào, A Chua cũng không biết nên bị bố mắng: Cho đi học mất bao nhiêu con trâu, bò mà đến giờ không biết dịch tiếng Việt sang tiếng Mông thì còn nhờ vả già nữa?. Từ đấy được bố dậy thêm chữ Mông và tự tìm hiểu nên A Chua có chút vốn liếng biên dịch tiếng Việt - Mông, nhờ đó mà công việc ở Đài cũng thuận lợi hơn.

Hảng A Chua dẫn chương trình tiếng Mông trên Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái

Năm 2013, Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái thành lập Phòng Dân tộc, không có phóng viên mà chỉ có phát thanh viên, Biên dịch viên. Để đảm bảo số lượng tin, bài và cũng muốn thử sức mình nên A Chua chủ động học thêm quay phim, Chua không ngại cầm bút, số đi hỏi đồng nghiệp và ghi chép từng ký tự trên máy nghĩa là gì, hỏi từng thao tác và học các kinh nghiệm xử lý tình huống. Nhưng nghề báo đúng là một nghề không đơn giản chỉ cầm bút, bấm máy hay với bàn phím mà nó đòi hỏi sự phấn đấu bằng trí tuệ, sáng tạo, kinh nghiệm trong thực tế. Với một biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Mông mới thử sức mình ở vai trò phóng viên thì khó tránh khỏi sự cố nghề nghiệp. Nhưng chính từ những lần đi thực tế tác nghiệp Chua đã “bỏ túi” cho mình rất nhiều kinh nghiệm.

A Chua chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của mình cũng như đồng nghiệp cùng phòng đó là nhìn thấy niềm vui của bà con khi xem, được nghe chương trình bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ. Vì thế mình luôn cố gắng diễn đạt thông tin bằng chất giọng chuẩn nhất, dễ hiểu nhất để bà con có thể hiểu và làm theo được”.

Còn một kỷ niệm vui về nghề mà Chua nhớ mãi, đó là lần đi Trạm Tấu, gặp đúng những ngày trời mưa, mưa dai dẳng, vậy là 3 ngày trời chỉ biết ngắm mưa, rồi ngủ, đến giờ là uống rượu. Bữa đó ở nhà Trưởng bản, lúc đầu chỉ có vài người rảnh rỗi nên mọi người youtube trên máy tính để xem chương trình Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái, bất ngờ đó đúng là một phần chương trình văn nghệ mà Chua vừa dẫn vừa hát, lúc đó có người cầm chén rượu đến hỏi “nhìn giống cái anh đang dẫn chương trình và hát trên kia lắm, hỏi có phải không”. Sau câu trả lời của Chua thì nhà mỗi lúc một đông, vài phút sau đã chật kín người và ai cũng bắt tay mời rượu.

Hai vợ chồng làm cùng phòng, cùng bộ phận tiếng Mông nên thường đi công tác cả đôi, mỗi chuyến đi cũng phải 3,4 ngày. Mỗi lần như vậy hai vợ chồng lo nhất là chuyện gửi con, lần thì gửi nhà bạn, lần thì nhờ các cháu cùng quê đang học ở Yên Bái đến nhà trông giúp, vậy nhưng trong công việc Chua không bao giờ để lỡ.

Nhà báo Dương Tình – Trưởng phòng dân tộc, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Yên Bái nhận xét “A Chua là người trách nhiệm, chịu khó trong công việc chuyên môn, nhiệt tình, năng nổ trong mọi hoạt động của phòng cũng như cơ quan. Tuy chưa được đào tạo về báo chí nhưng Chua có ý thức học hỏi, giờ bạn ấy có thể đảm nhiệm nhiều công việc và tự chủ đề làm một chương trình từ quay phim, dựng hình, biên dịch và đọc”.

Không chỉ tận tụy trong công việc chuyên môn, A Chua còn rất nhiệt tình trong các hoạt động của Hội Nhà báo Yên Bái, giải thể thao truyền thống, hội thi văn nghệ hay các giải báo chí, các cuộc thi viết Chua đều tham gia. Đặc biệt tại Liên hoan Tiếng hát Người làm báo Việt Nam lần thứ VI – năm 2018, tiết mục đơn ca “Bài ca trên núi” của Chua lọt vào vòng Chung khảo.

Từ yêu cầu của công việc, Chua đã theo học Đại học Quản lý văn hóa để hiểu hơn về văn hóa các dân tộc, trong thời gian tới Chua muốn được nâng cao hơn nữa chuyên môn của mình. Bởi khi làm chương trình tiếng dân tộc là tự mình phải làm chủ, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình nên Chua học để nâng cao bản lĩnh chính trị và cũng bởi kiến thức với nghề báo không bao giờ là đủ.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải