song
Hát Sình ca - Nét văn hóa đặc sắc của người Cao Lan
Ngày xuất bản: 22/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 46096

 Toàn bộ kho tàng văn hóa của người Cao Lan đều được phản ánh trọn vẹn qua những làn điệu Sình ca ngọt ngào. Trải qua thời gian, dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những làn điệu Sình ca vẫn được người Cao Lan gìn giữ và luôn hiện hữu trong cuộc sống, sinh hoạt của họ. 

Ngày nay, do có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số nên người Cao Lan ở Yên Bái đã du nhập nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác vào đời sống tinh thần. Nhưng Sình ca vẫn được lưu truyền và phổ biến ở các xã như: Tân Hương, Đại Đồng, Tân Nguyên, Bảo Ái... huyện Yên Bình.

Hát Sình ca (hát ví) là một thể loại dân ca trữ tình, nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn, lâu đời của dân tộc Cao Lan. Sình ca là lối hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam với tốp nữ; được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: hát trong đám cưới, ngày hội, hát khi Tết đến, Xuân về. Ngày xưa, các bài hát được ghi bằng chữ Nôm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, khi phiên dịch ra tiếng Việt thường được chuyển thành thể lục bát cho có vần, có điệu.

Trong các truyền thuyết mà những người đi trước kể lại thì tác giả của điệu hát Sình ca - nàng Lưu Ba xinh đẹp. Mồ côi cha từ nhỏ nên hàng ngày nàng sống với cây cỏ, chim muông trên rừng. Nàng Lưu Ba luôn chú ý lắng nghe tiếng chim và học thuộc giọng hót véo von của các loài chim. Nàng đã đi khắp các bản làng để học các điệu hát. Tiếng hát của nàng rất kỳ diệu, nó làm cho người chết có thể sống lại, làm cho con suối ngừng chảy, con chim ngừng hót. Đi tới nơi đâu, nàng Lưu Ba để lại ở đó những làn điệu du dương sâu lắng và ngọt ngào như nước suối nguồn. Mối tình trắc trở với người mình yêu đã khiến nàng sáng tác thành nhiều tập hát ví. Số bài hát mà nàng đặt lời nhiều hơn cả lá cây rừng. Trong nỗi cô đơn, nàng Lưu Ba đã hát suốt 13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi chết. Nàng được dân làng tôn lên thành bà chúa thơ, có thể sánh ngang với các thần núi, thần sông, thần ở trên trời. 

Hàng năm, từ mồng 4 Tết Nguyên Đán cho đến hết tháng Giêng, thanh niên nam nữ rủ nhau đi chơi hội, chơi làng và hát với nhau. Sình ca có nhiều loại nhưng có hai hình thức chính là Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Điều đặc biệt, làn điệu Sình ca của người Cao Lan là lối hát giao duyên, không có nhạc đệm, chủ yếu dựa vào tài ứng khẩu của người hát, qua đó thể hiện trí tuệ của người Cao Lan xưa. 

Người hát và người sáng tác thường lấy cảnh đẹp của quê hương làng bản, những cảnh trong sinh hoạt, trong cuộc sống hàng ngày, hay những câu chuyện cổ tích, thần thoại, hát mừng năm mới, hát đối đáp mùa xuân, hát ở nhà, hát ở đình… làm đề tài hấp dẫn trong sinh hoạt văn nghệ của mình. 

Sự khác biệt đáng nói ở làn điệu Sình ca của người Cao Lan chính là làn điệu vừa chứa đựng chất thơ, vừa phản ánh giá trị nhân văn sâu sắc của con người. Nói cách khác, Sình ca không chỉ là những câu thơ có vần có điệu mà còn là một hình thức dân ca thể hiện sâu sắc trí tuệ và xúc cảm về nhân sinh quan, thế giới quan của người Cao Lan. Qua Sình ca, người nghe có thể nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn của người Cao Lan bình dị mà tinh tế, mộc mạc mà chân thành. 

Những năm gần đây, hát Sình ca ở Yên Bái không còn được phổ biến nhiều. Chỉ còn được những người già trên 60 tuổi hát. Một phần là do thế hệ trẻ không còn biết chữ Hán để đọc được những lời hát Sình ca cổ, mặt khác khi xã hội ngày càng phát triển, văn hóa hát Sình ca cũng không được chú trọng để duy trì và phát triển. Nếu không có những biện pháp kịp thời để duy trì và bảo vệ không sớm thì muộn thế hệ sau này sẽ không còn được nghe những làn điệu Sình ca du dương này nữa.

Đức Nguyễn

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải