song
Hoàn thiện sổ tay báo chí nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương
Ngày xuất bản: 27/07/2023 7:22:28 SA
Lượt đọc: 4703

 Ngày 26/7, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến tham vấn về dự thảo cuốn sổ tay dành cho báo chí nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương.

Khái niệm “Dễ bị tổn thương” là một khái niệm mở, khó để định nghĩa chính xác và có thể thay đổi theo ngữ cảnh. Khái niệm này còn có những cách gọi khác như nhóm yếu thế, nhóm thiệt thòi, nhóm thiểu số, nhóm bên lề xã hội v.v.. Chính bởi vậy, cuốn sổ tay này sẽ sử dụng thuật ngữ “nhóm dễ bị tổn thương” để đề cập đến 4 nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm: Người khuyết tật; Phụ nữ; Những người LGBTIQ+; Người bị buộc tội.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo góp ý cho sổ tay báo chí nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương. Ảnh: Lê Tâm

Việc xây dựng cuốn sổ tay dành cho báo chí nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương nhằm cung cấp thông tin thiết thực cho giới truyền thông khi đưa tin về những vấn đề mà các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam đang phải đối mặt. Đây là nguồn thông tin tham khảo dành cho các nhà báo, bao gồm hướng dẫn sử dụng các thuật ngữ thích hợp, các thủ thuật đưa tin, các tài liệu tham khảo theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cũng như việc tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan đến nhóm dễ bị tổn thương.

Việc đưa tin chính xác của các nhà báo sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ, qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chia sẻ, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức và thái độ của công chúng về nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, báo chí, truyền thông cũng có thể vi phạm quyền con người và đưa tin nhạy cảm, ảnh hưởng tới các nhóm dễ tổn thương.

Mục tiêu của tài liệu này không phải để trở thành tiêu chuẩn cho các hướng dẫn đưa tin về chống lại phân biệt đối xử với nhóm dễ bị tổn thương, mà nhằm làm phong phú thêm môi trường kiến tạo, định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nhóm dễ bị tổn thương.

Tại hội thảo các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cuốn sổ tay. Một số cán bộ công tác tại Hội Người khuyết tật TP Hà Nội; Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; Cộng Đồng LGBTQ Việt Nam và các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí đã đưa ra những góp ý được đúc rút từ thực tế quá trình công tác... các đại biểu cũng gợi ý việc viết tin bài để tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho các nhóm đối tượng trong xã hội; việc sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành trong các lĩnh vực sao cho phù hợp...

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải