song
Học Bác để thực hiện tốt trách nhiệm của người làm báo
Ngày xuất bản: 04/10/2021 7:52:21 SA
Lượt đọc: 13997

  - Nói về đạo đức cách mạng, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Vậy, học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì? Đó là “trung với nước, hiếu với dân; học đoàn kết; học phấn đấu; học lý thuyết và phương pháp khoa học; học cần – kiệm – liêm – chính” vẫn như ánh đèn pha soi rọi để mỗi nhà báo chúng ta học tập, vận dụng và làm theo.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh: TTXVN

Trung với nước, hiếu với dân

Chữ trung, chữ hiếu ở Bác trước hết là “Làm cho nước độc lập và phú cường, dân tự do và hạnh phúc... hy sinh tận tụy với nước với dân... Là nhà báo, chúng ta có nhiều điều kiện để biểu lộ chữ trung, chữ hiếu với dân với Đảng hơn ai hết. Trong các giai đoạn của cách mạng, Đảng luôn nhắc nhở các nhà báo: Cần coi trọng việc nâng cao chất lượng thông tin đại chúng, chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học thông tin.

Cho nên, điều quan trọng nhất ở nhà báo là phải có năng lực nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị vững vàng, một lòng một dạ vì nước, vì dân; vì lẽ phải và sự công bằng, không bịa đặt, không nói dối, không nói sai khi loan tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội.

Hơn ai hết, nhà báo phải luôn bám sát cuộc sống, sâu sát thực tế, theo sát thời đại, thời cuộc trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc, trong kiến thiết xây dựng, trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; chống đại dịch nguy hiểm như những ngày này... có vậy tác phẩm sáng tạo ra mới giàu sức thuyết phục.

Học đoàn kết

Sinh thời, đồng chí Phạm Văn Đồng chỉ rõ, học đoàn kết toàn dân của Hồ Chủ tịch là “Học hòa hợp quyền lợi riêng rẽ của mình trong quyền lợi dân tộc. Học đoàn kết là đánh đổ cá nhân chủ quan, bản vị chủ nghĩa..., là gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, nhưng vẫn giữ tất cả những gì là đặc sắc của chúng ta vì đó là của quý của dân tộc”.

Lúc sinh thời, Người từng dạy dân ta: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của Đảng ta và Nhà nước ta, là tư tưởng nhất quán xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về độc lập tự chủ, tự lực tự cường; về Đảng, về Nhà nước; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về phương pháp cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định “Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi”.

Khi thông tin, cần tránh những tin có nguy cơ gây ra sự bất hòa hoặc làm rối loạn sự hòa hợp của đất nước. Cho nên đòi hỏi nhà báo cần trách nhiệm, cẩn trọng trong sử dụng ngôn từ. Nghiêm cấm kích động khi thông tin về những vụ lộn xộn, có thể làm xấu thêm tình hình... Chính nhà báo phải coi trọng đoàn kết nội bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân với công chúng. Bằng chức năng, nhiệm vụ nghề nghiệp, nhà báo phải chú tâm tuyên truyền, quảng đại mạnh mẽ chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Học phấn đấu

“Đời Hồ Chủ tịch là một cuộc đời phấn đấu quyết liệt, kỳ cùng chống đế quốc xâm lược, chống tất cả lực lượng ngăn cản con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam... Học Hồ Chủ tịch là học tinh thần chiến đấu dũng cảm mạnh mẽ, gan dạ, dẻo dai, thắng không kiêu, bại không sờn, chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng... Nghề báo - nó hiển hiện rất rõ ngay trong các khâu từ tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin đến việc quyết định loan tin. Bởi lao động nghề báo là lao động dưới dạng khoa học; lao động khám phá, phát hiện. Lao động có tính tâm lý, có tính nghệ thuật trong khai thác tài liệu và trong sáng tạo tác phẩm. Nhà báo cần có những phẩm chất cao quý (nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm) biểu lộ trong mỗi bài viết. Bởi theo Bác: “Nhân là thật thà thương yêu hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào... Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng... Trí là không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt... Dũng là dũng cảm, gan góc gặp việc phải có gan làm... Liêm là không tham gia địa vụ, không tham tiền tài...”.(Sửa đổi lối làm việc).

Cổ nhân từng nói “Văn học là nhân học”, điều này cũng đúng với nhà báo. Viết đúng sự thật, viết trúng vấn đề, đúng thời điểm đặt ra và cuốn hút người đọc, người nghe, người xem luôn là khát vọng và đam mê của nhà báo. Điều này chỉ có được khi nhà báo luôn học hỏi, rèn giũa, phấn đấu vì quyền được hưởng thông tin của công chúng, bạn đọc. Cũng còn vì lẽ cái hay, cái hấp dẫn của tác phẩm báo chí là vấn đề, sự kiện, là chi tiết cho nên nhà báo phải vượt khó, vượt khổ, vượt nguy hiểm. Học cách phấn đấu của Bác để chúng ta hun đúc thêm nghi lực, lòng can đảm, bền chí, nhẫn nại... Để mãi xứng là người luôn ở nơi đầu nguồn sự kiện, phản ánh sự việc, vấn đề đúng với bản chất sự kiện. Học Bác để luôn rèn giũa cho mình “bút sắc, lòng trong”!

 

Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: TL

Phương pháp khoa học, cần, kiệm, liêm, chính

Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Người dạy: “Những người viết báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng được. Cho nên các nhà báo của ta phải có đường lối chính trị đúng”. Nhà báo dù thâm niên hay mới theo nghề đều phải nghiêm cẩn học theo phương pháp do Bác Hồ chủ trương: “Vừa làm vừa học, làm để học, học để làm, học sách vở đi đôi với học thực tế, học kinh nghiệm nhất là học quần chúng, ông thầy của tất cả chúng ta”!

Khi viết về điều quan trọng này cần học ở Bác, đồng chí Phạm Văn Đồng khẳng định: “Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của một xã hội suy vong... Và, Bác Hồ của chúng ta đã suốt đời tu dưỡng thực hiện theo đúng những đức tính quan trọng ấy. Đạo đức sáng chói như Mặt trời của Người, nhắc nhở người làm báo phải luôn tôn trọng và thực hiện nghiêm cẩn “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”.

Là công dân của đất nước, nhà báo phải là “tấm gương trong” về cần, kiệm, liêm, chính mà Bác cho là phải hội đủ mới thành người... Sự trong sạch, vững mạnh toàn diện của Ðảng gắn liền với sự trong sạch, vững mạnh toàn diện của hệ thống chính trị. Mục tiêu quan trọng của xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện là phải củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong đó có vai trò quan trọng tuyên truyền, vận động của báo chí, của nhà báo. Niềm tin của nhân dân được nâng lên, sẽ là nguồn năng lượng mạnh mẽ ý chí để “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Để đất nước mãi mãi rạng danh như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2020): “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”!

Với mỗi nhà báo, học Hồ Chủ tịch còn là học tấm gương mẫu mực nhất về chính danh, chính nghĩa, chính khí, chính trực, chính tâm của Người, luôn để quyền lợi của nhân dân, của đất nước lên trên hết!

Đó là những điều tôi thu lượm khi đọc, học Bác và suy ngẫm về công việc của người làm báo hôm nay, xin chia sẻ cùng đồng nghiệp!./.

Nguyễn Uyển/ Tạp chí Hội Nhà báo Điện tử

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải