song
Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái tổ chức về nguồn tại Thái Nguyên
Ngày xuất bản: 08/05/2025 3:44:40 CH
Lượt đọc: 18

 Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025), 100 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), trong 2 ngày 7 và 8/5, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái đã tổ chức về nguồn tại Thái Nguyên. Đoàn do đồng chí Nguyễn Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội làm Trưởng đoàn. Tiếp và tham gia cùng đoàn có đồng chí Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo và Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. 


Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá.

Đoàn đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá); thăm di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá; thăm Bảo tàng ATK Định Hóa, xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình. Tại các di tích Đoàn đến thăm, các thành viên trong đoàn đã có dịp tìm hiểu về lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên - một địa chỉ đỏ, căn cứ địa cách mạng vô cùng vững chắc, là ATK tuyệt đối bí mật, Định Hóa còn là “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ở và việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi.

Đoàn tham quan Di tích lán Tỉn Keo, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Được hiểu thêm về sự hình thành và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 21-4-1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

 

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Địa điểm Thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Đoàn công tác tham quan Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam

Trong chuyến về nguồn này, Đoàn đã đến thăm di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Ngày 4.4.1949, giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Khu di tích khánh thành đưa vào sử dụng với mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ. Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946-1954 mà còn khẳng định được những thành quả to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam, là một “địa chỉ đỏ” để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn cội.

 
Đoàn công tác dâng hương tại Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 

 

Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên chia sẻ thông tin về Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Nhân dịp này, Đoàn đã có cuộc trao đổi hoạt động báo chí và hoạt động công tác Hội với Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên (Ảnh trên).

P.V

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải